Tân Hoa xã mới đây đưa tin, tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên chạy thẳng đến biên giới Việt – Trung đã được lắp đặt đường ray từ ngày 8/8.
Tuyến đường sắt này từ thành phố Phòng Thành Cảng đến thành phố Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây) sẽ được lắp đặt hơn 100 km đường ray dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 12 năm nay.
Sau khi khai trương tuyến đường sắt Phòng-Đông, thành phố cảng biên giới Đông Hưng sẽ được kết nối với mạng lưới đường sắt cao tốc quốc gia Trung Quốc, mở ra tuyến đường sắt cao tốc từ Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ và thậm chí là Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông-Hồng Kông-Macao của Trung Quốc đến các nước ASEAN.
Tuyến đường sắt cao tốc kết nối Trung Quốc – ASEAN
Đường sắt Phòng-Đông nằm ở cực tây tuyến đường sắt ven biển của Trung Quốc và là tuyến đường sắt đầu tiên đến Đông Hưng – thành phố cảng duy nhất nối liền Trung Quốc và Việt Nam bằng cả đường biển và đường bộ . Tổng chiều dài của tuyến là 46,9 km.
Sau khi tuyến đường sắt này được đưa vào hoạt động, việc không có giao thông đường sắt giữa hai thành phố Phòng Thành Cảng và Đông Hưng sẽ chỉ còn là quá khứ, và thời gian di chuyển giữa hai địa phương sẽ được rút ngắn từ 60 phút hiện tại xuống còn khoảng 20 phút.
Theo Nhật báo Quảng Tây, tốc độ thiết kế của tuyến đường sắt Phòng-Đông là 200 km/h và cơ sở hạ tầng có thể đáp ứng tốc độ 250 km/h.
Trang tin Sina thông tin, tuyến đường sắt này đã được lên kế hoạch từ lâu. Tháng 12/2017, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc và chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã phê duyệt báo cáo khả thi của dự án xây dựng tuyến đường sắt Phòng-Đông.
Dự án này được liệt kê là một trong 35 dự án đường sắt mới do Quốc vụ viện Trung Quốc phê duyệt năm 2017, đồng thời cũng là dự án xây dựng tuyến đường sắt quốc tế thuộc sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Khi bắt đầu thành lập dự án, ý nghĩa của nó đã được vạch ra ban đầu, một là nâng cao mức độ liên kết giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, hai là kết nối “Vành đai và Con đường” để giúp thúc đẩy mở cửa kinh tế của Quảng Tây. Tháng 3/2019, dự án chính thức khởi công.
Trong quá trình trình triển khai dự án, công cuộc mở cửa và phát triển vùng Tây Nam Trung Quốc cũng bước sang một giai đoạn mới, một trong những thay đổi nổi bật nhất là “Hành lang trên biển và đất liền phía Tây” được nâng lên thành chiến lược quốc gia và đưa vào báo cáo của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong “Kế hoạch xây dựng hành lang mới trên biển và đất liền phía Tây” do Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc ban hành, bốn trung tâm quan trọng được liệt kê, bao gồm Trùng Khánh, Thành Đô, Cảng cửa ngõ quốc tế Vịnh Bắc Bộ của tỉnh Quảng Tây và Dương Phố của tỉnh Hải Nam.
Trong số đó, các cảng ở Vịnh Bắc Bộ bao gồm cảng Phòng Thành, cảng Khâm Châu và cảng Bắc Hải có thể hưởng lợi nhiều nhất trong công tác hậu cần của khu vực từ việc xây dựng Hành lang trên biển và đất liền phía Tây.
Năm 2021, sản lượng hàng hóa thông quan qua các cảng Vịnh Bắc Bộ đạt gần 360 triệu tấn, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước, đứng đầu Trung Quốc.
Về sản lượng vận chuyển hàng hóa, từ năm 2019 đến 2021, Quảng Tây đứng thứ 4 tại Trung Quốc với những thành tích nổi bật, chỉ sau Sơn Đông, Quảng Đông và Chiết Giang.
“Đường sắt Phòng-Đông sẽ mở ra tuyến đường sắt cao tốc từ Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ và thậm chí cả Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông-Hồng Kông-Macao của Trung Quốc tới các nước ASEAN, đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy trao đổi kinh tế và thương mại giữa hai bên”, Liêu Cương – Phó chỉ huy Ban quản lý Xây dựng Kỹ thuật Đường sắt Ven biển của Cục Đường sắt Quốc gia Nam Ninh – giải thích.
Thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam
Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã tăng từ dưới 520 tỷ USD năm 2017 lên gần 980 tỷ USD vào năm 2022. Trong đó, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam tăng từ 120 tỷ USD năm 2017 lên 235 tỷ USD vào năm 2022.
Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam thậm chí vượt kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Đức, đây rõ ràng là một sự thay đổi chưa từng có.
Xét từ xuất nhập khẩu thương mại Việt-Trung, xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam lớn hơn nhập khẩu.
Lý giải cho điều này là do thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam chủ yếu là buôn bán phụ tùng và linh kiện, trong đó một phần đáng kể là giữa các công ty Việt Nam với đối tác ở Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông-Hồng Kông-Macao của Trung Quốc, hoặc thậm chí là hoạt động thương mại giữa cùng một công ty Trung Quốc tại các nhà máy khác nhau ở hai nước.
Đây cũng là lý do quan trọng cho mối quan hệ chặt chẽ giữa tuyến đường sắt cao tốc Phòng-Đông và Khu vực Vịnh Lớn.
Theo trang tin Sina, trước đây, vấn đề mà vận tải đường sắt Việt Nam qua Trung Quốc gặp phải là trọng lượng hàng hóa Việt Nam quá cảnh qua Trung Quốc bị hạn chế nhất định.
Đầu tháng 8, chuyến tàu đầu tiên từ Thạch Gia Trang, Hà Bắc, Trung Quốc đến Hà Nội đã vận hành suôn sẻ với hành trình 5 ngày dài hơn 2.700 km.
Theo kế hoạch, đến năm 2030, sản lượng vận chuyển hàng hóa của Việt Nam thông qua loại hình vận tải đường sắt quốc tế sẽ tăng hơn 3 lần.
Theo trang web của Cục Quản lý Đường sắt Nhà nước Trung Quốc, ngày 29/5, Cục trưởng Cục Đường sắt Nhà nước Trung Quốc Phí Đông Bân đã đón tiếp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Thắng và đoàn đại biểu Việt Nam tại Bắc Kinh. Hai bên đã đi sâu trao đổi về tăng cường hợp tác đường sắt Việt Nam – Trung Quốc.
T.P