Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNew Zealand cũng lo ngại an ninh với TQ

New Zealand cũng lo ngại an ninh với TQ

Dù có mối quan hệ kinh tế thương mại khăng khít, nhưng New Zealand giờ đây cũng nhấn mạnh nguy cơ từ Trung Quốc liên quan các rủi ro an ninh.

Tối 11.8, Reuters đưa tin Cơ quan An ninh Tình báo New Zealand (NZSIS) cùng ngày công bố báo cáo về các mối đe dọa an ninh năm 2023. Đây là lần đầu tiên New Zealand công bố báo cáo này nhằm thông báo tốt hơn cho người dân về những rủi ro mà đất nước đang phải đối mặt. Báo cáo được công bố khi chỉ còn 2 tháng nữa là đến đợt tổng tuyển cử trong bối cảnh chính sách đối ngoại có vai trò quan trọng để vận động cử tri.
Thay đổi thái độ

Nổi bật trong báo cáo trên, NZSIS nhấn mạnh về rủi ro an ninh đến từ Trung Quốc. Cụ thể là các hoạt động của tình báo Bắc Kinh đang xảy ra ở New Zealand, có xu thế gây tổn hại cho Wellington và khu vực nam Thái Bình Dương. Báo cáo đặt ra lo ngại về hoạt động từ các nhóm và cá nhân là “cánh tay nối dài” của tình báo Trung Quốc.

Như vậy, trong chưa đầy 10 ngày, Wellington đã liên tục phát đi những lo ngại liên quan Bắc Kinh. Trước khi công bố báo cáo trên, ngày 4.8, New Zealand đã công bố Chiến lược An ninh quốc gia cũng đề cập về nguy cơ từ Trung Quốc.

Cụ thể, văn bản này cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể làm đảo lộn sự cân bằng chiến lược trong khu vực. Wellington lo ngại về mối quan hệ ngày càng tăng giữa các đảo đối tác truyền thống của New Zealand ở Thái Bình Dương với Bắc Kinh. Ví dụ, Trung Quốc và Quần đảo Solomon đã ký một thỏa thuận an ninh vào năm 2022. Báo cáo trên đánh giá hiệp ước Solomons thể hiện “tham vọng của Trung Quốc trong việc liên kết hợp tác kinh tế và an ninh, tạo ra các cấu trúc khu vực cạnh tranh và mở rộng ảnh hưởng với các quốc đảo Thái Bình Dương”. Báo cáo cũng đánh giá các động thái của Trung Quốc đối với các cảng và sân bay ở Thái Bình Dương có thể để hướng đến mục đích quân sự “cơ bản sẽ thay đổi sự cân bằng chiến lược trong khu vực”. Qua đó, Wellington cũng hướng đến việc tăng năng lực quốc phòng “phù hợp” với tình hình mới.
Bộ Quốc phòng New Zealand

Những diễn biến trên hoàn toàn trái ngược với hình ảnh khăng khít khi Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins, người vừa nhậm chức trong năm 2023, đã đến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 6 vừa qua.

Khi đó, ông Hipkins đã được Bắc Kinh tiếp đón trọng thị và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình gọi New Zealand là “bạn bè và đối tác” quan trọng. Ông Tập còn khẳng định Bắc Kinh và Wellington “Cần tiếp tục coi nhau là đối tác hơn là đối thủ, là cơ hội hơn là mối đe dọa”. Thực tế, Trung Quốc là nhà nhập khẩu then chốt đối với các sản phẩm thịt và sữa của New Zealand. Vì thế, trong chuyến thăm, Thủ tướng Hipkins khẳng định Trung Quốc là “mối quan hệ quan trọng đối với New Zealand”.

Bước ngoặt của Wellington

Trả lời Thanh Niên ngày 12.8, TS Satoru Nagao (Viện nghiên cứu Hudson, Mỹ) chỉ ra những lý do khiến Wellington “quay xe” với Bắc Kinh.

Thứ nhất, theo TS Nagao, bắt nguồn từ việc Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở vùng nam Thái Bình Dương. Trong đó, động thái quan trọng là Bắc Kinh dần tìm cách tăng kiểm soát từ khu vực Biển Đông đến nam Thái Bình Dương. Trung Quốc đã tạo ảnh hưởng thông qua đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, du lịch và triển khai an ninh. Tại nhiều nơi, tuy từ cam kết đầu tư dự án ban đầu thuần dân sự, Trung Quốc dần biến những dự án thành món nợ mà nước sở tại phải gánh, rồi dùng để gây ảnh hưởng, hướng đến việc thiết lập cơ sở quân sự.

“Vì thế, khi ảnh hưởng của Trung Quốc đang mở rộng như một dự án có mục đích dân sự ở nam Thái Bình Dương, thì tiềm ẩn khả năng triển khai quân sự trong tương lai, trở thành thách thức chiến lược đối với hải quân của Mỹ, Úc, New Zealand trong tương lai. Nếu Trung Quốc thiết lập các căn cứ quân sự ở nam Thái Bình Dương, hải quân Trung Quốc có thể tiếp cận từ bờ Tây của Mỹ đến Úc và New Zealand”, TS Nagao nêu.

Thứ hai, vị chuyên gia cho rằng để đối phó với những thách thức của Bắc Kinh, Washington đang tăng cường nhiều nỗ lực để phương Tây gắn kết hơn. Trước đây, New Zealand có thái độ không quá mạnh mẽ trước Trung Quốc. Tuy nhiên, thái độ này đã dần thay đổi. Năm 2022, dư luận về Trung Quốc tại New Zealand đã thay đổi và người dân quyết định ủng hộ chính sách mạnh mẽ đối với Trung Quốc.

“Năm 2023, New Zealand đã thay đổi nội các. Tân Thủ tướng Christopher John Hipkins tuy thuộc cùng đảng của người tiền nhiệm, nhưng ông từng giữ vị trí phụ trách công tác an ninh, nên nội các mới có những cái nhìn khác về Trung Quốc liên quan vấn đề an ninh”, TS Nagao chỉ ra.
Mối gắn kết New Zealand với Mỹ

Thực tế, mối gắn kết của Wellington và Washington ngày càng tăng lên. Phát biểu khi công du Wellington mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định thỏa thuận AUKUS giữa Mỹ – Anh – Úc cũng sẵn sàng rộng mở đón nhận thêm New Zealand. Để giải quyết vấn đề Wellington luôn phản đối vũ khí hạt nhân, AUKUS không hướng đến việc cung cấp công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho New Zealand như đối với Úc. Thay vào đó, thỏa thuận hướng đến “trụ cột thứ 2” là những công nghệ tiên tiến, phi hạt nhân.
Hồi tháng 7, New Zealand cũng được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh của NATO. Ngoài New Zealand, chỉ có thêm Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc là các nước ngoài NATO được mời đến hội nghị trên. Qua đó, Wellington được đánh giá như một đối tác quan trọng của NATO ở khu vực theo mô hình “NATO + 4”. Một gắn kết khác cũng phải kể đến giữa New Zealand với Mỹ nói riêng và NATO nói chung là New Zealand cùng với Úc, Mỹ, Anh, Canada từ thập niên 1940 đã xây dựng liên minh tình báo Ngũ Nhãn và liên minh này tồn tại đến ngày nay.

Đó là những nền tảng để New Zealand gắn kết với Mỹ cùng đồng minh trước Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới