Tuesday, November 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ nỗ lực giành lại đất trồng lúa

TQ nỗ lực giành lại đất trồng lúa

Giới chức Trung Quốc từ năm 2021 thu hồi hơn 170.000 ha đất để chuyển sang canh tác, nhằm đảm bảo tự chủ nguồn lương thực nuôi sống 1,4 tỷ dân.

Cánh đồng lúa vào mùa thu hoạch tại Công viên triển lãm nông nghiệp Thiên Phủ, Thành Đô được chụp vào tháng 9/2022.

Sau hai năm hoạt động, nhà hàng lẩu Minh Tinh ở thành phố Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên, miền tây Trung Quốc, đã bị đóng cửa vĩnh viễn hồi tháng 4, khi chính quyền muốn biến khu đất thành nơi canh tác.

Nhà hàng này là một trong nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa sau khi giới chức Thành Đô thu hồi 6.700 ha đất, một phần trong kế hoạch toàn quốc nhằm giành lại đất sản xuất nông nghiệp.

“Chúng tôi sẽ không mở nhà hàng nếu biết nó phải đóng cửa nhanh đến vậy”, một cựu nhân viên Minh Tinh nói.

Kể từ năm 2021, giới chức Trung Quốc đã thu hồi hơn 170.000 ha để đất canh tác, trong bối cảnh Bắc Kinh muốn giảm phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực từ nước ngoài, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung có nguy cơ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn.

Nỗi lo về an ninh lương thực càng tăng cao khi chiến sự Ukraine bùng phát, khiến giá ngũ cốc tăng cao. Miền bắc Trung Quốc gần đây liên tiếp hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng, khiến công ty xếp hạng tín nhiệm của Mỹ Fitch Ratings cảnh báo sản lượng gạo của nước này sụt giảm và “có khả năng gây áp lực tăng giá gạo toàn cầu vốn đã cao”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2022 hối thúc các ban ngành hành động quyết liệt để đảm bảo an ninh lương thực, quyết tâm duy trì 120 triệu ha đất canh tác trên cả nước, con số mà Bắc Kinh cho rằng đủ để đảm bảo nguồn cung trong nước.

“Trung Quốc phải đủ khả năng tự nuôi sống người dân. Chúng ta sẽ bị phụ thuộc vào nước khác nếu không thể giữ chắc được bát cơm của mình”, ông Tập nói.

Quá trình đô thị hóa gia tăng và sự bùng nổ của ngành sản xuất ở Trung Quốc đã khiến diện tích đất canh tác bị thu hẹp, đồng thời làm tăng phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu trong những thập kỷ qua.

Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc, 3/4 lượng đậu nành mà nước này đang tiêu thụ được nhập khẩu từ Mỹ và Brazil. Trung Quốc cũng đã tăng nhập khẩu ngô, từ dưới 1% cách đây 10 năm lên 7% vào năm 2022.

“Trung Quốc đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là họ không thể mua được bất kỳ loại ngũ cốc nào từ nước ngoài”, Yu Xiaohua, giáo sư kinh tế nông nghiệp tại Đại học Gottingen, Đức, nói.

Năm 2017, thành phố Thành Đô thực hiện dự án 34 tỷ nhân dân tệ (4,7 tỷ USD) chuyển đổi một phần đất nông nghiệp thành công viên giải trí, nhằm biến nơi đây thành điểm du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều doanh nghiệp như nhà hàng Minh Tinh tới kinh doanh.

Các doanh nghiệp, nhà hàng đã ký hợp đồng dài hạn với chính quyền thành phố, cho phép họ sử dụng đất nông nghiệp cho mục đích thương mại. Tuy nhiên, trước nhu cầu tăng cường đất canh tác để đảm bảo lương thực hiện nay, các hợp đồng đã ký đều bị thu hồi.

“Trung ương không hài lòng về việc sử dụng đất canh tác sai mục đích hiện nay. Giờ đây, đảm bảo nguồn cung lương thực mới là thứ quan trọng nhất. Chúng tôi đang khắc phục sai sót đã mắc phải trước đây”, một quan chức Thành Đô nói.

Chính quyền Thành Đô đã đặt mục tiêu đến năm 2026, thành phố sẽ sản xuất thêm 96.000 tấn gạo, ngô và đậu tương mỗi năm, tương đương với 4% sản lượng ngũ cốc của thành phố vào năm 2022.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc thu hồi đất của doanh nghiệp để chuyển thành đất canh tác như ở Thành Đô sẽ khó mang lại hiệu quả cao.

“Sau nhiều năm chuyển đổi mục đích sử dụng đất, việc canh tác trở lại sẽ rất khó. Bạn không thể cứ gieo hạt xuống mảnh đất đó rồi bỏ đi”, Darin Friedrichs, Giám đốc nghiên cứu thị trường tại Sitonia Consulting, công ty tư vấn nông nghiệp có trụ sở tại Thượng Hải, nói.

“Bạn sẽ cần nguồn cung hạt giống, phân bón, thiết bị, và khi thu hoạch, bạn cũng cần thương lái thu mua, hoặc cần nơi để trữ nông sản”, Friedrichs nói thêm.

Thành phố cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút lao động trẻ làm nông, khi thu nhập mang lại từ công việc này chỉ bằng một phần nhỏ so với làm công nhân nhà máy. Để khắc phục, chính quyền Thành Đô chọn cách tuyển người lớn tuổi tại các tỉnh lân cận tới đây làm nông trên những mảnh đất vừa thu hồi.

Trên cánh đồng rộng lớn ở ngoại ô Thành Đô, cỏ dại mọc um tùm lấn át đậu nành. Một nông dân 65 tuổi họ Li cho biết mỗi tháng ông chỉ hai lần bắt xe buýt từ quê nhà tới trang trại nơi ông được thuê chăm sóc vườn đậu nành.

Với mức lương mỗi ngày 120 nhân dân tệ (khoảng 16 USD), ông Li không có ý định toàn tâm với công việc. “Tôi sẽ ra đồng mỗi ngày để chăm sóc cây trồng nếu đây là trang trại của tôi. Giờ tôi chỉ đến đây khi sếp yêu cầu, còn sản lượng ra sao thì tôi không quan tâm”, Li nói.

Trong khi đó, một quan chức giấu tên tại Thành Đô nói rằng sản lượng không phải ưu tiên của chính quyền khi thu hồi đất canh tác, mà động thái này là cách thành phố thể hiện sự quan tâm đến vấn đề an ninh lương thực.

Tại khu phố Wutong Xinyuan, một số chủ hộ hồi đầu năm phản đối kế hoạch của chính quyền trồng ngô trên một khu đất lân cận, vốn trước đó được quy hoạch để xây trung tâm thương mại.

“Lợi ích của một trung tâm thương mại lớn hơn nhiều so với vài trăm kg ngô, vốn không có nhiều tác dụng cho an ninh lương thực”, một cư dân giấu tên ở Wutong Xinyuan nói.

Các chủ doanh nghiệp bị thu hồi đất sẽ được bồi thường, nhưng nhiều người nói rằng con số này không thỏa đáng. Một số người bày tỏ hoài nghi về tính hiệu quả của việc quay lại với mô hình sản xuất nông nghiệp tiểu chủ.

“Doanh nghiệp chúng tôi thiệt hại khá lớn khi bị thu hồi đất, nhưng nỗ lực đó chỉ tạo ra lượng nhỏ lương thực”, một cựu nhân viên của nhà hàng Minh Tinh nói.

Trước những phàn nàn của người dân và doanh nghiệp ở Thành Đô, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hồi tháng 6 ban hành chỉ thị nghiêm cấm chính quyền các địa phương áp dụng các biện pháp rập khuôn trong thu hồi đất canh tác.

Chỉ thị yêu cầu các địa phương không biến các khu đất dễ bị tổn thương về mặt sinh thái, có độ ô nhiễm cao hoặc bị xói mòn, bạc màu nghiêm trọng thành đất canh tác chỉ để đáp ứng yêu cầu của chính quyền trung ương.

Dang Guoying, cựu chuyên viên Viện Phát triển Nông thôn thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng thay vì ra quyết định thu hồi đất diện rộng, chính quyền các địa phương nên tìm giải pháp tăng năng suất mùa màng trên diện tích canh tác đang có.

“Chính quyền không nên can thiệp quá nhiều bằng các biện pháp hành chính. Nông dân tự khắc sẽ gieo trồng thêm mùa màng nếu họ thu được nhiều lợi nhuận từ đó”, ông nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới