Monday, November 18, 2024
Trang chủQuân sựVũ khí - Khí tàiQuân đội Việt Nam biên chế tên lửa Viettel S-125 VT

Quân đội Việt Nam biên chế tên lửa Viettel S-125 VT

Tin vui liên quan đến các thành tựu nổi bật của Tập đoàn Viettel trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Một dự án vũ khí do Tập đoàn Viettel chủ trì đã được quân đội chấp nhận đưa vào trang bị.

Theo báo Quân Đội Nhân Dân, chiều ngày 19/6, Quân chủng Phòng không – Không quân đã phối hợp với Tập đoàn công nghiệp viễn thông quân đội Viettel khai mạc huấn luyện chuyển loại khí tài mới cho Sư đoàn Phòng không 377. Dự kiến trong thời gian gần một tháng huấn luyện, các học viên sẽ được trang bị các kiến thức cả về lý thuyết và thực hành. Trong đó, huấn luyện lý thuyết tập trung vào một số nội dung như sau: Quy tắc an toàn, công tác chiến đấu, đội ngũ chiến thuật, quy tắc bắn, khẩu lệnh hiệp đồng kíp chiến đấu. Đối với huấn luyện thực hành, đội ngũ giáo viên sẽ huấn luyện các thao tác khai thác, sử dụng và công tác kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng khí tài mới. Kết quả của lớp huấn luyện chính là cơ sở quan trọng để cán bộ chiến sĩ có đủ trình độ khai thác, sử dụng vũ khí, khí tài trang bị mới; góp phần nâng cao chất lượng sẵn sàng chiến đấu trong thời gian tới.

Mặc dù thông tin của báo Quân đội Nhân dân không nói khí tài mới ở đây là gì, nhưng họ đã cung cấp bức ảnh chụp nét căng với dòng chữ “Khai mạc huấn luyện chuyển loại tổ hợp tên lửa phòng không S1-25VT”.

Như vậy là dự án S1-25VT đã trở thành hiện thực và không cần tới 2 năm kể từ ngày xuất hiện dưới dạng tin đồn, dự án đã chính thức hoàn thành việc cải tiến, bắt đầu đưa vào các đơn vị chiến đấu. Rất tiếc, như thường lệ, một lần nữa, thông tin vẫn chỉ có vậy: Không tham số cải tiến, không tính năng, không số lượng, không gì hết.

Khoảng cuối năm 2021, tôi từng được xem một đoạn phim bắn nghiệm thu dự án S1-25VT rồi. Có thể nói sơ sơ rằng con số tổ hợp S1-25 cải tiến theo dự án S1-25VT nằm ở hàng chục, bao gồm cả việc sửa đổi phần cứng và phần mềm. Đối với đạn dược, Viettel đã tham gia vào việc đại tu, tăng hạng hàng trăm quả đạn tên lửa do Liên Xô viện trợ cùng tổ hợp S1-25 kiểu cũ.

Tối ngày mùng 4/3 năm nay, đài truyền hình Quốc Gia VTV đã đăng tải một số hình ảnh liên quan tới các thành tựu mới của Viettel được công bố trước các lãnh đạo cấp cao của quân đội và chính phủ. Trong đó, có một bức ảnh với bệ phóng đặc trưng của tên lửa S1-25 kèm logo Viettel và dòng chữ chú thích “Đạn tên lửa phòng không 5V27”. Đây cũng là một cơ sở để minh chứng rằng phần bệ và đạn xuất hiện trong chương trình của VTV chính là thành phần chiến đấu của tổ hợp S1-25VT. Cả bệ và đạn đều được sơn màu mới chứng tỏ có thể đã được sửa chữa, đại tu, thay thế linh kiện bên trong. Mà thực ra là phải thay để đảm bảo đồng bộ với các hệ thống điều khiển hỏa lực đã được hiện đại hóa. Ví dụ như trên chương trình nâng cấp F125-2TM hợp tác với Cộng hòa Belarus. Bệ phóng 5P732TM vẫn giữ nguyên thiết kế cũ với 4 cần phóng nhưng bên trong các khối điện, điện tử cũ đã được thay toàn bộ bằng các bộ bán dẫn số hóa. Trong đó, các động cơ đồng bộ chạy dòng một chiều đã được thay bằng các động cơ đồng bộ chạy dòng xoay chiều đã được nhiệt đới hóa.

Nếu nói về kết quả thu được sau dự án F125 VT đối với Viettel nói riêng và công nghiệp quốc phòng Việt Nam nói chung. Chúng tôi cho rằng một trong những thứ giá trị nhất là các bài học kinh nghiệm trong việc can thiệp sâu vào phần mềm điều khiển hỏa lực của hệ thống.

Chính ra, phần mềm mới là một trong những yếu tố mang tính quyết định đối với hiệu suất của tổ hợp tên lửa phòng không tinh vi. Nó cũng giống như bộ máy tính mà chúng ta đang sử dụng, cái cốt yếu làm nên cái hồn của bộ máy tính chính là hệ điều hành. Hệ thống máy tính điện tử không thể thiếu hệ điều hành hay trong thuật ngữ Công nghệ Thông tin tiếng Anh gọi là Operation System (OS). Các bạn học tin học cơ bản cũng đã hiểu OS có chức năng quản lý phần cứng máy tính, giao tiếp giữa người dùng và phần cứng thông qua phần mềm và trong phần mềm lại bao gồm phần mềm hệ thống (chính là hệ điều hành) và các phần mềm ứng dụng chạy trên nền hệ điều hành đó.

Việc thiết kế một hệ thống máy tính và điện tử thế hệ mới nhằm mục đích thay thế các hệ thống thế hệ cũ trong các khí tài quân sự là yếu tố then chốt trong việc hiện đại hóa vũ khí. Nếu không có trình độ chuyên môn sâu thì chúng ta khó có thể tự làm được, nếu không sẽ phải nhờ đến các chuyên gia nước ngoài có trình độ kỹ thuật khá hơn. Nhưng phải nói rằng cũng cảm ơn Liên Xô năm xưa đã chuyển giao thiết kế hệ thống điện tử máy tính của các hệ thống tên lửa phòng không như S75 và S1-25. Với bề dày kinh nghiệm sử dụng và chiến đấu, sự tìm tòi nghiên cứu của các thế hệ cán bộ chiến sĩ và kỹ sư của Quân chủng Phòng không – Không quân và Quân đội nói chung, chúng ta đã làm chủ được hoàn toàn hệ thống máy tính điện tử thế hệ cũ này của Liên Xô. Trên cơ sở đó, chúng ta đã phân tích và thiết kế các hệ thống điện tử và máy tính thế hệ mới cho các hệ thống phòng không này.

Thành quả của việc hiện đại hóa các hệ thống tên lửa phòng không này có công sức của các thế hệ sĩ quan, chiến sĩ và kỹ sư trong và ngoài quân đội. Chúng ta đã thành công trong việc thay thế các bảng mạch điện tử bóng bán dẫn chân không thế hệ cũ của Liên Xô bằng vi IC hiện đại. Chúng ta cũng thành công trong việc lập trình phần mềm và áp dụng hệ điều hành máy tính chuyên dụng cho việc quản lý chiến đấu. Thế nên, cái mà tôi cảm thấy ấn tượng nhất khi được xem đoạn phim bắn thử tên lửa S1-25VT là ở việc chúng ta đã làm chủ việc cải tiến phần mềm đi kèm với phần cứng. Việc làm chủ phần mềm giúp chúng ta hiểu rõ và thiết kế các phương pháp bắn, một yếu tố cần thiết để bắn trúng mục tiêu, vận hành tên lửa phòng không còn phải có phương pháp bắn. hiểu nôm na, nó giống như các yếu lĩnh để bắn chính xác trong các bài bắn súng tiểu liên chẳng hạn, không phải là radar bắt mục tiêu rồi phóng đạn cứ thế nó đánh trúng đâu. Câu chuyện về phương pháp bắn ít khi được nhắc tới vì nó tương đối khó hiểu với dân ngoại đạo.

Ví dụ, với tên lửa SAM-2 năm xưa để đánh thắng kẻ địch, ngoài việc áp dụng các biện pháp đối phó nhiễu thì phải tìm ra phương pháp bắn tốt nhất. Sau hơn nửa thế kỷ, hiện nay mới công bố rằng khi đó ta đã sử dụng hai phương pháp bắn. Một là phương pháp bắn 3 điểm bắn trong điều kiện kẻ địch gây nhiễu rất mạnh. Nó giống như màn hình bạn đang xem bị mất tín hiệu, thành hiệu sóng máy bay địch đã gây nhiễu làm cho màn hình radar của ta bị nhiễu sóng, không nhìn thấy mục tiêu. Cách đánh là phải làm sao để đài radar tên lửa của ta và máy bay địch luôn luôn trên một đường thẳng. Đòi hỏi trắc thủ của ta phải giỏi tính toán, có bàn tay vàng và con mắt rất tinh tường, thì mới làm nổi.

Phương pháp thứ hai là đón trước được góc. Địch gây nhiễu nhưng càng vào gần thì cường độ nhiễu càng giảm, mục tiêu càng rõ, trắc thủ nhìn thấy mục tiêu trên màn hình hiện sóng sẽ để tên lửa bắn đón góc. Tên lửa là ngòi nổ vô tuyến để đến khi cách máy bay khoảng 60m thì ngòi nổ vô tuyến làm việc. Nó sẽ tạo ra áp lực rất mạnh, tên lửa nổ và 12.000 mảnh bi thép trùm lên máy bay địch, đảm bảo xác suất tiêu diệt mục tiêu rất cao.

Với tên lửa S1-25-2TM đã hoàn thành cải tiến một số bộ khí tài và đưa vào trang bị, hiện có 3 phương pháp điều khiển nhằm nâng cao hiệu quả xạ kích, mở rộng biên và nâng trần vùng diệt của đạn trước các loại mục tiêu bay cơ động linh hoạt có tốc độ cao và mục tiêu bay đạn đạo có tốc độ bay tới 900 m/s.

Một là phương pháp điều khiển vi sai động, gọi tắt là KDU – được phát triển dựa trên nguyên lý điều khiển tối ưu toàn cục đối với đạn trong điều kiện xác định được các tham số về cự ly, góc hướng và tốc độ bay của mục tiêu bị xạ kích. Phương pháp KDU khắc phục được nhiều điểm thiếu tham số hồi tiếp về mức độ thay đổi, tốc độ góc của đạn như một đối tượng điều khiển trong quá trình công kích mục tiêu bay linh hoạt có tốc độ cao của phương pháp PS. Với phương pháp KDU, đạn được điều khiển theo quỹ đạo mượt hơn dựa trên bài toán quy hoạch động hướng tới mục tiêu nhằm giảm tổn hao năng lượng do liên tục thay đổi quỹ đạo theo mục tiêu trong quá trình bay.

Hai là phương pháp bắn 3 điểm được điều chỉnh, gọi tắt là MVT, để thay cho các phương pháp điều khiển vượt trước nửa góc và 3 điểm của tổ hợp S1-25M kiểu cũ. Phương pháp MVT được phát triển dựa trên nguyên lý điều khiển tối ưu cục bộ đối với đạn trong điều kiện gặp nhiễu, khiến đài điều khiển không xác định được tham số cự ly mục tiêu. Tương tự phương pháp KDU, phương pháp MVT cũng sử dụng bài toán quy hoạch động hướng tới mục tiêu để làm mượt quỹ đạo bay của đạn.

Thứ ba, còn có phương pháp điều khiển K được sử dụng để bắn mục tiêu bay thấp hoặc mục tiêu mặt đất, mặt nước. Cũng được nâng cấp thuật toán lọc nhiễu thích nghi giúp tăng hiệu quả xạ kích của tổ hợp S1-25-2TM gấp từ 2 đến 3 lần so với các tổ hợp cũ.

Về phương pháp điều khiển bắn của S1-25VT, tôi không nhớ rõ lắm nhưng đại loại cũng có 2 – 3 phương pháp bắn cho nhiều loại mục tiêu. Các bạn có thấy sự phức tạp không ạ? Bảo sao mà báo chí quân đội ít khi nói về câu chuyện phần mềm và phần cứng. Chỉ có một số bài báo chuyên ngành mới nhắc tới vì nó khá là phức tạp.

Viettel đã hoàn thành việc cải tiến tên lửa S1-25VT bằng chính năng lực của mình. Điều này sẽ đem lại những bài học kinh nghiệm quý giá cho việc phát triển các tổ hợp vũ khí mới sau này, bao gồm các tổ hợp tên lửa phòng không. Tất nhiên phải có cả sự phối hợp từ các nhà máy, các đơn vị nghiên cứu trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, đúng như câu nói “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Một lần nữa xin chúc mừng thành tựu của Viettel nói riêng và nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam nói chung. Xin chúc mừng quân đội đã tiếp nhận thêm một tổ hợp phòng không mới, hiện đại, mong bầu trời Việt Nam luôn trong xanh, hoà bình vĩnh viễn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới