Tại hội nghị ở Nam Phi, các quốc gia trong khối BRICS cho thấy quan điểm khác nhau về việc kết nạp thêm thành viên và trở thành đối trọng với các cường quốc phương Tây.
Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor ngày 23.8 cho biết các thành viên BRICS – bao gồm Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Nga và Trung Quốc – đã thông qua một văn kiện vạch ra hướng dẫn và nguyên tắc cho việc kết nạp thêm thành viên, theo Reuters. Dù vậy, 5 quốc gia trong khối vẫn bất đồng về quy mô và tốc độ của quá trình này.
Lập trường khác biệt
Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất trong khối, từ lâu đã thúc đẩy việc kết nạp thêm thành viên. Trong bối cảnh cạnh tranh giữa nước này với Mỹ ngày càng gay gắt, cũng như căng thẳng toàn cầu gia tăng do cuộc chiến Ukraine, Bắc Kinh cho rằng việc mở rộng BRICS càng thêm cấp thiết.
“Chúng ta phải nêu cao tinh thần cởi mở, bao trùm và hợp tác cùng có lợi của BRICS, cho phép thêm nhiều quốc gia gia nhập gia đình BRICS, tập hợp trí tuệ và sức mạnh, đồng thời thúc đẩy sự phát triển quản trị toàn cầu theo hướng công bằng và hợp lý hơn”, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại phiên toàn thể hội nghị BRICS ngày 23.8, theo Tân Hoa xã.
Không đến Nam Phi tham dự hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu trực tuyến từ Moscow hôm 23.8. Theo TASS, nhà lãnh đạo cho biết “đường hướng chiến lược của BRICS sẽ mở rộng trong tương lai” và đáp ứng mong muốn của phần lớn cộng đồng quốc tế. Ông cũng nói các nước BRICS “nhất trí nỗ lực xây dựng một trật tự thế giới đa cực, một trật tự thực sự công bằng”.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hôm 22.8 cho biết ông và ông Tập có quan điểm tương tự về việc mở rộng BRICS. Song Brazil và Ấn Độ theo đuổi cách tiếp cận khác trong bối cảnh cả hai nước đều đang cố gắng xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây.
Bạn biết gì về khối BRICS?
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva khẳng định ông không muốn BRICS “trở thành đối trọng với G7, G20 hay Mỹ”, dù ủng hộ việc mở rộng khối. Trong khi thúc đẩy nước láng giềng Argentina gia nhập BRICS, ông cho biết bất kỳ thành viên mới nào cũng cần phải đáp ứng một số điều kiện nhất định để khối không trở thành “Tháp Babel”, tức một nơi tồn tại quá nhiều sự khác biệt.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 23.8 cho biết New Delhi hoàn toàn ủng hộ việc mở rộng BRICS. Tuy nhiên, một quan chức Ấn Độ nắm rõ các cuộc thảo luận tại Johannesburg hôm 22.8 tiết lộ rằng ông Modi đã yêu cầu “phải có những quy tắc cơ bản về cách thức kết nạp và ai có thể gia nhập”. Là đối thủ kinh tế và địa chính trị của Trung Quốc, Ấn Độ cảnh giác trước việc BRICS có thể trở thành thiết chế giúp Bắc Kinh thúc đẩy chương trình nghị sự của mình, theo AFP.
Phản ứng của Mỹ
Theo các quan chức Nam Phi, hơn 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS và hơn 20 quốc gia đã chính thức xin gia nhập.
Phát biểu với các phóng viên ở Washington D.C ngày 22.8, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết ông không nghĩ BRICS sẽ trở thành đối thủ địa chính trị của Mỹ. “Đây là một tập hợp rất đa dạng các quốc gia… với quan điểm khác nhau về các vấn đề quan trọng”, Reuters dẫn lời ông Sullivan.
Ngoài vấn đề mở rộng, BRICS cũng đang nỗ lực biến ngân hàng phát triển của khối này trở thành giải pháp thay thế cho Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế. Việc thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ của các quốc gia thành viên BRICS trong giao dịch thương mại và tài chính để giảm bớt sự phụ thuộc vào USD cũng nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị tại Johannesburg.
Theo Tổng thống Putin, “quá trình phi đô la hóa một cách khách quan, không thể đảo ngược” trong khối BRICS đang tiến triển. Trong khi đó, Tổng thống Lula nói các nước BRICS “muốn ngồi vào bàn đàm phán trên cơ sở bình đẳng với Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) hay bất cứ quốc gia nào khác”.