Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiGần 40 năm ông Hun Sen lãnh đạo Campuchia

Gần 40 năm ông Hun Sen lãnh đạo Campuchia

Ông Hun Sen hôm nay chính thức rời cương vị thủ tướng, sau gần 4 thập niên dẫn dắt đưa đất nước Campuchia phát triển.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Quốc hội Campuchia ngày 22/8 đã phê chuẩn tiến sĩ Hun Manet, con trai cả của ông Hun Sen, làm tân thủ tướng của đất nước. Với động thái này, ông Hun Sen chính thức rời vị trí thủ tướng sau gần 40 năm lãnh đạo Campuchia.

“Tôi mong người dân thông cảm khi tôi tuyên bố mình sẽ không tiếp tục làm thủ tướng”, ông Hun Sen nói hôm 26/7.

Thông báo trên chưa phải điểm kết thúc cho sự nghiệp của ông Hun Sen. Sau khi rời ghế thủ tướng, ông vẫn sẽ là Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia và dự kiến được Quốc vương chọn làm Chủ tịch Hội đồng Cơ mật.

Nhưng dù sự nghiệp chính trị chưa kết thúc, ông Hun Sen đã trở thành nhân vật lịch sử. Ở tuổi 71, Thủ tướng Hun Sen là một trong những nhà lãnh đạo lâu năm nhất trên thế giới và dấu ấn của ông trong sự phát triển của đất nước, con người Campuchia là không thể tranh cãi.

Trả lời phỏng vấn đài Phoenix, ông Hun Sen cho rằng con đường ông đã đi có 3 thành tựu chính: Mang lại hòa bình cho đất nước, giúp Campuchia lột xác sau quá khứ đen tối, và xử lý thành công đại dịch Covid-19.

Lựa chọn cứu quốc

Sinh ngày 5/8/1952 tại tỉnh Kong Pong Cham, Campuchia, ông Hun Sen là con thứ 3 trong gia đình không mấy khá giả và có 6 người con. Năm 13 tuổi, ông được bố mẹ gửi lên Phnom Penh học tại trường Lycee Indra Dhevi, do ở xã không có trường trung học.

Khi còn trên ghế nhà trường, ông Hun Sen có nguyện vọng lớn lên sẽ được làm thầy giáo. Nhưng tình thế đất nước Campuchia không cho ông được thực hiện ước mơ ấy.

“Các khát vọng và ước mơ của tôi đã không còn nữa vì chiến tranh và chế độ diệt chủng. Các biến cố chính trị đã làm thay đổi các ước vọng của tôi, đã đẩy tôi vào hoạt động chính trị”, Thủ tướng Campuchia kể với 2 tác giả viết tiểu sử, Harish và Julie Mehta.

Năm 18 tuổi, người thanh niên Hun Sen vào rừng tham gia phong trào đấu tranh, dẫn đến giải phóng đất nước vào tháng 4/1975.

Nhưng sau đó, chính quyền Pol Pot lên nắm quyền, ép buộc người dân Campuchia từ đô thị di chuyển tới các trại lao động tập trung ở nông thôn, nơi xảy ra tình trạng cưỡng bức lao động, bỏ đói và thảm sát. Ông kể lại những hành động hung ác khiến ông Hun Sen bị sốc.

Năm 1977, ông Hun Sen cùng một số đồng đội sang Việt Nam để tìm kiếm sự ủng hộ cách mạng, cứu đất nước khỏi nạn diệt chủng.

“Rời xa người vợ đang mang thai 5 tháng, không phải chuyện đùa đối với một thanh niên mới chỉ 25 tuổi như tôi hồi đó. Tuy nhiên, chỉ khoanh tay nhìn hay để Pol Pot giết hại hoặc tự sát đều không phải lựa chọn tốt”, ông Hun Sen kể lại hôm 21/6/2022. “Dù chỉ có 1% hy vọng, hoặc ít hơn, tôi vẫn phải làm việc này”.

Từ đó, quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh cùng Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia chiến đấu với quân đội của Pol Pot, tới ngày 7/1/1979 thì hoàn toàn giải phóng thủ đô Phnom Penh, lật đổ chế độ diệt chủng.

