Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNgười đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga tiết lộ lý do...

Người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga tiết lộ lý do thám hiểm Mặt trăng thất bại

Ngày 21-8, người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) tuyên bố Nga phải tiếp tục tham gia cuộc đua khám phá và phát triển tài nguyên trên Mặt trăng.

Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos Yury Borisov tiết lộ tàu thám hiểm Mặt trăng Luna-25 đã gặp sự cố trong việc tắt động cơ vào thời điểm thích hợp.

Giám đốc Roscosmos Yury Borisov đưa ra tuyên bố trên sau khi sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng đầu tiên của Nga sau 47 năm thất bại.

Theo ông Borisov, tàu vũ trụ Luna-25 đã gặp sự cố trong việc tắt động cơ vào thời điểm thích hợp, khiến nó đi chệch khỏi quỹ đạo dự tính.

“Thật không may, việc tắt động cơ không theo sơ đồ trình tự mà dựa trên thời gian. Thay vì 84 giây theo kế hoạch, quá trình diễn ra trong 127 giây”, ông Borisov nói với Đài truyền hình Rossiya 24.

Ngày 19-8, Luna-25 của Nga đã mất kiểm soát và đâm vào Mặt trăng. Luna-25 gặp sự cố khi chuẩn bị cho quỹ đạo trước khi hạ cánh.

Giới quan sát đánh giá sự thất bại trên cho thấy sức mạnh không gian của Nga đã suy giảm đáng kể thời hậu Xô Viết.

Trong cuộc phỏng vấn với Đài Russia-24, ông Borisov tỏ ra lạc quan và khẳng định việc tiếp tục cam kết thám hiểm Mặt trăng là vì lợi ích quốc gia quan trọng của Nga.

“Đây không chỉ là vấn đề uy tín của đất nước và việc đạt được một số mục tiêu địa chính trị. Đây là việc đảm bảo khả năng phòng thủ và đạt được chủ quyền về công nghệ”, ông Borisov nói.

Giám đốc Roscosmos tiếp tục: “Ngày nay (việc thám hiểm Mặt trăng) cũng có giá trị thực tế vì tất nhiên, cuộc chạy đua phát triển tài nguyên thiên nhiên của Mặt trăng đã bắt đầu. Và trong tương lai, Mặt trăng sẽ trở thành nền tảng cho việc khám phá không gian sâu, một nền tảng lý tưởng”.

Nga cho biết họ sẽ triển khai thêm các sứ mệnh Mặt trăng và sau đó khám phá khả năng thực hiện sứ mệnh chung giữa Nga và Trung Quốc, thậm chí là xây dựng căn cứ trên Mặt trăng.

Trước đó, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng nói về “cơn sốt vàng Mặt trăng” và khám phá tiềm năng khai thác Mặt trăng.

Mỹ vào năm 2020 đã công bố Hiệp định Artemis, được đặt tên theo chương trình Mặt trăng Artemis của NASA, nhằm tìm cách xây dựng dựa trên luật vũ trụ quốc tế hiện có bằng cách thiết lập các “vùng an toàn” trên Mặt trăng. Nga và Trung Quốc chưa tham gia hiệp định này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới