Sau khoảng 20 năm dồn ưu tiên cho các lĩnh vực khác, Mỹ đã quyết định nâng cấp kho vũ khí tác chiến điện tử (EW) sau khi chứng kiến uy lực của “sát thủ vô hình” trong chiến sự Nga – Ukraine.
Theo Business Insider, sau nhiều năm chưa quan tâm đúng mức tới EW, Mỹ đang gấp rút nâng cấp năng lực EW để bắt kịp xu hướng tác chiến tương lai.
Eurasian Times nhận định, trong khoảng thời gian 20 năm từ 1990 đến 2020, Mỹ đã đối phó với những đối thủ không ngang hàng về mặt kỹ thuật, vì vậy họ ưu tiên phát triển những lĩnh vực khác và tạm gác EW sang một bên.
Tuy nhiên, trong thời điểm đó, Nga và Trung Quốc đã dồn lực phát triển năng lực EW. Năm 2018, tạp chí Foreign Policy trích lời các quan chức quân sự và các chuyên gia Mỹ cho biết quân đội Washington triển khai ở Syria phải liên tục phòng thủ trước những thiết bị tác chiến điện tử tiên tiến của Nga.
Các quan chức từng trải qua những vụ tấn công bằng các thiết bị trên cho hay, mức độ nguy hiểm của tác chiến điện tử không thua kém so với tấn công thông thường bằng bom và hỏa lực.
Khi chiến sự Nga – Ukraine bùng phát, vai trò của EW lại càng thêm quan trọng. Khi xu hướng của tác chiến tương lai là máy bay không người lái (UAV) giá rẻ và số lượng lớn, việc sử dụng tên lửa phòng không đắt đỏ để đánh chặn không còn là chiến lược hiệu quả.
Trong khi đó, giới quan sát nhận định, với EW, Nga đã góp phần lớn khiến Ukraine mất khoảng 10.000 UAV mỗi tháng.
Vũ khí tác chiến điện tử thường được gọi là “sát thủ vô hình” vì đây là các khí tài quân sự sử dụng năng lượng điện từ để tấn công hoặc làm gián đoạn hoạt động của đối thủ.
Nó có thể vô hiệu mọi thiết bị sử dụng điện và có thể được thực hiện từ mặt đất, trên không, trên bộ, trên biển và trong không gian mà không cần sử dụng tới thuốc nổ, hay các đòn đánh trực diện.
Tác chiến điện tử gồm 3 thành tố cơ bản: Trinh sát, tấn công và bảo vệ. Với hoạt động trinh sát, lực lượng tác chiến điện tử thu thập thông tin tình báo qua định vị tín hiệu điện tử của đối phương.
Với hoạt động tấn công, lực lượng tác chiến điện tử sẽ vô hiệu hóa hoặc làm giảm năng lực hệ thống của đối phương, trong đó có liên lạc qua vô tuyến, điện thoại di động, radar phòng không hoặc radar pháo binh. Thứ ba hoạt động là đánh lừa đối phương để đạn bắn trượt mục tiêu.
Những diễn biến này đã tạo ra động lực để Mỹ quyết nâng cấp năng lực EW.
Tăng tốc cải thiện năng lực EW
Lục quân Mỹ đang “tái đầu tư cơ bản vào việc xây dựng lại khả năng tác chiến điện tử chiến thuật của chúng tôi sau khi đã bỏ qua vũ khí này trong 20 năm qua”, Douglas Bush, trợ lý Bộ trưởng Lục quân Mỹ phụ trách mua sắm, hậu cần và công nghệ, cho biết.
Theo ông Bush, lục quân đã có một số chương trình EW đang được tiến hành, “nhưng chắc chắn những gì chúng ta đang thấy ở Ukraine đang làm tăng thêm tính cấp bách để thực hiện những chương trình đó”.
Theo Tướng Charles Brown Jr., tham mưu trưởng của Lực lượng Không quân Mỹ, sau nhiều năm đối đầu với những đối thủ có trình độ công nghệ thấp hơn hậu Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ đã sụt giảm năng lực EW vì không đầu tư liên tục cho loại vũ khí này.
Trong khi đó, Trung Quốc và đặc biệt là Nga đã đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển năng lực EW trong nhiều năm qua.
Ví dụ, các tên lửa và bom dẫn đường của Mỹ giúp Ukraine tấn công Nga hiệu quả, nhưng sau đó, Moscow đã tìm được cách khắc chế HIMARS hay JDAMS bằng công nghệ EW.
Theo ông Brown, Mỹ trong nhiều năm qua đã tập trung vào những mục tiêu khác, trong khi đối thủ đang đầu tư mạnh vào khả năng tác chiến điện tử, nên Washington có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức để bảo vệ mình trước năng lực EW của đối phương trong tương lai.
Theo Business Insider, hầu hết các quân đội, hoặc ít nhất là quân đội công nghệ cao, đều dễ bị tổn thương trước vũ khí EW. Tuy nhiên, Mỹ đặc biệt đối mặt với rủi ro cao vì hoạt động của quân đội nước này phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống thông tin liên lạc qua thiết bị điện tử.
Hoạt động của các lực lượng trên đất liền, trên biển, trên không, không gian của Mỹ được kết hợp thông qua mạng dữ liệu. Sự gián đoạn trong bất cứ mắt xích nào có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Quan chức Bush cho biết, vũ khí EW của Mỹ vẫn còn hiệu quả nhưng lực lượng này “phải liên tục cập nhật để có thể đối phó với năng lực gây nhiễu của đối thủ”.
“Chúng tôi đang rút ra bài học từ những gì chúng tôi đang chứng kiến ở Ukraine”, ông nhấn mạnh.