Có mặt ở Phnom Penh ngày 12/8, ông Vương Nghị là quan chức Trung Quốc đầu tiên thăm Campuchia kể từ khi Đại tướng Hun Manet được bổ nhiệm làm thủ tướng.
Theo thông báo của Bắc Kinh, Phnom Penh là điểm đến đầu tiên của ông Vương Nghị trong chuyến công du ba quốc gia trong ASEAN: cùng với Campuchia, là Singapore và Malaysia.
Chẳng có gì ngẫu nhiên cả. Dư luận tinh lắm. Nhiều người, nhất là các chuyên gia quốc tế, nhận định ngay: đành là tất cả đều quan trọng, nhưng chắc chắn, ông Vương Nghị phải lấy Campuchia làm đầu; và chính thế, Phnom Penh mới thành điểm đến đầu tiên của chuyến công du.
Cái lý của những người đưa ra nhận định trên là thời điểm.
Singapore và Malaysia có thể đã ngỏ lời với cơ quan ngoại giao Trung Quốc từ trước, nhưng việc thực hiện chuyến công du trùng vào thời điểm nhạy cảm: Campuchia có thủ tướng mới, cho thấy Bắc Kinh đã tính toán thực dụng đến ra sao. Hơn lúc nào hết, sự hiện diện của ông Vương Nghị tại Phnom Penh vào lúc này thể hiện được tình cảm của Bắc Kinh với cả hai: Thủ tướng sắp mãn nhiệm Hun Sen, và Thủ tướng sắp kế nhiệm chính thức (chỉ còn chờ thủ tục phê chuẩn của Quốc hội), là ông Hun Manet.
Tình cảm đó là gì? Với ông Hun Sen, là sự tri ân về những gì mà suốt 38 năm, trong cương vị đứng đầu Chính phủ, ông đã làm. Những việc đó kể sao cho xiết. Không có sự hỗ trợ, tạo điều kiện của ông Hun Sen, đố Bắc Kinh có thể xác lập nên vị thể, ảnh hướng to lơn trên xứ xở Chùa Tháp như ngày nay đấy.
Thậm chí, ngày 27/7, chỉ một ngày sau thông báo sẽ từ chức để con trai cả Hun Manet dẫn dắt chính phủ mới, trong thư gửi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, ngoài cảm ơn lãnh đạo Trung Quốc đã sốt sắng chúc mừng thắng lợi của CPP trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII, ông Hun Sen còn khẳng định: khi chính phủ mới lên lãnh đạo, chính sách của Campuchia đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi, dựa trên tinh thần hữu nghị truyền thống, tin tưởng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi.
Điều gì có thể khiến ông Hun Sen tự tin đến mức đó trong thời điểm “hoàng hôn” quyền lực của mình?
Câu trả lời chẳng khó. Người kế nhiệm ghế thủ tướng nào ai khác, ngoài con trai ông – đại tướng Manet. Đành là chuyện quốc gia đại sự, nhưng một khi bố đã nói, con dám trái lời chăng? Thứ hai, dù “thủ tướng cha” hay “thủ tướng con”, lãnh đạo một quốc gia nghèo như Campuchia sao có thể ngoảnh mặt nổi trước ánh kim tiền rực rỡ của Bắc Kinh đang tỏa ra tứ phía.
Còn với ông Manet? Vị thủ tướng 45 tuổi này lẽ nào lại không cảm kích trước sự quan tâm của ông Vương Nghị? Mươi ngày nữa, khi Quốc hội chính thức thông qua thành phần nội các với ghế thủ tướng không thể thoát khỏi tay ông, điện, thư chúc mừng của các nguyên thủ khắp nơi trên thế giới có mà bay về với ông tới tấp. Nhưng sự hiện diện tức thời của sứ thần Bắc Kinh lúc này có ý nghĩa đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ nó thể hiện thông điệp cũng rất đặc biệt của Trung Quốc. Thông điệp đó là gì nếu không phải sự cam kết ủng hộ của Bắc Kinh với Phnom Penh như những gì họ đã làm với Campuchia trong thời kỳ ông Hun Sen là thủ tướng?
Tất nhiên, trong thực tế cũng có người lấy làm mủi lòng và cám cảnh cho ông Vương Nghị. Mủi lòng ở cái sự thay đổi tương quan vị thế, quyền lực cá nhân. Những lần trước, trong các chuyến công du Campuchia, dù có là tướng tá gì đi nữa, nhưng trong con mắt họ Vương, ông Manet vẫn chỉ là “đứa trẻ” nhà Hun Sen mà thôi. “Đứa trẻ” này, giỏi lắm, chỉ là là thành phần “bên lề” trong các cuộc ông Hun Sen tiếp khách quý từ cường quốc phương Bắc.
Tới lần công du này, vị thế ông Manet đã khác: đường đường nguyên thủ quốc gia; còn ông Vương Nghi: hàm thượng thư nên không thể là đồng đẳng. Nhưng cái thế của họ Vương nằm ở chỗ “ta” nước lớn, nên một khi “thân già” này, thời điểm này có mặt tại đây, ông Manet cần ngầm hiểu như sự “hạ cố” vậy.
Là thiên hạ hay “bình” kiểu xúc xiểm thế, chứ chưa hẳn ông Vương Nghị đã có chút nào tổn thương. Một nhà ngoại giao lịch lãm, bản lĩnh và lọc lọc như ông Vương, phải lấy kết quả làm trọng. Mà về kết quả chuyến công du mới nhất này tới xứ Chùa Tháp, ông Vương chắc chắn không còn gì phải ân hận bởi đã nhận được từ tân thủ tướng Manet những lời cam kết có lẽ còn hơn cả mong đợi, về những vấn đề mà Bắc Kinh quan tâm và cho là quan trọng nhất, như: cam kết “quan điểm không thay đổi” của chính phủ đối với chính sách “một Trung Quốc” (hàm ý vấn đề Đài Loan); cam kết không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc; và cam kết “cam kết thúc đẩy hợp tác giữa hai nước”.
Với những cam kết đó, hy vọng của các nước ASEAN về việc Campuchia sẽ ứng xử đàng hoàng hơn trong câu chuyện Biển Đông chắc chắn vẫn là chuyện…xa xỉ như lâu nay mà thôi!
T.V