(BĐN) – Ngày 7 và 8/1, Báo Hoàn Cầu đưa tin ông Mã Khắc Thanh, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines tiếp xúc với tờ báo Inquire của Philippines và nói Trung Quốc và Philippines cần “gác tranh chấp, cùng khai thác ở Nam Hải”.
Báo Hoàn Cầu nói “Chính phủ Philippines lạnh nhạt với đề xuất này” và trích nhận xét của Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Dương thuộc Đại học Hạ Môn (Trung Quốc) rằng “chủ trương gác tranh chấp, cùng khai thác được Đặng Tiểu Bình đưa ra, Trung Quốc luôn tiếp tục chủ trương này, nhưng không nhận được sự hưởng ứng của các nước xung quanh”.
Đã rất nhiều lần, Trung Quốc quảng cáo cho chủ trương này ở các diễn đàn trong nước và quốc tế. Theo họ, đó là thang thuốc đặc trị cho vấn đề Biển Đông. Vậy thì tại sao các nước ASEAN lạnh nhạt không hưởng ứng đề xuất của Trung Quốc?
1. Thực tiễn gác tranh chấp, cùng khai thác
Theo Điều 56,57,76 và 77 Công ước UNCLOS các quốc gia ven biển có vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa rộng tối thiểu cũng 200 hải lý (có thể tối đa 350 hải lý nhưng phải được Uỷ ban Thềm lục địa của Liên Hợp quốc công nhận). Khi áp dụng quy định đó vào từng khu vực biển cụ thể thì xảy ra hiện tượng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của các nước chồng lấn lên nhau. Ví dụ ở vịnh Bắc Bộ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và Trung Quốc chồng lên nhau. Ở vịnh Thái Lan, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của 4 nước Việt Nam, Cambodia, Thái Lan và Malaysia chồng lấn nhau rất phức tạp. Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Cambodia chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Thái Lan ở phía Tây, của Malaysia ở phía Nam và của Việt Nam ở phía Đông. Còn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Malaysia lại chồng lấn với Thái Lan, Cambodia và Việt Nam. Nhìn vào Biển Đông Hải sẽ thấy được vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Nhật Bản, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên.
Ảnh minh họa: Internet.
Khi có sự chồng lấn như vậy sẽ xảy ra tranh chấp giữa các quốc gia liên quan. Để xử lý những tranh chấp đó, Điều 74 và 83 Công ước UNCLOS quy định các nước có bờ biển tiếp liền hay đối diện tranh chấp về các vùng biển chồng lấn phải hoạch định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Cách thức hoạch định là qua con đường thoả thuận theo đúng luật pháp quốc tế như đã nêu ở Điều 38 của Quy chế Toà án quốc tế nhằm đạt được giải pháp công bằng. Nếu không đạt được thoả thuận trong một thời gian hợp lý thì họ phải sử dụng các thủ tục nêu ở phần XV của UNCLOS (đưa ra cơ chế hoà giải, đưa ra Toà án quốc tế về Luật Biển, đưa ra Toà án Lahay, đưa ra Toà Trọng tài). Trong khi chưa đạt được thoả thuận các bên liên quan có thể có dàn xếp tạm thời và các dàn xếp này sẽ không ảnh hưởng đến việc hoạch định cuối cùng.
Câu chuyện như vậy hết sức rõ ràng: UNCLOS có quy định về khả năng các nước có bờ biển tiếp liền hay đối diện có các dàn xếp tạm thời khi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ chồng lấn. Điều kiện tiên quyết theo UNCLOS là phải có sự chồng lấn giữa thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các nước liên quan. Thực tiễn quốc tế cũng có rất nhiều trường hợp dàn xếp tạm thời theo Điều 77 và Điều 83 của UNCLOS. Trung Quốc và Nhật Bản có thoả thuận về khai thác chung ở khu vực mà vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hai nước chồng lấn lên nhau. Thoả thuận này hai nước ký vào năm 2008, nhưng cho đến nay không có tiến triển. Năm 1979 Malaysia và Thái Lan ký thoả thuận về khai thác chung ở vùng thềm lục địa chồng lấn trong vịnh Thái Lan. Theo thoả thuận hai nước hợp tác khai thác trong khu vực 7250km2 với thời hạn 50 năm. Năm 1992 Việt Nam và Malaysia ký kết thoả thuận về khai thác chung ở vùng thềm lục địa chồng lấn trong vịnh Thái Lan. Thông tin cho biết hai thoả thuận này đang thực hiện bình thường.
2. Đề nghị của Trung Quốc “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở Biển Đông là vô lý
Bản thân đề nghị của ông Đặng Tiểu Bình “gác tranh chấp, cùng khai thác” không phải sai hoàn toàn. Chủ trương đó áp dụng vào các vùng biển ở Biển Hoa Đông là hợp lý vì ở đó thực sự tồn tại sự chồng lấn giữa vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc. Chủ trương đó đã hiện thực hoá trong thoả thuận giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Trung Quốc kêu gọi các nước ASEAN có liên quan áp dụng chủ trương gác tranh chấp, cùng khai thác vào Biển Đông. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và NFN Bộ Ngoại giao Trung Quốc luôn luôn nêu chủ trương đó. Họ trách các nước ASEAN cố chấp, từ chối một chủ trương hoà bình và cao đẹp của Trung Quốc. Còn địa điểm cụ thể ở Biển Đông? Tại Hội thảo ở Hải Nam mấy tháng trước đây, Trung Quốc đề nghị Trung Quốc và Việt Nam gác tranh chấp cùng khai thác ở bãi ngầm Tư Chính trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý, còn ông Đại sứ Mã Khắc Thanh đề xuất Trung Quốc và Philippines “cùng khai thác” ở khu vực bãi Cỏ Rong thuộc phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Philippine. Các đề nghị đó của Trung Quốc hết sức, không có cơ sở. Các khu vực mà Trung Quốc không phải là khu vực tranh chấp thì làm sao có thể nói đến việc gác tranh chấp đẻ cùng khai thác. Khu vực bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc thềm lục địa của Việt Nam. Ở đó không có sự chồng lấn với thềm lục địa của Trung Quốc. Do đó Việt Nam không thể nào chấp nhận được. Tương tự, khu vực bãi Cỏ Rong nằm trong thềm lục địa 200 hải lý của Philippine. Ở đó không có sự chồng lấn với thềm lục địa Trung Quốc, nên Philippine không thể nào chấp nhận được. Thử hỏi, nếu Việt Nam hoặc Philippines đề nghị Trung Quốc cùng khai thác ở ngoài bờ biển Quảng Đông thì Trung Quốc có đồng ý không? Chắc chắn Trung Quốc sẽ giãy nảy lên, cho rằng Việt Nam và Phillippines là điên rồ, không tưởng.
Tại một Hội thảo về Biển Đông tổ chức tại Singapore vào năm 2009, ông Hasim Jalan Đại sứ lưu động của Indonesia nêu rõ các nước ở khu vực Đông Nam Á đã thoả thuận nhiều về vấn đề này trong khuôn khổ Hội thảo không chính thức tại Jakarta. Ngay từ những năm 1992 -1993 chuyên gia của các nước đã cùng chuyên gia Trung Quốc, Đài Loan thoả thuận ý tưởng của Trung Quốc nhưng không có kết quả. Chuyên gia Trung Quốc chỉ khu vực thềm lục địa Việt Nam, Philippine, Indonesia, Malaysia và Brunei, chuyên gia các nước này bác bỏ đề nghị phi lý của Trung Quốc. Tại Hội nghị quốc tế về Biển Đông tại Washington DC vào tháng 6/2011 (ngay sau vụ Trung Quốc cắt cáp của tàu thăm dò Việt Nam trong thềm lục địa Việt Nam), ông Đại sứ Indonesia tại Mỹ cũng tiếp tục thông tin cho Hội nghị tình hình thảo luận ý tưởng này ở khu vực.
Từ năm 2009, Trung Quốc đưa yêu sách đường 9 đoạn và cho rằng đó là các vùng biển của Trung Quốc. Trung Quốc lý giải trong phạm vi đường 9 đoạn của Trung Quốc các nước liên quan nêu là vùng biển của họ, cho nên dẫn đến tranh chấp. Các nước ASEAN và các nước khác đều chỉ rõ yêu sách đó trái với UNCLOS, nên không thể nói chuyện ở đó có tranh chấp. Đã không có tranh chấp thì không thể bàn đến việc gác tranh chấp, cùng khai thác. Giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay có tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vậy ở khu vực đó liệu Trung Quốc có đồng ý gác tranh chấp về chủ quyền để cùng khai thác ở đó không?
Tóm lại, Việt Nam, Philippines và các nước ASEAN khác không hề bác lại khả năng cùng khai thác ở những nơi thực sự có tranh chấp, có sự chồng lấn giữa vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước liên quan. Minh chứng là các thoả thuận cùng khai thác giữa Việt Nam và Malaysia và giữa Malaysia và Thái Lan. Các nước ASEAN lạnh nhạt, không hưởng ứng đề xuất của Trung Quốc “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở Biển Đông là vì đề xuất đó đem thềm lục địa của các nước ASEAN cho Trung Quốc cùng khai thác, biến thềm lục địa của các nước ASEAN thành vùng biển tranh chấp.