Nhân kỷ niệm 7 năm ngày Tòa trọng tài Quốc tế ra phán quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với hầu khắp vùng biển Đông, Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành vi quấy rối thường xuyên tàu của các quốc gia liên quan khác trên vùng biển này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller khẳng định, phán quyết của Tòa là cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý, đồng thời thúc giục Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế. Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt hành vi cản trở quyền chủ quyền của các quốc gia trong việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, chấm dứt sự can thiệp vào quyền tự do hàng hải và hàng không của các quốc gia hoạt động hợp pháp trong khu vực.
Trung Quốc tiếp tục duy trì quan điểm không công nhận phán quyết hay bất kỳ hành động nào dựa trên phán quyết của Tòa. Nước này đã bác bỏ hàng trăm phản đối ngoại giao của các nước, như Philippines, Việt Nam. Malaysia về những hành động trong vùng biển tranh chấp.
Để kỷ niệm phán quyết trọng tài được nhiều quốc gia như Nhật Bản, Vương quốc Anh, Úc và Mỹ ủng hộ, Bộ Ngoại giao Philippines ra mắt trang web đăng thông tin chính thức về chiến thắng pháp lý của Manila trước Bắc Kinh. Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Theresa Lazaro phát biểu tại một diễn đàn về Biển Đông rằng: “Chúng tôi kiên quyết bác bỏ những nỗ lực cố tình làm giảm hoặc làm suy yếu hiệu lực pháp lý của phán quyết. Dựa trên luật pháp quốc tế, phán quyết là cuối cùng không còn có thể tranh cãi hay thỏa hiệp”.
Việt Nam tiếp tục nhất quán với chủ trương giải quyết tranh chấp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế. Ngày 15/07, người phát ngôn Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam nhân dịp 7 năm Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông đưa ra phán quyết cuối cùng.
Bà Hằng cho biết: “Chủ trương nhất quán của Việt Nam là các tranh chấp ở Biển Đông giữa các bên liên quan cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đóng góp cho hòa bình và hợp tác ở Biển Đông. Nhân dịp này, Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế và các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với UNCLOS”.
Vụ kiện Biển Đông được phía Philippines trình lên Tòa trọng tài thường trực (PCA) từ năm 2013, khi đó chính quyền Philippines do ông Benigno Aquino đứng đầu đã lập luận “đường chín đoạn” do Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và cần được tuyên bố là vô căn cứ. Sau 3 năm xem xét, ngày 12/07/2016, PCA ra phán quyết tuyên bố yêu sách “quyền lịch sử” và “đường chín đoạn” bao phủ 3,5 triệu km2 ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế. Phán quyết của PCA có giá trị pháp lý và mang tính ràng buộc nhưng không có cơ chế thi hành.
T.P