Tuesday, November 19, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiChuyên gia kinh tế: Giảm phát ở TQ có thể trở thành...

Chuyên gia kinh tế: Giảm phát ở TQ có thể trở thành mối quan ngại toàn cầu

Theo các nhà kinh tế học, những thách thức kinh tế của Trung Quốc đã làm gia tăng áp lực giảm phát, gây quan ngại trên toàn cầu và có khả năng tăng tốc.

Suy thoái kinh tế chung tiếp tục diễn ra ở Trung Quốc trong khi lĩnh vực bất động sản và chứng khoán đối mặt với rủi ro.

Nền kinh tế đang suy giảm của Trung Quốc đã trở nên rõ ràng trong những tháng gần đây, trong đó dữ liệu tháng 7 nhìn chung không đạt kỳ vọng. Cục Thống kê Quốc gia đình chỉ công bố số liệu thất nghiệp ở thanh niên khi con số tăng vọt lên mức cao kỷ lục.

Dữ liệu tín dụng trong tháng 7 cũng cho thấy nhu cầu vay vốn từ các doanh nghiệp và hộ gia đình sụt giảm, đồng thời lĩnh vực bất động vẫn đang suy yếu khi nhà phát triển Country Garden đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ và “gã khổng lồ” bất động sản – “bom nợ” Evergrande Group – đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ vào đầu tháng này.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần của Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận tình trạng giảm phát lần đầu tiên sau hơn 2 năm. Điều này trái ngược với những vấn đề (trong đó có lạm phát) mà các nền kinh tế lớn ở phương Tây đang đối mặt.

Mặc dù một số điểm yếu chung có thể do các yếu tố nhất thời như giá năng lượng và thịt lợn thấp hơn, nhưng lạm phát cơ bản cũng chịu tác động tiêu cực bởi giá nhà ở và các yếu tố liên quan giảm sút do tình trạng suy yếu trong lĩnh vực bất động sản.

“Mặc dù mối liên kết giữa Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi khi Bắc Kinh cố gắng chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng và căng thẳng thương mại gia tăng với phương Tây, Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất của thế giới,” chuyên gia kinh tế kiêm CEO của Pimco, Tiffany Wilding, cho biết.

“Kết quả là, sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc và giá cả giảm (đặc biệt là giá sản xuất của Trung Quốc) có khả năng lan sang thị trường toàn cầu – tin tốt lành trong ngắn hạn đối với cuộc chiến chống lại lạm phát gia tăng của các ngân hàng trung ương phương Tây”, vị chuyên gia nói thêm.

Trong khi các nền kinh tế ở phương Tây đang phải đối mặt với việc hồi phục từ đại dịch COVID-19 và sự gia tăng của lạm phát do nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng trở lại, thì Trung Quốc lại không trải qua vấn đề tương tự kể từ khi chấm dứt các biện pháp hạn chế do COVID-19, do sức mạnh sản xuất trong nước đã giúp giảm tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và giá hàng hóa toàn cầu được điều tiết.

Tuy nhiên, trong một báo cáo công bố vào tuần trước, nhà kinh tế học Carol Liao và Wilding đến từ Pimco lưu ý rằng, nhu cầu trong nước chững lại đã khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng trì trệ, trong khi việc giảm đòn bẩy trong lĩnh vực tài chính bất động sản và chính quyền địa phương đã làm tăng thêm áp lực giảm phát, ảnh hưởng đến đầu tư trong nước, dẫn đến “dư thừa năng lực trong sản xuất”.

“Hơn nữa, phản ứng của chính phủ trước những yếu tố cơ bản đang suy yếu là chưa đủ”, nhà kinh tế của Pimco nói thêm. “Nỗ lực của chính phủ nhằm kích thích và ổn định tăng trưởng thông qua tín dụng, đặc biệt là cho các doanh nghiệp nhà nước và đầu tư cơ sở hạ tầng, vẫn chưa đủ để bù đắp lực cản từ thị trường bất động sản, khi dòng tín dụng mới vào nền kinh tế bị thu hẹp trong năm qua”.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm thứ Sáu tuần trước đã tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn sự mất giá của đồng tiền nước này do dữ liệu ảm đạm và niềm tin của người tiêu dùng đang suy giảm, nhưng thị trường dường như vẫn không tin rằng Bắc Kinh đã làm đủ để đảo ngược các xu hướng gần đây.

