Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ sẽ thay đổi cách ứng xử với ASEAN

TQ sẽ thay đổi cách ứng xử với ASEAN

Dự án kênh đào nhân tạo lớn nhất thế giới đang được Trung Quốc xây dựng sẽ đi vào hoạt động trong năm 2026. Đây được xem là “quân bài chiến lược” của Trung Quốc trong việc xích lại gần các quốc gia Đông Nam Á để thúc đẩy hợp tác kinh tế.

Một góc kênh đào Bình Lục đang xây dựng ở Quảng Tây, miền nam Trung Quốc.

Từ trước đến nay, việc xây dựng cầu đường luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, nhiều công trình cầu đường còn mang ý nghĩa chiến lược, đóng vai trò không nhỏ trong việc phát triển nền kinh tế nội địa. Chính bởi những lợi ích to lớn này, vào tháng 8/2022, Trung Quốc đã chính thức khởi công xây dựng kênh đào Bình Lục – kênh đào lớn nhất của quốc gia này trong vòng 700 năm trở lại đây.

Dự án kênh bắt đầu từ hồ chứa Tây Tân ở thành phố Hoành Châu và kết thúc ở huyện Linh Sơn, thành phố Khâm Châu (đều thuộc Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây). Vị trí của dự án này chỉ cách cửa khẩu Móng Cái, Việt Nam gần 100km theo đường chim bay hoặc gần 690km nếu tính đường bộ. Tổng chiều dài dự án là 134,2 km với tổng chi phí dự án ước tính khoảng 72,7 tỷ nhân dân tệ (CNY, 10,1 tỷ USD). Thời gian xây dựng kênh đào Bình Lục là 52 tháng và các công trình chính sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026.

Sau khi hoàn thành, kênh đào Bình Lục sẽ là kênh đào nhân tạo lớn nhất thế giới nối liền sông và biển với tổng khối lượng đào đắp hơn 339 triệu mét khối. Theo dự kiến, kênh đào có thể vận chuyển 108 triệu tấn hàng hóa vào năm 2035 và 130 triệu tấn vào năm 2050. Nó sẽ cho phép các tàu container hoặc tàu chở hàng rời đi từ thành phố thủ phủ Nam Ninh của Quảng Tây, Trung Quốc đến Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác chỉ trong vài tuần.

Trả lời phỏng vấn của báo chí , ông Hồ Hoa Bình – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc cho biết: ““Dự án được triển khai chủ yếu là để phát triển vận tải biển, kết hợp với cấp nước, tưới tiêu, kiểm soát lũ lụt và cải thiện môi trường sinh thái nước. Việc xây dựng dự án có lợi cho việc nâng cao năng lực và hiệu quả vận chuyển của Hành lang trên biển và đất liền mới phía Tây Trung Quốc. Hàng hóa ở khu vực Tây Nam được vận chuyển ra biển qua Kênh đào Bình Lục ngắn hơn khoảng 560 km so với hàng hóa đi ra biển qua Quảng Châu. Ước tính chi phí vận chuyển dọc theo Hành lang trên biển và đất liền mới phía Tây Trung Quốc sẽ tiết kiệm hơn 5,2 tỷ CNY (722 triệu USD) mỗi năm.”

Ông Bình cũng đánh giá, ASEAN – với dân số 600 triệu người – đã và đang là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Việc xây dựng kênh đào Bình Lục được kỳ vọng sẽ mở ra một tuyến đường thủy thuận lợi cho giao thương giữa Trung Quốc và ASEAN, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và các nước ASEAN phát triển toàn diện.

Tuy nhiên, bất chấp những tiềm năng về kinh tế mà kênh đào Bình Lục mang lại, một số chuyên gia, tổ chức bảo vệ môi trường của Trung Quốc vẫn đặt câu hỏi về tác động sinh thái của kênh đào.

Vào tháng 6/2022, Tổ chức Phát triển xanh và Bảo tồn đa dạng sinh học Trung Quốc khẳng định những tác động tiêu cực của dự án kênh đào Bình Lục đối với hệ sinh thái, đặc biệt là đa dạng sinh học, là điều không thể chối cãi. Những nguy cơ như cô lập hoặc phá hủy môi trường sống tự nhiên, biến đổi hệ sinh thái của khu vực, ô nhiễm từ những con tàu chở hàng… đều có thể ảnh hưởng đến tự nhiên.

Trong khi đó, kênh đào này được sử dụng chủ yếu để vận chuyển than, khoáng sản, xi măng, ngũ cốc, vật liệu xây dựng…, có thể gây ra những tác động không thể tránh khỏi lên các hệ sinh thái mà nó đi qua. Ngoài ra, dự án này cũng đe dọa nguồn nước ngọt của lưu vực và làm trầm trọng thêm tình trạng lũ lụt trong khu vực.

Khi được hỏi về vấn đề này, phía quản lý dự án tuyên bố “sẽ xây dựng các thiên đường bảo tồn để bảo vệ hệ sinh thái của các khu vực mà kênh đào Bình Lục đi qua”. Tuy nhiên, phía quản lý từ chối đi vào chi tiết.

Bên cạnh môi trường, nhiều chuyên gia cho rằng hệ thống kênh đào Bình Lục sẽ không “mở khóa” được toàn bộ lợi ích kinh tế cho khu vực ASEAN. Chuyên gia Stephen Olson của Quỹ Hinrich, Singapore cho hay: “Việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiệu quả là một sự phát triển đáng hoan nghênh, tuy nhiên, bản thân nó không thể tự tạo ra sức mạnh thương mại. Nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn nhiều so với bất kỳ nền kinh tế đơn lẻ nào trong ASEAN, điều đó có thể dẫn đến các mối quan hệ thương mại không cân bằng và không bền vững”.

Chưa dừng lại ở đó, vị chuyên gia này còn bày tỏ hoài nghi về nỗ lực kéo các nước ASEAN về phía mình của cả Trung Quốc và Mỹ: “Đối với hầu hết các quốc gia trong khối ASEAN, lợi ích của đất nước họ được phục vụ tốt nhất bằng cách không nghiêng hẳn về bên nào mà nên duy trì quan hệ kinh tế và chiến lược mạnh mẽ với cả hai bên”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới