Saturday, November 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaEvergrande xin phá sản khi nền kinh tế TQ lao đao vì...

Evergrande xin phá sản khi nền kinh tế TQ lao đao vì bất động sản

Tác động của “cơn địa chấn” Evergrande ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường tài chính Trung Quốc, thậm chí cả nền kinh tế nước này.

Nền kinh tế Trung Quốc đang vật lộn với nhu cầu xuất khẩu yếu từ các thị trường toàn cầu và cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra.


Ngày 18/8, Bloomberg đưa tin tập đoàn Evergrande ngày 17/8 (theo giờ địa phương) đã nộp đơn theo Chương 15 – Luật bảo hộ phá sản của Mỹ lên tòa án Manhattan ở New York.

Động thái này cho phép tòa án phá sản tại Mỹ vào cuộc khi có trường hợp mất khả năng thanh toán liên quan đến một quốc gia khác. Phá sản theo Chương 15 trao cho các chủ nợ nước ngoài quyền tham gia vào các vụ phá sản của Mỹ và cấm phân biệt đối xử đối với các chủ nợ nước ngoài đó.

Thông tin Evergrande đệ đơn xin bảo hộ phá sản được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thể lan sang các bộ phận khác của nền kinh tế nước này khi tăng trưởng chậm lại.

Tác động tiêu cực

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc từ lâu đã được coi là một động lực tăng trưởng quan trọng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và chiếm tới 30% GDP của nước này. Nhưng vụ vỡ nợ năm 2021 của Evergrande đã tạo ra “cơn địa chấn” đối với thị trường bất động sản Trung Quốc, gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư lẫn và hệ thống tài chính của Trung Quốc.

Vụ vỡ nợ của Evergrande diễn ra sau khi Trung Quốc bắt đầu siết chặt việc cho vay quá mức của các nhà phát triển nhằm kiềm chế giá nhà đất tăng vọt.

Cùng với sự sụp đổ của Evergrande, một số nhà phát triển bất động sản lớn khác ở Trung Quốc, bao gồm Kasia, Fantasia và Shimao Group cũng rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính.

Gần đây nhất, một gã khổng lồ bất động sản khác của Trung Quốc là Country Garden đã thông báo rằng họ sẽ “xem xét áp dụng các biện pháp quản lý nợ khác nhau” trong thời gian tới làm dấy lên suy đoán rằng công ty có thể đang chuẩn bị cơ cấu lại khoản nợ khi gặp khó khăn trong việc huy động tài chính.

Country Garden lâm vào khó khăn lập tức tác động mạnh đến thị trường tài chính Trung Quốc. Ba trong 10 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc gồm Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Bank of Communications và China Merchants Bank đều đưa ra cảnh báo về gánh nặng chi phí dự phòng tăng trong nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Nguyên nhân chính xuất phát từ việc Country Garden không thanh toán trái phiếu bằng đồng USD đúng hạn.

Nếu Country Garden vỡ nợ, điều này có thể kéo theo sự sụp đổ của hàng loạt nhà phát triển bất động sản khác ở Trung Quốc. Ước tính, Country Garden có kế hoạch cung cấp gần 1 triệu căn hộ trên hàng trăm thành phố ở Trung Quốc.

Theo tờ The New York Times, Country Garden thua lỗ hàng tỷ USD trong các báo cáo tài chính gần đây và đang gánh khoản nợ 200 tỷ USD.

Các chuyên gia lo ngại rằng những rắc rối của Country Garden sẽ lan sang các thị trường tài chính rộng lớn hơn, cản trở mọi khả năng phục hồi của ngành bất động sản và lan rộng thiệt hại ra toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc ảm đạm

Theo Reuters, khủng hoảng của Evergrande và Country Garden diễn ra vào đúng thời điểm kinh tế Trung Quốc trải qua một tuần ảm đạm với nhiều thông tin không mấy khả quan.

Cụ thể công ty ủy thác hàng đầu của Trung Quốc Zhongrong International Trust chậm thanh toán các sản phẩm đầu tư bất động sản do công ty này quản lý, cùng với đó là giá nhà giảm mạnh trong tháng 7.

Những điều trên càng làm tăng thêm lo ngại rằng cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản ngày của Trung Quốc càng trầm trọng và nó đang bóp nghẹt động lực ít ỏi còn lại của nền kinh tế.

Lĩnh vực ủy thác tài chính của Trung Quốc có trị giá lên đến 3.000 tỷ USD – tương đương với nền kinh tế của Anh.

Nếu Zhongrong International Trust phải tái cơ cấu lại các khoản nợ hoặc vỡ nỡ sẽ tác động nghiêm trọng đến thị trường tài chính Trung Quốc.

Ở một chiều hướng khác Trung Quốc đang cố gắng xoay sở để tránh khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản lan sang ngành tài chính trị giá 57.000 tỷ USD của nước này mặc dù ngày càng có nhiều ông lớn bất động sản không trả được nợ.

Còn theo Nikkei Asia, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 14,5% trong tháng 7 trong khi giá tiêu dùng giảm 0,3%, làm dấy lên lo ngại rằng áp lực giảm phát đang gia tăng. Các khoản vay ngân hàng trong tháng 7 tăng với tốc độ chậm nhất trong 14 năm, bất chấp việc cắt giảm lãi suất gần đây.

Ngân hàng Barclays là một trong số các ngân hàng lớn nhất thế giới đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc từ 4,9% xuống 4,5% sau các báo cáo tài chính trong tháng 7. Lý do được đưa ra là thị trường bất động sản Trung Quốc suy thoái nhanh hơn các dự báo trước đó.

Một số nhà phân tích cho biết, việc cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn bất ngờ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc xuống 2,5% không đủ để ngăn chặn vòng xoáy đi xuống của nền kinh tế.

Các nhà kinh tế cho biết, người dân và các doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc có thể sẽ là khu vực chịu tác động mạnh nhất từ đợt suy thoái lần này.

Theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS) tỷ lệ thất nghiệp nghiệp của thanh niên Trung Quốc vẫn ở mức kỷ lục trên 21%. Từ tháng 4 đến tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi từ 16 đến 24 lần lượt là 20,4%, 20,8% và 21,3%.

Cũng theo NBS, chi tiêu tiêu dùng, sản xuất nhà máy và đầu tư vào tài sản cố định ở nước này đều chậm lại trong tháng 7 so với một năm trước.

Doanh số bán lẻ đã tăng 2,5% trong tháng trước so với một năm trước nhưng chậm lại so với mức tăng 3,1% được ghi nhận vào tháng 6. Đó là mức tăng trưởng tiêu dùng yếu nhất kể từ tháng 12, khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế về đại dịch.

Sản xuất công nghiệp cũng đạt kết quả dưới mức kỳ vọng chỉ tăng 3,7% trong tháng 7 so với một năm trước đó, so với mức tăng 4,4% trong tháng 6.

Đầu tư tài sản cố định đã tăng 3,4% trong tháng 7, so với mức tăng trưởng 3,8% được ghi nhận trong tháng 6.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới