Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được chính quyền Trung Quốc tiếp đón theo nghi lễ cấp cao nhất, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên dùng bữa tại Tử Cấm Thành. Nhưng cũng chính nhờ cuộc hội ngộ với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh tại đây mà ông Trump cùng với nhóm của ông đã nhận rõ ra tham vọng bá chủ thế giới của Trung Quốc. Đó là lý do quan trọng dẫn đến xung đột dữ dội giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thời gian về sau.
Trước khi rời Bắc Kinh, Tổng thống Trump đã quay đầu nhìn sang ông Tập Cận Bình và nói: “Tôi không trách ông. Tôi tự trách bản thân.” Thông điệp của Trump là Mỹ và đồng minh, sẽ không làm ngơ để Trung Quốc về đối ngoại thì phá hủy nền dân chủ, các giá trị tự do và có hoạt động kinh tế thị trường tự do. Còn về đối nội thì đàn áp người dân trong nước.
Tiết lộ chi tiết về đêm đoạn tuyệt giữa Trump và Tập Cận Bình tại Tử Cấm Thành đã được cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Herbert Raymond MCMaster tiết lộ chi tiết trong cuốn sách mới có tên “Chiến trường toàn cầu”.
Vào lúc 2 giờ chiều ngày 8/11/2017, ông Trump và phu nhân Melania Trump đã đến Bắc Kinh. Nhân vật phụ trách đón tiếp phái đoàn tại sân bay là ông Dương Khiết Trì , ông Dương trước đó đã từng là Đại sứ tại Mỹ và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Vào 4 giờ chiều, vợ chồng ông Trump cùng vợ chồng ông Tập Cận Bình đã đến thăm nơi ở nổi tiếng của các hoàng đế Trung Quốc xưa là Tử Cấm Thành. Sau đó, thưởng thức kịch trong Tử Cấm Thành và ăn tối tại Cung điện Kiến Phúc cũng tại Tử Cấm Thành. Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc xây dựng chính quyền năm 1949, ông Trump là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được Bắc Kinh tiếp đãi bữa tối ở đây.
Nhà sử học Mỹ Jeremiah Jenne nhận định: “Đó là vì chính phủ Trung Quốc biết họ đang giao lưu với ai. Đây là cách tiếp cận tinh tế, vì nghĩ cho về lâu về dài”.
Ông MCMaster, người đã bên cạnh vợ chồng Tổng thống Trump vào thời điểm đó, kể lại: “Tham gia cuộc họp cuối cùng với phái đoàn của ông Trump tại Đại Lễ Đường Nhân Dân là Thủ tướng Lý Khắc Cường, trên danh nghĩa là người đứng đầu chính phủ Trung Quốc. Ông Lý Khắc Cường khi đó đã trình bày rất lâu quan điểm về quan hệ Trung-Mỹ”.
Đầu tiên, ông Lý chỉ ra rằng Trung Quốc đã có sẵn nền tảng công nghệ và công nghiệp mà không cần nhờ đến Mỹ nữa. Ông ta cho biết những lo ngại của Mỹ về thương mại và các hoạt động kinh tế không công bằng của Bắc Kinh là không hiện thực. Đồng thời, chỉ ra vai trò của Mỹ trong tương lai của nền kinh tế toàn cầu là cung cấp cho Trung Quốc nguyên liệu thô, sản phẩm nông nghiệp và năng lượng để Trung Quốc sản xuất cho người tiêu dùng các sản phẩm công nghệ cao hàng đầu thế giới.
Tổng thống Trump kiên nhẫn lắng nghe rất lâu. Cuối cùng, cắt lời, cảm ơn rồi đứng dậy kết thúc cuộc họp. Trên đường trở về khách sạn, đội ngũ ông Trump đã nhận định về đoạn độc thoại trước đó của ông Lý Khắc Cường rằng: Tình hình cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hoàn toàn từ bỏ chính sách “giữ mình chờ thời” được Đặng Tiểu Bình nêu ra trong thời kỳ cải cách và mở cửa những năm 1990.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nền kinh tế phương Tây mất đi niềm tin, nhưng Bắc Kinh lại trở nên tin tưởng hơn vào các mô hình kinh tế và tài chính của mình. Nhiều người Trung Quốc tin rằng cuộc khủng hoảng là hệ quả của các vấn đề tín dụng bất cập của người Mỹ. Việc Hoa Kỳ không có khả năng điều tiết các ngân hàng của họ đã làm mất đi lòng tin vào mô hình tư bản phương Tây, và người ta muốn tìm kiếm một mô hình mới. Giới lãnh đạo Trung Quốc càng được thể khoe khoang sức mạnh quốc gia và tích cực hơn trong việc thúc đẩy mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, thậm chí còn nêu rõ rằng các nước láng giềng nên đi theo dẫn dắt của Bắc Kinh. Năm 2010, ông Dương Khiết Trì đã nói với Ngoại trưởng các nước tại cuộc họp của ASEAN tại Hà Nội rằng: “Trung Quốc là nước lớn, các bạn là nước nhỏ”.
Chính vì Mỹ háo hức cải cách Trung Quốc, nghĩ rằng mình cải cách được Đảng Sản Trung Quốc, nên đã nhắm mắt làm ngơ trước các hành vi thương mại không công bằng, đánh cắp công nghệ, hồ sơ nhân quyền kém cỏi và sự bành trướng quân sự trắng trợn của Bắc Kinh. Chỉ một năm sau biến cố thảm sát sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989, Tổng thống Mỹ Bush đã nói: Chỉ cần có động cơ kinh doanh thì cho dù ở Trung Quốc hay trong bất kỳ chế độ độc tài nào khác, việc tiến tới dân chủ là điều tất yếu. Dù Trung Quốc có dùng hình thức quản lý tập trung làm méo mó kinh tế thị trường, nhưng nước Mỹ dưới thời Bill Clinton vẫn mời chế độ kỳ hình dị dạng này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để trấn an việc rước sài lang vào thế giới. Ông Clinton khi đó nói: Khi Trung Quốc gia nhập WTO, nước này sẽ không chỉ đồng ý nhập khẩu nhiều sản phẩm của chúng ta hơn, mà còn phải chấp nhận những giá trị quý giá nhất của xã hội dân chủ, đó là tự do kinh tế. Khi nền kinh tế Trung Quốc trở nên tự do, người dân Trung Quốc sẽ càng được hưởng nhiều tự do hơn. Còn Joe Biden khi còn là ứng viên Tổng thống thì tuyên bố rằng: Ông không tin Trung Quốc sẽ lấy mất được bữa trưa của người Mỹ.
Lịch sử cuối cùng đã cho thấy tất cả những điều này chỉ là Washington và thế giới đã tự huyễn hoặc bản thân mình. Hơn ai hết, Donald Trump hiểu rõ điều đó.
T.P