Dù đã ban hành một số chính sách hỗ trợ, Trung Quốc vẫn chưa cho thấy được hiệu quả khả thi trong việc hồi phục kinh tế và ngành bất động sản của nước này tiếp tục khó khăn, thậm chí đã có công ty địa ốc hàng đầu phải nộp đơn xin phá sản.
Hôm qua (18.8), CNN đưa tin Tập đoàn bất động sản Hằng Đại (Evergrande) của Trung Quốc đã nộp đơn lên tòa án Mỹ để xin bảo hộ phá sản. Đây là động thái tìm cách bảo vệ hết mức có thể đối với số tài sản của Evergrande tại Mỹ, trong bối cảnh tập đoàn này tìm cách tái cơ cấu sau một thời gian bế tắc trong việc giải quyết tình hình kinh doanh bệ rạc.
Không có điểm sáng
Thông tin trên được phát đi chỉ 2 ngày sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 16.8 đã chủ trì một cuộc họp nhằm giải quyết tình hình kinh tế khó khăn, cũng như tìm kiếm các giải pháp để nước này đảm bảo đạt được mức tăng trưởng kinh tế 5% đã đề ra hồi đầu năm. Tờ South China Morning Post dẫn lời Thủ tướng Lý nhấn mạnh: “Phải đảm bảo rằng chúng ta hoàn thành các mục tiêu của mình trong cả năm”.
Một ngày trước cuộc họp trên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 15.8 đã hạ lãi suất cho vay trung hạn từ 2,65%/năm xuống còn 2,5%. Đây là mức lãi suất thấp nhất kể từ tháng 4.2020.
Sau khi PBOC cắt giảm lãi suất, cũng trong ngày 15.8, Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) đã công bố kết quả kinh tế nước này trong tháng 7. Các số liệu cho thấy kinh tế Trung Quốc càng thêm khó khăn sau khi trải qua 6 tháng đầu năm đầy bi quan. Cụ thể, theo NBS, doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và đầu tư cũng đều tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong tháng 7. So với cùng kỳ năm 2022, doanh số bán lẻ tháng 7 chỉ tăng 2,5%, tức thấp hơn rất nhiều so với mức dự kiến 5,3% từng được đề ra. Con số 2,5% cũng thấp hơn mức tăng 3,1% của tháng 6.
Cùng lúc, đầu tư bất động sản cũng giảm. Tính từ tháng 1 – 7, đầu tư bất động sản giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, mức giảm của nửa đầu năm nay so với nửa đầu năm ngoái là 7,9%. Như vậy, tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn. Không những vậy, NBS cũng quyết định không công bố tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động từ 16 – 24 tuổi, sau khi tỷ lệ thất nghiệp nhóm này tăng cao gần đây.
Ông Robert Carnell, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tập đoàn tài chính ING, đánh giá kết quả được công bố cho thấy “không có điểm sáng và khá nhiều bất ngờ về điểm yếu”.
Chật vật ứng phó, thiếu một cú “nổ”
Thực tế, chính quyền Trung Quốc đã thực thi một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nới lỏng tín dụng cho thị trường bất động sản, nhưng kết quả trên cho thấy những nỗ lực này chưa đủ để đem lại tín hiệu lạc quan.
Ông Ding Shuang, Kinh tế gia trưởng về Trung Quốc đại lục – Ngân hàng Standard Chartered, nhận định các chính sách thúc đẩy đầu tư ở khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài mà Trung Quốc áp dụng đã không hiệu quả. Ông nêu quan điểm: “Thay vì nhiều chính sách mới… cần phải có một chính sách có tác động “nổ lớn” có thể thúc đẩy niềm tin trong một lần thực hiện. Nhưng chúng ta vẫn chưa thấy bất cứ điều gì như vậy”.
Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lên tiếng cảnh báo kinh tế Trung Quốc đang là “quả bom hẹn giờ” có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường. Một số lo ngại cũng đề cập về kịch bản “hạ cánh cứng” của kinh tế Trung Quốc, nhất là nhóm bất động sản. Thực tế, không riêng gì Tập đoàn Hằng Đại, mà Tập đoàn bất động sản Country Garden hàng đầu Trung Quốc cũng đối mặt khủng hoảng và đang bên bờ phá sản. Cụ thể, Country Garden thua lỗ hàng tỉ USD và đang đứng trước núi nợ lên đến 200 tỉ USD.
Vấn đề đặt ra là khủng hoảng có thể không chỉ xảy ra với Hằng Đại và Country Garden, mà rủi ro lớn hơn chính là trở thành hiệu ứng lây lan khắp lĩnh vực bất động sản Trung Quốc. Nếu rủi ro này xảy đến, vấn đề không phải là ngành bất động sản mà cả ngành tài chính hay thậm chí cả nền kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt thảm họa.
T.P