“Quân dân Campuchia nếu không có sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam thì không thể giải phóng nhanh đến thế”, Thủ tướng Campuchia từng khẳng định.

Xây dựng đất nước

Sau khi cầm súng chiến đấu, ông Hun Sen bắt tay vào xây dựng đất nước Campuchia.

Năm 1979, ông Hun Sen trở thành Bộ trưởng Ngoại giao trẻ nhất trong lịch sử Campuchia và chỉ 6 năm sau, năm 1985, ông đảm nhiệm vị trí Thủ tướng. Đây lại là một kỷ lục nữa vì khi đó ở tuổi 32, ông là Thủ tướng trẻ nhất thế giới. Việc chàng trai Hun Sen – người không có cơ hội học lên cao – thăng tiến nhanh chóng không thể chỉ dựa vào may mắn.

Chính ông Hun Sen khi nhìn lại cũng không khỏi tự hào về thành tựu của mình. Một ngày tháng 4, ông tuyên bố mình đã xác lập 3 kỷ lục trong sự nghiệp chính trị, bao gồm là vị thủ tướng tại vị lâu năm nhất thế giới.

“Tôi đã giữ vị trí Thủ tướng trong khoảng 4 thập niên và đã công tác trong chính phủ khoảng 44 năm”, ông nói tại một sự kiện hôm 24/4. “Tôi đã phá vỡ kỷ lục Guinness rồi”.

Năm 1993, 2 năm sau khi Hiệp định Hòa bình Paris được ký kết, Campuchia tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội do Liên hợp quốc bảo trợ.

Tuy đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông Hun Sen giành được ít phiếu hơn đảng bảo hoàng FUNCINPEC, ông vẫn duy trì quyền lãnh đạo trong vai trò Thủ tướng thứ 2, chia sẻ quyền lực với Thủ tướng thứ nhất là Norodom Ranariddh, con trai cả của Quốc vương Norodom Sihanouk và Chủ tịch đảng FUNCINPEC.

Trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vào năm 1998, CPP chiến thắng với thế đa số, đưa ông Hun Sen trở thành Thủ tướng duy nhất của Campuchia. Trong các cuộc tổng tuyển cử sau, CPP luôn giành được số phiếu bầu lớn nhất và ông Hun Sen đảm nhiệm chức Thủ tướng từ đó tới nay.

Yang Peou, Tổng thư ký Học viện Hoàng gia Campuchia, cho rằng lý do ông Hun Sen có thể lãnh đạo đất nước lâu như vậy là vì tài năng chính trị, khả năng lãnh đạo bẩm sinh và vì ông đã tận tụy với đất nước từ khi còn rất trẻ, bắt đầu từ một trong những thời kỳ đen tối nhất của lịch sử Campuchia.

“Ông ấy nắm quyền từ khi còn rất trẻ. Điều này là do khả năng của ông lãnh đạo đất nước đi đúng hướng. Nếu không có sự ủng hộ của người dân, không ai, dù mạnh đến đâu, có thể nắm giữ quyền lực lâu như vậy”, ông Yang Peou nói thêm.

Còn Sebastian Strangio, người viết tiểu sử về ông Hun Sen, chỉ ra rằng đặc điểm nổi bật trong sự nghiệp của vị Thủ tướng Campuchia “là sự linh hoạt về tư tưởng và chính trị”, có thể điều chỉnh nhanh chóng để phù hợp với tình thế.

Dưới thời ông Hun Sen, Campuchia chứng kiến nhiều thay đổi tích cực với các chính sách như Chiến lược tam giác phát triển và Chiến lược tứ giác phát triển.

Với mức tăng trưởng trung bình hàng năm 7,7% trong các năm 1998-2019, Campuchia là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trước đại dịch Covid-19, với mũi nhọn là ngành dệt may.

Từ chỗ là nước có thu nhập thấp, xứ sở chùa tháp đã đạt mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2015. Xứ chùa tháp dự kiến trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2030, theo Ngân hàng Thế giới.

“Tôi muốn phát triển đất nước mình như các nhân vật vượt trội khác ở Đông Nam Á đã làm”, ông Hun Sen chia sẻ trong một cuốn sách tiểu sử.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới