Những rắc rối tại Công ty Zhongrong làm dấy lên lo ngại về “sức khỏe” ngành tín thác (quản lý tài sản của khách hàng để đầu tư) có thể ảnh hưởng đến thị trường bất động sản Trung Quốc, dẫn đến khủng hoảng tài chính rộng lớn hơn.
“Khoảnh khắc Lehman” đề cập đến sự kiện xảy ra vào tháng 9-2008, khi Lehman Brothers (ngân hàng đầu tư lớn thứ tư ở Mỹ lúc đó với 25.000 nhân viên khắp thế giới) nộp đơn xin phá sản.
Điều này tạo ra hiệu ứng domino, gây chấn động toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu và dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái vào thập niên 1930.
Khủng hoảng gia tăng
Zhongrong International Trust là một trong những công ty lớn nhất trong ngành tín thác có tổng giá trị 2.900 tỉ USD ở Trung Quốc. Mới đây công ty này đã không thể trả các khoản thanh toán đến hạn cho những dịch vụ quản lý tài sản mà họ cung cấp.
Theo báo Financial Times, trên nền tảng nhắn tin do Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải tổ chức để nhà đầu tư có thể đặt câu hỏi trực tiếp cho các doanh nghiệp, vấn đề được quan tâm nhất tuần này là các khoản thanh toán mà Zhongrong chưa thể trả.
Công ty hóa chất Shanghai Chemspec, một trong nhiều công ty niêm yết, viết: “Nhà đầu tư thân mến! Công ty chúng tôi không mua bất cứ sản phẩm quản lý tài sản nào từ Zhongrong hay Zhongzhi (Tập đoàn Zhongzhi là cổ đông lớn thứ hai của Zhongrong, với tỉ lệ sở hữu khoảng 33%)”.
Đài CNN cho biết ít nhất ba công ty Trung Quốc – Nacity, KBC và Xianheng – thông báo trong những tuần gần đây Zhongrong đã không trả được tiền lãi và tiền gốc cho một số sản phẩm đầu tư. Quy mô các khoản thanh toán không thể thực hiện này được cho là đã vượt 110 triệu nhân dân tệ (15 triệu USD).
Zhongrong nằm trong số hàng ngàn công ty quản lý tài sản ở Trung Quốc cung cấp các sản phẩm với hứa hẹn mang lại mức lợi nhuận tương đối cao cho các nhà đầu tư, thậm chí cao hơn so với ngân hàng truyền thống.
Tính đến cuối năm 2022, Zhongrong quản lý số tiền lên tới 87 tỉ USD cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân giàu có.
Nhưng tương tự ba trường hợp mà Đài CNN nêu, báo Financial Times cho biết tuần trước có hai công ty niêm yết cũng nói Zhongrong đã không thể thanh toán cho các sản phẩm tín thác.
Điều này xảy ra sau nhiều tuần có tin bốn công ty quản lý tài sản khác của Tập đoàn Zhongzhi (đã rót hàng tỉ nhân dân tệ vào các sản phẩm tiết kiệm) cũng không thể thanh toán cho nhà đầu tư.
Nhà phân tích Karen Wu, tại Công ty CreditSights, bình luận: “Thời điểm cuộc khủng hoảng chỉ tập trung quanh các công ty quản lý tài sản của Tập đoàn Zhongzhi, thị trường không quá hoảng loạn. Nhưng giờ đây với trường hợp Zhongrong, cuộc khủng hoảng đã thực sự gia tăng”.
Đầu tuần này Zhongrong ra tuyên bố nói “bọn tội phạm” đã gửi thông báo giả mạo tới khách hàng về việc hủy bỏ các sản phẩm đầu tư. Họ cảnh báo khách hàng nên cảnh giác với âm mưu lừa gạt nhưng không bình luận gì về việc vẫn chưa thực hiện các khoản thanh toán đến hạn cho nhà đầu tư.
Hiệu ứng gợn sóng
Ngành tín thác được xem như ngân hàng ngầm, tạo ra nguồn cung tài chính quan trọng ở Trung Quốc. Thuật ngữ “ngân hàng ngầm” thường đề cập đến hoạt động tài chính diễn ra bên ngoài hệ thống ngân hàng chính thức, được thực hiện bởi các tổ chức tài chính phi ngân hàng, chẳng hạn như các công ty tín thác.
Một điều đáng nói là các công ty tín thác nhìn chung “bỏ vốn quá nhiều vào bất động sản” như lời cựu nhân viên cấp cao tại một ngân hàng ở Trung Quốc đại lục.
Nhà phân tích Zhang Xiaoxi, thuộc Công ty tư vấn Gavekal, chỉ ra dữ liệu từ Hiệp hội Tín thác Trung Quốc cho thấy 1.100 tỉ nhân dân tệ (152 tỉ USD) trong số 23.000 tỉ nhân dân tệ (3.158 tỉ USD) trong các sản phẩm tín thác ở nước này đã được đầu tư vào bất động sản. Các công ty tín thác như Zhongrong từng được coi là nơi trú ẩn an toàn trên thị trường tài chính Trung Quốc.
Tuy nhiên theo báo Wall Street Journal, những rắc rối của Zhongrong khiến giới đầu tư lo ngại sự lao dốc của thị trường bất động sản Trung Quốc đang “lây lan” sang các lĩnh vực khác, làm dấy lên tranh luận về việc liệu “khoảnh khắc Lehman” có thể xảy ra ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hay không.
Theo các nhà phân tích tại Công ty Nomura (Nhật), làn sóng vỡ nợ của các công ty tín thác có thể gây ra một số “hiệu ứng gợn sóng đáng kể” cho nền kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên các chuyên gia tại Ngân hàng đầu tư Citi (Mỹ) nhận định: “Chúng tôi cho rằng sẽ có nhiều vụ vỡ nợ của các công ty tín thác (như Zhongrong) do sự suy thoái đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản, nhưng điều đó khó có thể dẫn tới kịch bản “khoảnh khắc Lehman””.
Vòng luẩn quẩn
Gần đây, trước tình trạng chậm thanh toán trái phiếu từ Country Garden (công ty bất động sản tư nhân khổng lồ của Trung Quốc), các nhà phân tích tại Ngân hàng JPMorgan đã cảnh báo về “vòng luẩn quẩn đối với huy động vốn bất động sản, làm gia tăng căng thẳng thanh khoản cho các nhà phát triển và các chủ nợ phi ngân hàng của họ”.
T.P