Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Nam và Philippines: “Đồng thanh tương ứng…”

Việt Nam và Philippines: “Đồng thanh tương ứng…”

Mượn câu “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”(nôm na: Khi cùng có chí khí như nhau thì mong thân thiết với nhau – được cổ nhân đúc kết từ lâu, để vận vào sự kiện mới xảy ra giữa hai quốc gia Đông Nam Á là Việt Nam và Philippines.

Tàu của cảnh sát biển Trung Quốc cản trở tàu của cảnh sát biển Philippines ở gần Bãi Cỏ Mây, Biển Đông, ngày 30/06/2023.

Sự kiện đó là gì? Là Philippines và Việt Nam thúc đẩy hợp tác hàng hải mà nhiều tờ báo “lề phải” của Việt Nam, và truyền thông Philippines, thông tin đậm đà hai ngày nay. Theo đó, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam (và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác song phương Việt Nam – Philippines (JCBC-10) từ ngày 1-2/8/2023), ông Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Manalo đã tới thăm Học viện Ngoại giao Việt Nam. Trong bài phát biểu tại trung tâm lớn, quan trọng nhất đào tạo cán bộ ngoại giao của Việt Nam ngày 1/8, ông đã chuyển đi lời kêu gọi: Việt Nam và Philippines cần đẩy mạnh hợp tác hàng hải. Lại còn nhấn mạnh, cho đó như “một động lực mạnh mẽ cho Quan hệ Đối tác Chiến lược” song phương, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, cũng như tranh chấp kéo dài ở vùng biển giàu tài nguyên…”

Khéo quá đi, khi vị sứ thần của Philippines đã không hề nhắc đến nguyên nhân gây nên căng thẳng địa chính trị đó. Tuy nhiên, chỉ cần thế, những người quan tâm, theo dõi tình hình Biển Đông có thể chỉ một phát trúng phóc tình trạng đó vì cái gì, quốc gia nào gây ra.

Mọi sự càng rõ hơn nếu ngược thời gian đúng chục năm về trước, năm 2013, Philippines chính là quốc gia đã khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài (PCA) thành lập theo phụ lục VII Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS). Khởi kiện sau khi ăn quả lừa, mất kiểm soát bãi cạn Scaborough về tay Trung Quốc một cách cay đắng. Khởi kiện với cả chồng hồ sơ, tài liệu do các cơ quan liên quan kỳ công chuẩn bị. Và vụ kiện đó được coi là hy hữu, ví như “vụ kiện thế kỷ”.

Nghề ngoại giao đôi khi phải ăn nói vòng vèo, chứ bằng vào nội dung và thái độ phát ra lời kêu gọi trên trước các nhà ngoại giao tương lai của Việt Nam, có thể nhận biết ông Manalo đã và đang cay cú lắm với Trung Quốc – quốc gia mà thời còn tại vị, tổng thống Duterte đã cố công kiến tạo những mong Manila và Bắc Kinh thành thân với nhau, nhưng cuối cùng mọi sự coi như đổ bể. Đổ bể do trái với mục tiêu mà Philippines kỳ vọng. Đổ bể cho Manila chỉ nhận được từ Bắc Kinh những hứa hẹn đầu lưỡi.

Nếu không cay cú, hẳn ông Manalo đã không nói thêm cái câu đậm tình đậm nghĩa (với Việt Nam) rằng: “ngoài ý nghĩa chiến lược, Biển Đông là huyết mạch của hàng triệu người dân Philippines và Việt Nam, những người sống dựa vào biển”, cho nên “phải thúc đẩy hơn nữa trong việc khám phá các phương thức hợp tác mới về an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển”.

Thực ra, liên quan vấn đề Biển Đông, giữa Việt Nam và Philippines không phải không vướng mắc. Cả hai cùng nằm trong “5 nước 6 bên liên quan”. Cả hai cùng có yêu sách chủ quyền với một số điểm, đá, đảo trên Biển Đông. Nói trắng ra, là tranh chấp.

Như khu vực Đá Ba Đầu chẳng hạn. Việt Nam từng nhiều lần khẳng định Đá Ba Đầu là một thực thể địa lý phụ thuộc và là một bộ phận không thể tách rời của nhóm đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa. Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định chủ quyền….

Trong khi đó, là một quốc đảo, căn cứ hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia quần đảo đã công bố, Philippines lại cho rằng phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines bao trùm lên khu vực đá Ba Đầu. Nghĩa là đá Ba Đầu là của Philippines. Thế mới có chuyện, tháng 3/2021, khi Trung Quốc dùng chiến thuật “tằm ăn dâu”, xua 220 tàu cá vũ trang tiến xuống hoạt động, rồi nằm lỳ nhiều ngày tại đá Ba Đầu với lý do “thời tiết xấu” (trong khi những ngày này, trời quang mây tạnh, biển lặng, xanh mướt… đẹp như thơ), cả Việt Nam và Philippines cùng lên tiếng phản đối Trung Quốc, cho đó là hành vi xâm phạm chủ quyền của mình.

Tuy nhiên, cái phẫn nộ, cái hậm hực là chĩa vào Bắc Kinh kia, chứ Hà Nội và Manila xem chừng vẫn ngầm như vẫn thiện chí, ấm áp với nhau. Thiện chí, ấm áp đó có thể hiểu rằng: giá như không có gã đô vật Trung Quốc ngang ngược kia cậy cơ cậy bắp, vài cái đảo, cái đá hai đang cùng tranh chấp, chúng ta (Việt Nam và Philippines) vẫn có thể có cách giải quyết được, miễn là cả hai cùng căn cứ vào luật pháp quốc tế mà đối thoại…

Nôm na, diễn dịch cái câu “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” vận vào chuyến công du của ông sứ thần Manalo, cũng như vận vào quan hệ giữa hai đối tác chiến lược Việt Nam, Philippines, nghĩa là cả hai quốc gia là đối tác chiến lược này cùng nhận ra cái ngang ngược, tham lam của Trung Quốc; nhận ra sự cần thiết phải có trách nhiệm, phải cùng xúm tay mà vun vào để hy vọng một ngày nào đó, Biển Đông từ bão tố trở thành êm ả…

Nhiều người cho rằng, khi nói những lời gan ruột “ngoài ý nghĩa chiến lược, Biển Đông là huyết mạch của hàng triệu người dân Philippines và Việt Nam, những người sống dựa vào biển”, nhà ngoại giao Philippines Manalo hẳn phải nhớ lại vụ một tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines Gem-Ver 1 ở khu vực bãi Cỏ Rong trên Biển Đông vào tối 9/6/2019, mặc 22 ngư dân Philippines suýt thành mồi cho cá, trước khi họ được các ngư dân của một tàu cá Việt Nam cứu.

Những vụ việc như vậy cũng góp phần làm cho Việt Nam và Philippines hiểu Trung Quốc hơn đấy; và vì thế, xích lại gần nhau hơn.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới