Người Hoa không chỉ là một dân tộc đông dân mà còn có mặt khắp nơi trên thế giới. Uớc tính, khoảng 60 triệu Hoa kiều đang sinh sống ngoài lãnh thổ Trung Quốc, chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á. Sự xuất hiện, hình thành và biến động của cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á cũng như ở các nước khác, có nguồn gốc xa xưa trong lịch sử cùng những biến động phức tạp về kinh tế, chính trị, xã hội.
Hiện nay, ở Malaysia, người Hoa là cộng đồng dân cư đông thứ hai chi phối phần lớn nền kinh tế, từng có thời điểm chi phối khoảng tới 90% nền kinh tế quốc gia này. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với tình trạng phân biệt chủng tộc và những quy định về sắc tộc trong Hiến pháp Malaysia nhằm giảm sự chênh lệch về kinh tế giữa nhóm dân tộc bản địa đông nhất, tức là người Mã Lai và người Hoa. Nguyên nhân của sự phân biệt này phần lớn đến từ những ảnh hưởng của người Hoa trong quá khứ.
Quá trình người Hoa di cư xuống Malaysia
Năm 2020, dân số của Malaysia là 33.360.000 người, với hơn 70 nhóm dân tộc khác nhau, trong đó người Malaysia chiếm 59%, người Hoa chiếm khoảng 23,2%, người Ấn Độ chiếm 7%, còn 10% còn lại là các nhóm dân tộc bản địa thiểu số khác.
Người Malaysia gốc Hoa hay là người Mã Lai gốc Hoa là khái niệm để chỉ những công dân Malaysia có nguồn gốc là người Hán từ Trung Quốc di cư sang. Khái niệm này cũng giống với việc chúng ta gọi người Việt gốc Hoa vậy.
Về ngôn ngữ, họ sử dụng tiếng Mã Lai trong việc hội nhập với người Mã Lai; tiếng Hoa dùng trong giao tiếp hàng ngày. Ngoài ra, họ cũng sử dụng cả tiếng Anh trong giao lưu quốc tế.
Hầu hết người Hoa ở Malaysia hiện nay là hậu duệ của những người nhập cư từ miền Nam Trung Quốc đầu thế kỷ 19 đến khoảng giữa thế kỷ 20.
Trong thời kỳ tiền thuộc địa đã có những ghi chép về người Trung Quốc. Chúng ta đều biết, từ lâu, Trung Quốc đã có mạng lưới giao thương rộng khắp thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Cuộc di cư đầu tiên của người Hoa đến Malaysia được ghi nhận từ những năm 1292, là thương nhân, là những người lính và dân phu trong quân đội viễn chinh Mông Cổ đến đảo Borneo để chuẩn bị cho cuộc xâm lược Java.
Dưới thời Minh, trong cuộc thám hiểm Đông Nam Á của Trịnh Hòa từ năm 1405 đến năm 1403, ông đã đến Malacca. Trong cuộc thám hiểm này, đã có những ghi chép rằng có những con phố của người Trung Quốc trong khu vực Malacca. Sau khi khu vực Malaysia đã cải sang đạo Hồi, những người Hoa vẫn phát triển tại đây. Với tài buôn bán, họ đã góp phần làm cho khu vực Malacca và các khu vực khác của bán đảo Mã Lai và đảo Borneo trở nên sầm uất.
Sau này, khoảng thế kỷ 16, khi phương Tây bắt đầu các cuộc phát kiến địa lý, để ý đến những vùng đất giàu có ở Châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á, thì khu vực Malacca đã bị Bồ Đào Nha, sau đó là người Hà Lan cai trị. Dưới thời cai trị của Bồ Đào Nha, địa bàn cư trú của người Hoa ở Malacca và các khu vực lân cận liên tục bị làm khó không hợp tác với Bồ Đào Nha do vậy sự phát triển phần nào đã bị kìm hãm.
Tiếp quản Malacca vào những năm 1641, Người Hà Lan nhận thấy những người gốc Hoa rất cần cù, đã khuyến khích những người này tham gia vào đời sống kinh tế thuộc địa. Sau đó, người Hà Lan cũng thành lập các khu định cư ở khu vực ngày nay gọi là bang Perak vào những năm 1650, thông qua một hiệp ước với Vương triều Perak, cho phép người Hoa phát triển các mỏ thiếc.
Từ đây, người Hà Lan bắt đầu chiêu mộ thêm nhiều khu người Hoa ở khu vực phía Nam Trung Quốc. Như vậy, dưới thời cai trị của Hà Lan ở Malaysia, người Hoa đã đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác thiếc.
Tuy nhiên, chiến tranh Anh-Hà Lan lần thứ tư nổ ra vào năm 1780 ảnh hưởng xấu đến việc buôn bán thiếc khiến nhiều thợ mỏ người Hoa đã rời đi. Sau khi khu vực Malacca rơi vào tay người Anh, họ cũng bắt đầu phát triển các mỏ thiếc. Sự phát triển này khiến người Anh cần thêm công nhân và cung cấp được cho họ nhiều công nhân nhất chính là các địa phương phía Nam Trung Quốc.
Cho đến thế kỷ 19, đây được cho là giai đoạn có nhiều người Hoa di cư đến Malaysia nhất trong lịch sử nước này. Khi các mỏ thiếc ở Perak nở rộ, nhiều người Hoa ở vùng lân cận cũng trở nên giàu có. Nhiều cộng đồng khai thác thiếc của người Hoa đã được thành lập ở bán đảo Mã Lai vào những năm 1780. Theo một số tài liệu, thì trong suốt thế kỷ 19 có khoảng 5 triệu người Hoa đã di cư đến Malaysia.
Vấn đề của người Malaysia gốc Hoa
Thế chiến thứ hai kết thúc, việc đưa những người gốc Hoa về Trung Quốc là điều không khả thi đối với cả Malaya và chính phủ Anh. Khi quân nổi dậy chủ yếu là người gốc Hoa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Malaya đã phát động các chiến dịch du kích buộc người Anh phải rời khỏi Malaya – vùng đất mà nay là phần lãnh thổ ở bán đảo Mã Lai. Năm 1957, chính phủ Anh đã trao trả độc lập cho Malaya. Năm 1963, Vương quốc Anh giúp chính quyền nước này thành lập Liên bang Malaysia. Liên bang mới này bao gồm Malaya, Singapore và các vùng Bắc Borneo và Sarawak, trong đó, Malaysia chiếm gần 40% diện tích cả nước và hầu hết dân số của liên bang.
Tuy nhiên, Singapore đã rời khỏi liên bang vào năm 1965 do người sáng lập Singapore khi đó là Lý Quang Diệu đã có những bất hòa với Thủ tướng đương nhiệm là Tunku Abdul Rahman.
Sự ra đi của Singapore đã được Lý Quang Diệu và Tunku Abdul Rahman đàm phán hơn một năm trước. Dân số Singapore ít, nhưng phần lớn họ là người Hoa nên sự ra đi này đã làm tăng tỷ lệ dân số Mã Lai ở Malaysia từ khoảng 51% lên 53%, cơ bản không làm thay đổi cân bằng sắc tộc của Malaysia.
Theo một thỏa thuận do Vương quốc Anh làm trung gian trước năm 1957, người Hoa và người Ấn Độ được cấp quyền công dân ở Malaya, bất chấp một số phản đối của người Mã Lai bản xứ. Năm 1957, dân số Malaya là 6,2 triệu người, bao gồm 3,12 triệu người Mã Lai, 2,33 triệu người Hoa, 696.000 người Ấn Độ, số còn lại là các dân tộc khác. Khi này, người Hoa chiếm khoảng 1/3 dân số đất nước và nhìn chung, những người không phải là người Mã Lai đã chiếm gần một nửa dân số Malaya.
Trong thập kỷ đầu tiên của mình sau khi độc lập và thành lập Liên bang Malaysia, đất nước ổn định dưới sự cầm quyền của Liên minh Barisan Nasional. Liên minh này gồm ba đảng đại diện cho 3 nhóm sắc tộc chính, gồm Tổ chức Quốc gia Mã Lai Thống nhất đại diện cho người Mã Lai và các nhóm dân tộc bản địa ở Malaysia; Hiệp hội Người Hoa Malaysia đại diện cho cộng đồng người Mã Lai gốc Hoa; và Đại hội Đồng Ấn Độ Malaysia đại diện cho người Mã Lai gốc Ấn. Để mô tả giai đoạn này của Malaysia, chúng ta có thể tóm gọn như sau: “Quyền lực kinh tế – chính trị được chia sẻ giữa người Mã Lai và người Hoa, trong đó người Hoa nắm giữ quyền lực kinh tế, còn người Mã Lai nắm quyền lực chính trị.”
Trước đây, Người Hoa có rất nhiều quyền lực đối với nền kinh tế của Malaysia. Đặc biệt là giai đoạn sau khi được Anh trao trả độc lập. Khi đó, hơn 90% các cơ sở kinh doanh như cửa hàng, nhà máy, xí nghiệp và trung tâm thương mại thuộc sở hữu của người Hoa. Hơn nữa, họ thường có xu hướng thành lập các phường hội hơn là đặt mình dưới sự kiểm soát của chính quyền. Điều này khá giống với người Hoa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn này.
Giai đoạn những năm 60, cộng đồng người Hoa đã tham gia vào tất cả các loại hình kinh doanh dưới hình thức tư nhân. Điều này đã tạo ra một sự bất bình đẳng trong xã hội khi nhiều người Hoa trở nên giàu có, còn lại phần đông người Mã Lai và một số dân tộc khác lại có phần nghèo hơn. Khi đó, tiếng Hoa được sử dụng rộng rãi ở các trường học, bệnh xá, cơ sở kinh doanh thay vì tiếng Mã Lai.
Các chính sách của chính phủ Malaysia về người Hoa
Công thức chia sẻ quyền lực giữa người Hoa và người Mã Lai hoạt động khá tốt cho đến năm 1969, khi sự sắp xếp cân bằng đó dần sụp đổ. Sau khi phe đối lập chủ yếu là người Hoa giành được thắng lợi trước Liên minh Barisan Nasional trong cuộc tổng tuyển cử năm 1969.
Từ đây, các cuộc bạo loạn sắc tộc đã nổ ra ở tất cả các thành phố lớn của Malaysia. Quốc hội đã bị đình chỉ, đất nước được đặt trong tình trạng khẩn cấp. Lý do chính thức được đưa ra cho các cuộc bạo loạn là sự chênh lệch về kinh tế giữa người Mã Lai và người Hoa. Sự chênh lệch này dẫn đến sự bất an trong cộng đồng người Mã Lai và làm dấy lên lo ngại rằng họ đang bị chi phối bởi sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, mặc dù lúc này phía Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng đang không mấy ổn định.
Theo các số liệu chính thức, cộng đồng người Mã Lai mặc dù chiếm hơn 50% dân số nhưng chỉ sở hữu 2,4% tổng tài sản. Phần còn lại thì thuộc về những người Hoa và người Anh. Người Ấn và các dân tộc thiểu số khác sở hữu không đáng kể.
Khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ vào năm 1971, giới tinh hoa của người Mã Lai đã quyết định rằng công thức cũ không còn khả thi nữa và một khuôn khổ chính trị mới dựa trên uy thế chính trị của người Mã Lai là con đường duy nhất để tiến tới. Khi đất nước được đặt trong tình trạng khẩn cấp, một cơ quan hành pháp mới là Hội đồng Điều hành Quốc gia được thành lập để cai trị đất nước.
Cùng năm này, Chính sách Kinh tế Mới đã được ban hành. Về cơ bản, Chính sách Kinh tế Mới thực hiện mục tiêu nâng cao vị thế của người Mã Lai trong nền kinh tế. Chẳng hạn, như một số công ty muốn niêm yết trên thị trường chứng khoán Malaysia thì phải có ít nhất 30% cổ phần do người Mã Lai nắm giữ, về giá nhà ở, thì các nhà phát triển phải chiết khấu từ 5% đến 12% cho người mua là người Mã Lai và có khi hạn ngạch còn được quy định là phải 30%.
Ở các công ty mặc dù không phải là người Mã Lai, các vị trí cấp cao phải là do người Malaysia nắm giữ. Mặc dù hệ thống này đã thể hiện rõ việc bất bình đẳng sắc tộc, nhưng lại không bị đặt câu hỏi công khai vì nó sẽ bị coi là một cuộc tấn công vào quyền của người Mã Lai. Kết quả của chính sách này là đến những năm 1990, người Mã Lai đã nắm giữ 19,3% tổng tài sản so với 2,4% trong những năm 1969.
Quy định về sắc tộc trong Hiến pháp Malaysia
Sau khi chính sách kinh tế mới được thông qua, Hiến pháp Malaysia cũng có những quy định về sắc tộc gây tranh cãi. Cụ thể, theo điều 160 của Hiến pháp Liên bang, nếu bạn được chính thức xác định là người Mã Lai, mặc nhiên bạn là người tuyên xưng tôn giáo là Hồi giáo, thường nói tiếng Mã Lai và tuân theo phong tục của Mã Lai. Do đó, về mặt pháp lý, một người Mã Lai gốc Malaysia không thể từ bỏ đạo Hồi hoặc cải tạo ra khỏi đạo Hồi. Luật cũng cấm bất kỳ các dân tộc khác, bao gồm cả người Hoa và người Ấn, theo đạo Hồi. Vì vậy, ai là người Mã Lai có nghĩa là người đó cũng là người Hồi Giáo.
