Trại David của Mỹ được biết đến là nơi diễn ra các sự kiện quốc tế quan trọng. Mới đây có một sự kiện nóng bỏng: Lãnh đạo ba nước Mỹ, Nhật, Hàn đã có cuộc họp báo chung, ra tuyên bố “Tinh thần Trại David”.
Tại sao nói là nóng bỏng? Là vì cái “tinh thần” ấy nhằm lên án “các hành xử” sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thượng đỉnh Trại David có nội dung chính là bảo đảm an ninh tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông. Tuyên bố chung Mỹ-Nhật-Hàn được phát đi vào ngày 18/8/2023.
Trở lại với thắng cảnh và điều kiện khí hậu tuyệt vời của Trại David. Trại này thuộc bang Maryland, là nơi nghỉ dưỡng của các Tổng thống Mỹ. Nó cách Washington khoảng 100 km. Vào thập niên 70 của thế kỷ 20 nơi đây đã diễn ra hội nghị quan trọng nhằm thỏa thuận hòa bình Ai Cập – Israel.
Hãng Reuters đưa tin khá rành rẽ: “Mỹ đã thuyết phục Nhật Bản và Hàn Quốc sử dụng ngôn từ mạnh mẽ nhất trong một tuyên bố chung để lên án “các hành động nguy hiểm và hung hăng” của Trung Quốc ở Biển Đông”. Tuyên bố chung nêu rõ: “Liên quan đến những hành động nguy hiểm của Trung Quốc mà chúng ta chứng kiến gần đây nhằm củng cố các yêu sách lãnh thổ phi pháp ở Biển Đông, chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực nào nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng ở vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Tuyên bố cũng tỏ thái độ dứt khoát, “kiên quyết phản đối việc quân sự hóa các đảo nhân tạo; việc huy động các tàu cảnh sát biển và dân quân biển vào các hoạt động gây nguy hiểm”; cũng như các yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc”.
Tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật, Hàn đã cam kết nhanh chóng tham khảo ý kiến của nhau nếu xảy ra khủng hoảng và phối hợp ứng phó với các thách thức, khiêu khích và đe dọa khu vực ảnh hưởng đến lợi ích chung; khởi động đối thoại thường niên để điều phối việc thực hiện chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Cụ thể thêm một bước, các nhà lãnh đạo cam kết, tổ chức các cuộc tập trận quân sự ba bên hằng năm và chia sẻ thông tin thời gian thực về những vụ phóng tên lửa của Triều Tiên từ cuối năm 2023. Đồng thời, ba nước sẽ khởi động dự án thử nghiệm hệ thống cảnh báo sớm chuỗi cung ứng để mở rộng chia sẻ thông tin, hợp tác chống lại sự chèn ép kinh tế của Bắc Kinh.
Điểm đáng quan ngại là, ngôn ngữ về Trung Quốc trong tuyên bố chung lần này căng thẳng hơn so với dự kiến. Cho dù Trung Quốc đang là đối tác thương mại quan trọng của cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Có thể điều này sẽ khiến Bắc Kinh giận dữ và tính đến những bước đi khó lường.
Thời gian qua, nhất là từ đầu năm 2023 đến nay, Hải quân Mỹ đã thường xuyên tiến hành các chuyến tuần tra tự do hàng hải, áp sát những thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép trên Biển Đông. Đáp lại, Trung Quốc triển khai chiến đấu cơ bay trên các tàu chiến Mỹ thực hiện chiến dịch tuần tra tự do hàng hải, đôi khi bay trước mũi chiến hạm Mỹ chỉ vài chục mét.
Tàu hộ vệ và khu trục hạm của Trung Quốc cũng “không vừa” khi thách thức đối thủ qua liên lạc bộ đàm, bật radar điều khiển hỏa lực, chĩa pháo vào hướng di chuyển của tàu chiến Mỹ hoặc áp sát gây mất an toàn. Vì thế các chuyến tuần tra cảu cả các bên luôn rất căng thẳng để tránh đối đầu không cần thiết.
Trao đổi với các đồng minh tại Thượng đỉnh David, Nhà Trắng nêu rõ, mục tiêu của Mỹ là từng bước thay đổi hành vi của Trung Quốc mà không phá vỡ quan hệ quốc tế, dẫn đến Chiến tranh Lạnh hoặc xung đột vũ trang. Chúng tôi muốn lôi kéo thêm đồng minh quốc tế tham gia tuần tra tự do hàng hải, tăng cường can thiệp vào vấn đề Đài Loan, đặc biệt là hợp tác quân sự. Đồng thời, tăng cường quan hệ với các nước giáp Biển Đông.
Vẫn biết, các biện pháp gia tăng áp lực với Trung Quốc của Mỹ và đồng minh luôn được triển khai song song với đề xuất hợp tác, Những “hợp tác” quen thuộc “bàn cho có chuyện”, như đàm phán thỏa thuận thương mại, hợp tác về các tuyến thương mại Bắc Cực, thực thi hoạt động nhân đạo chung, thiết lập tiêu chuẩn ứng xử giữa các lực lượng hải quân, thỏa thuận kiểm soát vũ khí chiến thuật và chiến lược,v.v…
Chao ôi, đàm phán mà như …chơi chữ!
Chủ trương chung của Mỹ cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc là vừa hợp tác vừa đối đầu với Trung Quốc. Và như vậy sóng gió trên Biển Đông có lúc cao trào, có lúc giảm, nhưng về cơ bản sẽ tiếp tục nâng cấp độ.
H.Đ