Những khu khai thác niken của Indonesia, nơi nuôi sống những “gã khổng lồ” xe điện như Tesla, lại đang hủy hoại nguồn sống của nhiều người dân địa phương và cả những công nhân khai thác.
Nếu như Trung Quốc “thắp sáng” cho ngành công nghiệp xe điện thì Indonesia lại đang đặt mục tiêu cung cấp nhiên liệu để duy trì ngọn lửa đó. Quốc gia Đông Nam Á này hiện đang nắm giữ trữ lượng niken, thành phần chính để sản xuất thép không gỉ và pin xe điện, lớn nhất thế giới.
Chỉ trong 3 năm trở lại đây, Indonesia đã ký hơn 10 thỏa thuận trị giá hơn 15 tỷ USD để sản xuất pin và xe điện. Các đối tác của Indonesia bao gồm các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc cùng những “gã khổng lồ” như Tesla, Hyundai, LG và Foxconn. Sản lượng niken ở Indonesia cũng đã tăng gấp đôi trong 2 năm, lên 1,6 triệu tấn vào năm 2022 và chiếm tới 48% tổng nguồn cung của thế giới.
Cùng với sáng kiến Vành đai và Con đường, ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc xuất hiện tại Indonesia để đảm bảo nguồn cung niken khi nhu cầu xe điện ngày càng tăng. Trong đó, có từ 61% – 99% các công ty khai thác niken tại Indonesia thuộc sở hữu của Trung Quốc.
Trước năm 2014, đầu tư của Trung Quốc chỉ chiếm 1% số vốn đầu tư nước ngoài vào Indonesia. Thế nhưng, chỉ tính đến năm 2019, con số này đã tăng lên 7% – 8% khi đầu tư của quốc gia này vào công nghiệp khai thác niken ở Indonesia đã tăng theo cấp số nhân chỉ trong vài năm.
Từ tiếng kêu cứu trong vô vọng
Hòn đảo Wawonii xa xôi của Indonesia đã trở thành “chiến trường” giữa dân làng và một công ty khai thác niken được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư Trung Quốc. Các cuộc biểu tình chống lại ngành công nghiệp niken cũng đã nổ ra tại Sulawesi. Những người dân nơi đây đang kêu cứu khi hoạt động khai thác niken phá hủy hệ sinh thái và ảnh hưởng đến kế sinh nhai của họ.
“Kurisa sắp chết rồi”, một người dân tại làng chài xót xa. Cuộc sống của người dân tại Kurisa, một làng chài thuộc đảo Sulawesi, đã bị đảo lộn hoàn toàn khi khu công nghiệp Morowali Indonesia – khu liên hợp công nghiệp được quản lý bởi liên doanh Trung Quốc – Indonesia đi vào hoạt động.
Các nhà máy khai thác và chế biến niken trong khu công nghiệp này đã cung cấp lượng niken khổng lồ cho nhiều hãng xe điện Trung Quốc. Thế nhưng, song song với đó, hoạt động của khu công nghiệp này cũng khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm nặng nề.
Nhiệt độ của nước tăng lên trong khi xung quanh chỉ toàn là bùn đã khiến “lũ cá phải bỏ chạy”, làm ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của những người dân làng chài. “Thay vì ăn cá, chúng tôi giờ ăn than”, một người dân chia sẻ.
Những khu rừng, đất trồng trọt cũng bị triệt hạ để nhường chỗ cho các nhà máy khiến không khí nơi đây “nhiễm độc”. Bụi bẩn, tiếng khoan đục, tiếng xe chạy rầm rập mỗi ngày,…đang khiến người dân nơi đây ngộp thở.
Đến cái chết của những người công nhân
Những cuộc biểu tình tại các khu công nghiệp khai thác niken ở Indonesia diễn ra ngày càng nhiều khi người lao động phải làm những công việc bẩn thỉu, nguy hiểm và chiến đấu với nỗi sợ hãi về cái chết mỗi ngày.
Vào tháng 3, có 4 người thợ mỏ làm việc tại Total Prima Indonesia chết ngạt trong một trận lở đất. Vào tháng 4, hai người công nhân bị chôn vùi dưới đống chất thải niken tại một nhà máy chế biến ở khu công nghiệp Morowali. “Những cái chết này đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về điều kiện làm việc mệt mỏi và thiếu các biện pháp an toàn tại các khu khai thác niken”, tờ Rest of World nói.
Theo thống kê của tổ chức phi lợi nhuận về năng lượng của Indonesia Trend Asia, trong giai đoạn từ năm 2015 – 2019, đã có 47 trường hợp tử vong và 76 trường hợp bị thương tại các khu vực khai thác niken. Đáng chú ý là trong số này chưa bao gồm 10 công nhân Trung Quốc tử vong, nghi ngờ do tự sát.
Ông Muhammad Zulfikar Rakhmat, một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Indonesia của Trung tâm Nghiên cứu Luật và Kinh tế, cho biết: “Indonesia dường như đang nóng lòng muốn phát triển nền kinh tế. Mọi thứ khác chỉ là ưu tiên số hai, thậm chí là số ba”.
Một công nhân làm việc tại khu khai thác niken tiết lộ họ phải làm việc 12 tiếng mỗi ngày mà không có thời gian nghỉ ngơi. Trong khi đó, tiền lương của họ bị giữ lại trong nhiều tháng và các quản lý sẵn sàng thẳng tay trừ lương khi họ nghỉ ốm. Các công nhân Trung Quốc còn bị giữ lại hộ chiếu khiến họ không thể rời đi.
Nhiệt độ cao và ô nhiễm không khí tại các khu khai thác niken đã làm sức khỏe của những người công nhân bị suy giảm nghiêm trọng. Phổi của họ bị ảnh hưởng, nhịp tim tăng nhanh, thậm chí một số người còn mắc phải chứng mất trí nhớ. “Các công nhân tại những khu khai thác niken đã phải chịu đựng rất nhiều thiệt hại về cả thể chất, tâm lý lẫn tài chính”.
Chia sẻ với Rest of World, một công nhân người Trung Quốc tiết lộ cuộc sống của anh ấy đang vô cùng “khó khăn và đầy đau khổ”. Anh phải làm việc 11 tiếng/ngày bất chấp thời tiết và tình trạng sức khỏe ốm yếu mặc dù trong hợp đồng chỉ ghi 9 tiếng/ngày. “Trên núi không có người ở, muỗi và rắn độc rất nhiều. Khi trời mưa, chúng tôi không có nơi nào để trú ẩn”, anh nói.
Theo công ty tư vấn năng lượng Benchmark Mineral Intelligence, quyền kiểm soát nguồn cung niken toàn cầu của Indonesia có thể tăng lên hơn 60% vào cuối thập kỷ này. Và số lượng công ty hiện đang hoạt động tại khu công nghiệp có thể tăng lên nhiều trong những năm tới. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này được ví như một “quả bom hẹn giờ” và nếu một ngày nào đó nó phát nổ, không chỉ người lao động, nhiều bên sẽ phải gánh chịu những hậu quả khó lường.
T.P