Điều 3 của Hiến pháp Liên bang quy định rằng: Hồi Giáo là tôn giáo của tất cả Liên bang, nhưng các tôn giáo khác có thể được thực hành một cách an toàn và hòa bình ở tất cả các vùng của Liên bang. Cách diễn đạt đã khiến tất cả những người trong giới chính trị Malaysia, bao gồm các chính trị gia người Mã Lai, bộ máy hành chính và các đảng phái chính trị hiểu cho rằng Hồi Giáo là tôn giáo chính thức của Malaysia, dù Malaysia về tư cách là một quốc gia Hồi giáo, đã bị nhiều học giả pháp lý tranh cãi. Trên thực tế, cơ sở của người Mã Lai điều hành nhà nước như thể Hồi Giáo là tôn giáo chính thức. Do đó, không giống như nhiều quốc gia khác, bản sắc chính trị của cộng đồng Mã Lai phải bao gồm Hồi Giáo. Điều này đã để lại rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là việc giải quyết vấn đề bất bình đẳng giữa các dân tộc trong đó có người Hoa.
Sự phân biệt chủng tộc ở Malaysia
Vào những năm 2000, Đạo Hồi trở thành công cụ chính trị ở Malaysia. Điều này có tác động lớn đến vấn đề phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng người Hoa. Sự trỗi dậy của bản sắc Hồi giáo Malaysia gắn liền với sự trỗi dậy của Hồi giáo chính trị. Chính điều này đã thúc đẩy sự phân biệt chủng tộc đối với những người không theo đạo Hồi. Những người không theo đạo Hồi theo luật thì sẽ không phải là công dân Malaysia, và điều này sẽ hạn chế một số quyền và lợi ích của người Hoa. Để có thể tham gia vào các hoạt động bầu cử, họ buộc phải miễn cưỡng chuyển sang đạo Hồi. Ngoài tôn giáo, thái độ phân biệt đối với người Hoa còn được củng cố rõ ràng trong lĩnh vực chính trị. Chính trị Malaysia và các đảng phái chính trị được vận động theo đường lối chủng tộc. Những đảng nào tìm kiếm sự ủng hộ từ cử tri Mã Lai cũng sẽ chấp nhận bản sắc Hồi giáo.
Thái độ chống người Hoa đương thời được minh họa rõ nhất thông qua tình hình chính trị gần đây. Năm 2018, Malaysia trải qua lần thay đổi chế độ đầu tiên khi Liên minh Hi Vọng giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14. Liên minh Hi Vọng bao gồm 4 đảng.
Lần lượt là Đảng Đoàn kết Bản địa Malaysia, Đảng Hành động Dân chủ, Đảng Công lý Nhân dân và Đảng Tín nhiệm Quốc gia. Trong số này, Đảng Đoàn kết Bản địa Malaysia và Đảng Công lý Nhân dân là các đảng theo chủ nghĩa dân tộc Mã Lai – Hồi giáo. Nhiều người Malaysia hy vọng rằng sự thay đổi chế độ sẽ đưa đất nước vào con đường dẫn đến chính trị ít phân biệt chủng tộc hơn. Nhưng chưa đầy 2 năm, Chính phủ Liên minh Hy vọng đã tan rã khi Đảng Đoàn kết Bản địa Malaysia bất ngờ rút khỏi Chính phủ và thành lập một liên minh mới. Nguyên nhân chính của sự chia rẽ Chính phủ là do áp lực chính trị của người Mã Lai. Bởi sau khi thất bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 2018, Tổ chức Dân tộc Malaysia Thống nhất đã thành lập một hiệp ước chính trị chống lại Chính phủ Liên minh Hy vọng. Họ cho rằng, người Hoa đã kiểm soát Chính quyền và Chính phủ Hồi giáo Malaysia đang bị đe dọa.
Các ví dụ được sử dụng để chống lại Chính quyền Liên minh Hy vọng là việc lãnh đạo của Liên minh đã bổ nhiệm một người gốc Hoa làm Bộ trưởng Bộ Tài chính và một người theo đạo Cơ Đốc làm Chánh án. Phía Tổ chức Dân tộc Malaysia Thống nhất đã cho rằng Liên minh Hy vọng có người Hoa làm ở vị trí cấp cao sẽ trực tiếp dẫn đến việc Đảng Đoàn kết Bản địa Malaysia mất sự ủng hộ của người Mã Lai trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Do đó, tốt hơn là lên từ bỏ các đồng minh không phải là người Mã Lai.
Vào tháng 3/2020, Đảng Đoàn kết Bản địa Malaysia đã thành lập một Chính phủ mới và một liên minh cầm quyền mới đã ra đời. Đó là Liên minh Quốc gia và các cuộc tấn công chính trị từ cộng đồng Mã Lai đối với người Hoa ngay lập tức chấm dứt. Lý do cho điều này rất đơn giản: Liên minh Quốc gia chỉ bao gồm ba đảng là Đảng Đoàn kết Bản địa Malaysia, Tổ chức Dân tộc Malaysia Thống nhất và Đảng Hồi giáo Malaysia. Tất cả đều là người Mã Lai – Hồi giáo. Liên minh quy định: Nếu không phải là người Mã Lai, tức là người Hoa và người Ấn, sẽ không bao giờ được phép nắm giữ quyền lực chính trị thực sự trong nước, mà chỉ có thể nắm giữ các chức vụ nhỏ trong bộ máy Chính quyền địa phương.
Tình hình người Hoa ở Malaysia hiện nay
Nhiều người Hoa ở Malaysia vẫn hy vọng rằng sự phân biệt mà chính phủ đối với họ sẽ giảm bớt trong thời gian tới khi nhân khẩu của đất nước đã bắt đầu có sự thay đổi. Vào thời điểm độc lập, người Hoa chiếm hơn 1/3 dân số Malaysia. Nhưng theo các cuộc điều tra gần đây nhất vào năm 2020, tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 23,2%, tức là khoảng 7,7 triệu người, tương lai sẽ còn tiếp tục giảm. Nguyên nhân là do tỷ lệ người Hoa nhập cư đã giảm mạnh và tỷ lệ sinh cũng thấp hơn tỷ lệ tử. Đa số gia đình người Hoa ở Malaysia chấp nhận suy nghĩ its con hơn hoặc không sinh con, vì họ biết nhà nước sẽ không hỗ trợ gì. Điều này có phần trái ngược với gia đình người Mã Lai khi họ có thể tiếp cận những điều cơ bản như giáo dục, đại học, công việc trong cơ quan dân sự và các quyền lợi khác một cách dễ dàng hơn nhiều.
Nhưng vẫn còn một bộ phận thiểu số những người Hoa giàu có và nắm giữ trong tay phần nào đó quyền lực kinh tế của Malaysia. Năm 2019, trong số 13 tỷ phú Malaysia có 11 người là người gốc Hoa. Và với 23,2% dân số, nhưng người Hoa lại kiểm soát đến trên 70% nền kinh tế: sở hữu gần 70% các cơ sở tổ hợp kinh doanh, sở hữu 73% trong các ngành bất động sản, công thương nghiệp, 70% các khách sạn… Trên 90% người gốc Hoa sống ở các thành thị của Malaysia. Nếu so với người bản địa thì chênh lệch rất lớn. Tỷ phú Quách Hạc Niên (Robert Kuok) hiện là người gốc Hoa giàu nhất Malaysia. Theo thống kê của Forbes vào ngày 23/ 3/ 2021, ông sở hữu tài sản lên tới 11,3 tỷ đô la và cai quản Đế Chế bao trùm mọi thứ từ đường tinh luyện, bất động sản đến hệ thống khách sạn Shangri-La.
Cho đến ngày nay, người Hoa vẫn còn bị phân biệt vì những khác biệt về tôn giáo và lối sống. Như đã nói ở trên, người Mã Lai theo đạo Hồi hướng tới cuộc sống cộng đồng và tập trung vào gia đình. Họ không lười biếng nhưng thường cảm thấy đủ; Họ ít khi bước ra khỏi vùng an toàn nên không có nhiều bứt phá; họ thường hài lòng với cuộc sống hơn là người Hoa. Trong khi người Hoa không muốn bị bỏ lại phía sau nên luôn luôn tiến lên. Do truyền thống, nên người Hoa rất thích làm ăn, kinh doanh, buôn bán. Hiện nay, các cộng đồng người Hoa ở Malaysia vẫn khá giàu có.
T.P