Một số nhà phân tích đã bắt đầu sử dụng khái niệm “Chiến tranh lạnh mới” hay “Chiến tranh lạnh 2.0” để mô tả quan hệ hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong thời điểm hiện tại, sự cạnh tranh về mặt quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc là không phải bàn cãi, thế nhưng lại thiếu sự đối đầu về ý thức hệ.
Học giả Cheng Li thuộc Viện Brookings (Mỹ) lập luận rằng: “Sẽ là một vấn đề đau đầu nếu chúng ta định nghĩa Chiến tranh lạnh mới là cuộc đối đầu quân sự và ý thức hệ”. Ông Cheng nói, bối cảnh hiện nay đã hoàn toàn khác. Toàn cầu hóa đã dẫn tới việc “Mỹ hắt hơi thì Trung Quốc cũng sổ mũi”. Việc thắng-thua trong cuộc chiến này không dễ xác định.
Phải chăng vì mầm cây Chiến tranh lạnh 2.0 đã thấp thoáng trồi lên mà Triều Tiên đổi hướng. Cùng lúc, Bình Nhưỡng bắt tay cả với Nga và Bắc Kinh. Lý do dễ hiểu là, Trung Quốc và Nga đang xích lại gần nhau. Trong khi đó Hàn Quốc đang thân thiết với Mỹ và Nhật Bản. Thế nên chỉ còn một cách là Triều Tiên gắn bó với hai ông láng giềng khổng lồ hàng xóm, bởi “nước xa không cứu được lửa gần”.
Hôm 26/7, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã có cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu để bàn về các vấn đề quân sự và môi trường an ninh khu vực. Hai nhà lãnh đạo đã đạt được đồng thuận về “những vấn đề cùng quan tâm trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh cũng như môi trường an ninh khu vực và quốc tế”.
Ông Kim thẳng thắn nói rằng, Bình Nhưỡng ủng hộ Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Theo ông, “chính sách bá quyền” của phương Tây do Mỹ giật dây buộc Mátxcơva phải có hành động quân sự để bảo vệ lợi ích an ninh của mình. Trước đó Lầu Năm Góc cáo buộc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga để sử dụng ở Ukraine, nhưng Bình Nhưỡng đã bác bỏ.
Rất thân thiện, ông Kim đưa ông Shoigu tới thăm triển lãm trưng bày một số vũ khí mới nhất của Triều Tiên. Tại đây, ông thông báo cho Bộ trưởng Quốc phòng Nga về các kế hoạch quốc gia của Triều Tiên, nhằm mở rộng năng lực quân sự của nước này. Một số vũ khí trong bức ảnh có vẻ là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà Triều Tiên phóng thử nghiệm gần đây.
Không rõ trong chuyến thăm của Shoigu tới Triều Tiên có thảo luận về việc nhập khẩu vũ khí từ nước này? Theo ông John Kirby – điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng – có vẻ Nga đang tìm kiếm hỗ trợ từ các quốc gia khác để tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nếu như Nga mua bán vũ khí của Triều Tiên dưới bất kỳ hình thức nào đều vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Cũng trong ngày 27/7, Ông Kim Jong Un đã tiếp phái đoàn Trung Quốc. Ông Kim bày tỏ sự cảm kích trước chuyến thăm của phái đoàn Trung Quốc do Ủy viên Bộ Chính trị Lý Hồng Tung làm trưởng đoàn. Cuộc gặp “thắm tình đồng chí” đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ “chiến lược và truyền thống” giữa hai nước.
Sự kiện Tổng thống Kim Jong un tiếp phái đoàn Nga và Trung Quốc được đánh giá là mở ra trang mới trong quan hệ ngoại giao, trước bối cảnh châu Á bước vào “Chiến tranh Lạnh 2.0”.
Phái đoàn Nga và Trung Quốc thăm Triều Tiên vào thời điểm này nhằm củng cố khối liên kết giữa ba nước, cũng là cảnh báo tới Hàn Quốc khi nước này đang tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ. Theo truyền thông Triều Tiên, ông Kim đã bày tỏ quan điểm về những vấn đề cùng quan tâm trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, sự phát triển và lợi ích của hai nước trước những “thủ đoạn của kẻ thù”.
Trước động thái ngoại giao của Triều Tiên, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patel đã lớn tiếng chỉ trích. Ông khẳng định, động thái này thể hiện lập trường ủng hộ của cả Moscow và Bắc Kinh dành cho các chương trình phát triển vũ khí bất hợp pháp của Triều Tiên. Ông Patel nêu rõ, các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đặt ra mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh thế giới; vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Phát biểu một cách thận trọng hơn, ông Zhiqun Zhu, giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Bucknell (Mỹ) cho rằng, sự gắn kết chặt chẽ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh không có gì đáng ngạc nhiên trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Hàn ngày càng sâu sắc. Bởi khi Trung-Triều hợp lực thì có thể giảm áp lực từ Mỹ. Điều đáng lo ngại là, cả hai nước này đều xem việc tăng cường liên minh Mỹ-Hàn-Nhật là mối đe dọa an ninh lớn.
Qua đây có thể thấy, việc Hàn Quốc và Triều Tiên ngồi lại bàn đàm phán là khó có thể thực hiện được. Sự tồn tại của “hai khối” là tín hiệu xấu cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Á. Khi ngoại giao rơi vào bế tắc thì cơ hội để Hiệp định đình chiến kéo dài 70 năm trở thành một Hiệp ước hòa bình là rất khó.
Xoay trục ngoại giao, Bình Nhưỡng coi sự đối đầu giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga để cạnh tranh ảnh hưởng khu vực và cuộc xung đột ở Ukraine là cơ hội để thoát khỏi sự cô lập ngoại giao. Từ đây, Triều Tiên có thể tham gia một mặt trận thống nhất chống lại Mỹ.
Theo các nhà phân tích, việc Kim Jong un đứng cùng khán đài trung tâm với ông Shoigu và Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lý Hồng Trung trong lễ duyệt binh năm nay sẽ trở thành một biểu tượng hợp tác mà ông muốn gửi thông điệp đến người dân trong nước. Đó cũng là một tuyên bố thách thức Mỹ.
H.Đ