Từ năm 2016, Tòa trọng tài Quốc tế PCA đã đưa ra phán quyết rõ ràng ở Biển Đông. Cũng bấy nhiêu năm, Trung Quốc chẳng hề xem nó ra gì. Trung Quốc vẫn cứ kéo giàn khoan và một đống tàu chiến ra Biển Đông, vẫn xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Vậy tại sao Trung Quốc không sợ, không chấp hành phán quyết của Tòa Quốc tế? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
Như các bạn đã biết, vào 22/01/2013, Philippines đã đệ đơn khởi kiện Trung Quốc lên PCA, vì Trung Quốc quá ngang ngược qua yêu sách “Đường lưỡi bò”. Philippines cho rằng hành vi của Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Chuyện gì xảy ra tiếp theo? Đương nhiên là Trung Quốc phản đối hành động của Philippines. Tuy nhiên, Tòa trọng tài vẫn được thành lập và tiến hành một quá trình tố tụng vô cùng phức tạp kéo dài tới 3 năm. Sau 3 năm, thông qua đánh giá rất nhiều tài liệu của các bên đưa ra, cuối cùng Tòa đã ra phán quyết với một số nội dung quan trọng như sau:
Thứ nhất, việc mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò”, Tòa phán yêu sách của Trung Quốc về các quyền lịch sử đối với vùng biển nằm trong “đường chín đoạn” (chính là “đường lưỡi bò”) là trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Thứ hai, Trung Quốc không có tư cách lịch sử đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về các quyền lịch sử đối với những nguồn tài nguyên trong khu vực mà Trung Quốc gọi là “đường chín đoạn”. Theo Tòa trọng tài, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc có vùng đặc quyền kinh tế như vậy.
Thứ ba, trước đó Trung Quốc cho rằng họ có đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý tính từ Bãi Vành Khăn do Trung Quốc đang chiếm giữ và Bãi Cỏ Mây do Philippines đang chiếm. Tòa tuyên bố rằng Trung Quốc không có quyền hạn đối với vùng biển đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý của Bãi Vành Khăn hay Bãi Cỏ Mây. Tòa trọng tài cũng khẳng định rằng thực thể Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa là bãi đá nên không có vùng đặc quyền kinh tế.
Thứ tư, PCA cho rằng Bắc Kinh đã làm tổn hại lâu dài và không thể bù đắp được hệ sinh thái san hô ở quần đảo Trường Sa.
Trước phán quyết này, hầu như tất cả các nước như Philippines, Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ,…. đều tỏ ra hài lòng. Các nhà làm luật Việt Nam đánh giá phán quyết của tòa không chỉ bác bỏ hoàn toàn “đường lưỡi bò” phi pháp do Trung Quốc tự dựng lên mà còn giải thích rất rõ một số khái niệm trong Luật Biển năm 1982 để mọi quốc gia có thể áp dụng.
Tuy nhiên, trái với phần lớn thế giới, Trung Quốc tức tối và họ tuyên bố sẽ chống lại hoàn toàn những gì mà tòa quốc tế đã phán. Họ thực hiện “3 không”: thứ nhất là không công nhận quyền phán quyết của tòa khi nói rằng: tòa có quyền gì mà phán, thứ hai, không chấp nhận tòa nên họ cũng không chấp nhận các phán quyết của tòa đưa ra, Đương nhiên, điều thứ ba là họ thực hiện những phán quyết của tòa quốc tế.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng phán quyết của tòa quốc tế là không có cơ sở, vô căn cứ và không có hiệu lực ràng buộc. Họ nói các quyền và lợi ích hàng hải của nước này ở Biển Đông sẽ không bị ảnh hưởng bởi các phán quyết của tòa. Tuyên bố khẳng định Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ tuyên bố hoặc hành động nào dựa trên những phán quyết của tòa.
Chúng ta thấy, Trung Quốc rất ngoan cố và coi thường luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, điều đấy không có nghĩa là Trung Quốc hoàn toàn phớt lờ. Thực tế là Trung Quốc đã có những chiến dịch truyền thông nhằm vô hiệu hóa những lập luận của tòa quốc tế. Từ sau phán quyết, Trung Quốc cũng ít đề cập hơn đến “đường chín đoạn” mà thay vào đó họ đưa ra yêu sách có tên gọi là “tứ sa”.
Tứ sa được thai nghén từ năm 2016, bắt đầu được Trung Quốc công bố rộng rãi năm 2019. Theo đó, Trung Quốc tuyên bố ba điều:
Thứ nhất, là Trung Quốc tự nhận là có chủ quyền không thể chối cãi với Nam Hải Chư Đảo, bao gồm Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. Trong đó, Tây Sa là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, còn Nam Sa là quần đảo Trường Sa của Việt Nam, còn Trung Sa là bãi ngầm Macclesfield.
Thứ hai, Trung Quốc tuyên bố các nhóm đảo này là quần đảo và được sử dụng đường cơ sở thẳng để xác định đường cơ sở và vùng nước quần đảo.
Thứ ba, các nhóm đảo này có vùng nước quần đảo, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa tính từ đường thẳng cơ sở. Như vậy, nếu vẽ vùng đặc quyền kinh tế theo cái “tứ sa” này thì nó cũng ra một cái vùng chẳng khác gì “đường lưỡi bò”. Thế nên bản chất của nó vẫn là “bình mới rượu cũ”.
Sau 6 năm, bên cạnh việc từ chối thi hành phán quyết, Trung Quốc ngày càng có những hành vi, động thái bành trướng hơn trên Biển Đông. Sự hiện diện của quốc gia này ở Biển Đông, đặc biệt là trong thời kỳ dịch Covid-19, có tần suất ngày càng lớn với các hoạt động xâm lấn, quấy rối ngư dân, gây trở ngại cho hoạt động thăm dò dầu khí của các quốc gia trong khu vực tăng lên đáng kể. Dưới thời chính quyền tổng thống Duterte, Philippines đã đệ trình hơn 300 công hàm ngoại giao phản đối đến Trung Quốc.
Nhìn chung, hiện tại phán quyết của Tòa án quốc tế đều được các nước công nhận chỉ trừ mỗi Trung Quốc. Nhưng vấn đề là tòa án này không có quân đội, không có lực lượng vũ trang, không có vũ khí gì nên đương nhiên lại không có chế tài để ép Trung Quốc phải tuân theo. Thế nên cần có sự chung tay phản đối của cộng đồng quốc tế. Cộng đồng quốc tế không quay lưng với vấn đề Biển Đông, ủng hộ phán quyết và gây sức ép buộc Trung Quốc phải thi hành thì phán quyết sẽ không phải là một tờ giấy suông mà là động lực thúc đẩy các nhà đấu tranh vì quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình, vì một trật tự dựa trên luật lệ.
T.P