Skylar Montgomery Koning, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu cấp cao tại TS Lombard, đã phân tích trong một báo cáo nghiên cứu tuần trước rằng sự thất vọng của thị trường có thể sẽ tiếp tục vì bất kỳ biện pháp kích thích tài khóa nào của chính phủ sẽ là “phiên bản mạnh mẽ hơn của các biện pháp nới lỏng hiện tại” thay vì “kích thích trên diện rộng”.

“Tăng trưởng chậm hơn, các biện pháp kích thích hạn chế, suy giảm thương mại và dòng vốn chảy ra ngoài đều chỉ ra đồng NDT đang suy yếu hơn trong quý này”, Montgomery Koning nhận định.

Tác dụng lan rộng: Nhập khẩu và xuất khẩu
Mặc dù Trung Quốc đang điều chỉnh lại cơ cấu nền kinh tế để ít phụ thuộc hơn vào những trụ cột truyền thống như bất động sản và xuất khẩu hàng hóa sản xuất, các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất vẫn thống trị thị trường hàng tiêu dùng, đặc biệt là ở Mỹ.

“Theo dữ liệu của Cục điều tra dân số Mỹ, tính đến tháng 6, giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc giảm trung bình 3% so với năm ngoái, trong khi giá sản xuất hàng tiêu dùng ở Trung Quốc giảm 5% tính theo đồng USD”, Wilding và Liao cho hay.

“Điều quan trọng là sự sụt giảm này đang được chuyển sang phía người tiêu dùng Mỹ; Tháng 7 đánh dấu lần đầu tiên kể từ những ngày đầu của đại dịch, giá hàng bán lẻ tiêu dùng của Mỹ giảm trong 3 tháng, so với cùng kỳ năm ngoái”, họ nói thêm.

Họ cho rằng, động lực điều tiết này có khả năng lan truyền sang các thị trường phát triển khác vì xu hướng lạm phát của Mỹ thường dẫn đầu kể từ đại dịch.

Thứ hai, xuất khẩu của Trung Quốc đã suy yếu trong những tháng gần đây. Khi những rủi ro về tình trạng giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc trở thành hiện thực, Wilding và Liao cho rằng Bắc Kinh có thể xem xét sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy xuất khẩu và giải quyết vấn đề dư cung trong nước, từ đó làm tràn ngập thị trường toàn cầu với hàng tiêu dùng giá rẻ.

Ngoài những tác động lây lan liên quan đến thương mại, áp lực giảm phát chung trên phạm vi toàn cầu còn đến từ giá cả hàng hóa, trong đó với tư cách là nước nhập khẩu hàng hóa khổng lồ, nhu cầu nội địa của Trung Quốc vẫn là yếu tố then chốt.

“Đầu tư nội địa yếu của Trung Quốc và năng lực sản xuất dư thừa trên diện rộng cũng như doanh số bán nhà và đất yếu có thể sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến nhu cầu hàng hóa toàn cầu,” Wilding và Liao cho hay.

Họ nói thêm rằng, nguy cơ áp lực lạm phát kéo dài và rõ rệt hơn phụ thuộc vào phản ứng chính sách tài khóa của chính phủ trong những tháng tới, đồng thời cho rằng biện pháp kích đầy đủ nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước có thể đẩy nhanh lạm phát trở lại trong khi các biện pháp chính sách không đầy đủ có thể đẩy mọi thứ vào một “vòng xoáy giảm”.

“Giảm phát dai dẳng ở Trung Quốc có thể sẽ lan sang các thị trường phát triển, vì đồng NDT yếu hơn và tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh thu tăng cao làm giảm giá hàng hóa Trung Quốc ở nước ngoài – một diễn biến mà các ngân hàng trung ương ở các thị trường phát triển có thể sẽ hoan nghênh”, họ nói thêm.

Sự không chắc chắn về tiềm năng phục hồi của Trung Quốc đã phủ một đám mây đen lên thị trường toàn cầu trong những tuần gần đây, và các chiến lược gia Maximilian Uleer và Carolin Raab đến từ Deutsche Bank nhận định rằng việc cắt giảm lãi suất của PBoC và lời hứa của chính phủ về các biện pháp kích thích đã không có nhiều tác dụng trong việc xoa dịu những lo ngại ở châu Âu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới