Cách nói trên được sử dụng khi Nga đang tìm cách tăng cường xuất khẩu hải sản sang Trung Quốc sau khi nước này cấm nhập khẩu hải sản của Nhật Bản vì việc xả nước phóng xạ đã qua xử lý xuống biển.
Thời điểm Nhật Bản xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima xuống Thái Bình Dương, nhiều người bỗng nhớ lại hình ảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ăn một con cá từ Fukushima vào ngày 2/12/2014 trước đông đảo người dân.
Hiển nhiên, không phải nhà lãnh đạo xứ Phù Tang thèm cá. Là người quyền lực nhất đất nước, đến cá …vàng, nếu cần ông cũng có nói gì cá biển. Vấn đề là bằng động thái “chén” cá ngon lành này, ông muốn truyền đi thông điệp về sự an toàn của hải sản Nhật Bản, kể cả hải sản khai thác trong khu vực Fukushima – nơi xảy ra thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân năm 2011.
Động thái của ông Abe còn được thuyết phục thêm bởi những thực nghiệm nghiêm ngặt tại chỗ khẳng định nguồn nước độc hại đã bị hạn chế trong một vịnh nhỏ tại Fukushima…
Sự kiện không phải ngẫu nhiên, mà nằm trong bối cảnh cụ thể. Bối cảnh đó là gì? Là việc nhiều nước, trong đó có hai đối tác thương mại lớn, cận kề Nhật Bản là Trung Quốc và Hàn Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm từ sữa, rau và hải sản từ ít nhất là năm tỉnh của Nhật Bản, kể từ khi xảy ra thảm họa Fukushima.
Là Thủ tướng, ông Abe muốn phê phán lệnh cấm theo ông là “vô lý”, không có cơ sở khoa học, tin theo “tin đồn” ác ý…, gây thiệt hại của Nhật Bản. Bên cạnh đó, động thái này còn đồng thời khẳng định Nhật Bản, trong tư cách một cường quốc công nghệ, tài chính, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế đã và đang làm tất cả để khắc phục triệt để thảm họa môi trường. Thế nên, không chỉ “chén” cá, trước đó, hằng ngày, ông Abe cũng “chén” đều đều cơm nấu bằng gạo trồng từ Fukushima.
Những tưởng chuyện “chén cá” trên sẽ dần trôi vào quên lãng cùng thời gian, thì bỗng tới ngày này quay trở lại, bên cạnh tình tiết cũ, là những tình tiết mới.
Cũ là chuyện vẫn liên quan Hàn Quốc, và nhất là Trung Quốc. Ngày 24/8, khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Hàn Quốc còn phản ứng có mức độ, nhưng Trung Quốc thì làm ầm lên. Bắc Kinh cảnh báo sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ môi trường biển và sức khỏe của người dân, đồng thời tăng cường giám sát mức độ phóng xạ trong vùng lãnh hải của mình vì sự việc này…”. Họ làm điều đó bất chấp những thề thốt, cam đoan, khẳng định của Công ty điện lực Tokyo (TEPCO), doanh nghiệp quốc doanh chịu trách nhiệm vận hành nhà máy Fukushima Daiichi, rằng: “Hoạt động này sẽ bị đình chỉ ngay lập tức nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong thiết bị xả thải hoặc mức độ pha loãng của nước thải đã qua xử lý…”; rằng; “Kế hoạch được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt cách đây 2 năm và được cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc IAEA cho phép…”.
Nói là làm, cùng ngày 24/8, Trung Quốc cấm hoàn toàn nhập khẩu thuỷ sản Nhật Bản.
Cho dù nhìn nhận lệnh cấm của Bắc Kinh dưới góc độ nào, chính trị hay thương mai, thì nó này vẫn gây thiệt hại lớn cho ngành hải sản Nhật Bản, bởi Trung Quốc là một trong những quốc gia tiêu thụ hải sản nhiều nhất thế giới. Lệnh cấm cũng đồng thời, làm phức tạp thêm quan hệ giữa hai nước vốn đã có nhiều căng thẳng thương mại, địa – chính trị và lịch sử.
Thương trường vẫn thế, khó khăn của người nay thành cơ hội cho người kia. Trong lúc Nhật Bản đang bối rối, thì “Gấu” Nga nhìn ngay ra thời cơ.
Tất nhiên, sự nhạy bén này có cơ sở của nó. Cơ sở đó là vài năm gần đây, nhất là sau 17 tháng nổ ra cuộc chiến Ukraine, Nga – Trung bỗng “thành thân”.Thân tới mức có người ví như “đôi bạn cùng chiến tuyến” do có cùng đối thủ Mỹ.
Trước đó Nga cũng từng là một trong những nhà cung cấp hải sản lớn nhất cho Trung Quốc với gần 1000 công ty xuất khẩu mặt hàng này. Dù vậy, là một quốc gia biển, tiềm năng xuất khẩu của Nga vẫn còn… mênh mông như đại dương. Theo tính toán, xuất khẩu hải sản của Nga có thể vượt xa con số 2,3 triệu tấn, trị giá khoảng 6,1 tỷ USD năm 2022. Thế nên, một khi nguồn hải sản từ Nhật Bản bị ách lại, cơ hội chẳng đã không mở ra cho các công ty xuất khẩu hải sản Nga là gì?
Rộng cửa thêm cho hải sản Nga, đó cũng là một cách thể hiện sinh động hơn nữa quan hệ hợp tác, thậm chí là sự tin cậy chính trị giữa hai cường quốc láng giềng đã qua rồi thời hục hặc với nhau hay sao?
Nói một cách ví von, vấn đề phóng xạ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, thời điểm này lại có thể trở thành chất “xúc tác” thương mại hai cường quốc Nga và Trung Quốc.
T.V