Công nghệ điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo và phương tiện tự hành chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động mua bán quân sự của cả Mỹ và Trung Quốc trong những năm gần đây.
Hãng tin Sina cho hay, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang đẩy mạnh nghiên cứu cách tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào quân đội. Đây được xem là một phần quan trọng trong cuộc đua toàn cầu nhằm giành quyền thống trị mảng công nghệ đang phát triển nhanh chóng này.
Theo đó, các công nghệ quân sự được hai bên ưu tiên bao gồm vũ khí có thể tự động tìm kiếm tấn công mục tiêu mà không cần sự trợ giúp của con người, cùng với đó là các công cụ AI có khả năng xác định mục tiêu từ hình ảnh vệ tinh.
Trong một cuộc thử nghiệm gần đây do Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc thực hiện, hàng chục máy bay không người lái (UAV) đã cùng nhau vượt qua các tín hiệu gây nhiễu thử nghiệm. Sau đó, không cần sự trợ giúp của người điều khiển, “bầy đàn” UAV đã tự động phát hiện và tiêu diệt mục tiêu bằng đạn tuần kích.
Hồi tháng 4, Mỹ đã tổ chức một cuộc tập trận chung với Anh và Australia, sử dụng các UAV kết hợp công nghệ AI để theo dõi và mô phỏng các cuộc tấn công nhằm vào các phương tiện mặt đất như xe tăng, pháo tự hành và xe bọc thép. Các bên tham gia cho biết, trong cuộc tập trận, họ đã truyền thông tin cập nhật tới chương trình nhắm mục tiêu tự động, để huấn luyện các UAV đang bay.
Đầu năm nay, Cơ quan Chỉ đạo Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (ARPA), cơ quan điều phối nghiên cứu công nghệ mới nổi cho quân đội Mỹ, đã đưa ra các một dự án có thể kết hợp các nhóm UAV được dẫn đường bằng AI trên không, trên bộ và trên biển.
Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi (CSET) tại Đại học Georgetown ở Washington, gần đây đã tiến hành một nghiên cứu về hàng trăm hồ sơ mua lại quân sự liên quan đến AI. Kết quả phát hiện trong năm 2020, khoảng một phần ba trong số tất cả các hợp đồng Mỹ – Trung đã biết liên quan đến AI và phương tiện tự hành. Cả hai hạng mục này đều đều chiếm tỷ trọng lớn trong các hợp đồng mua sắm quân sự của cả hai nước.
Ukraine đã sử dụng UAV với một số quyền tự chủ để chống lại các cuộc tấn công của Nga, cung cấp một trong những cơ sở thử nghiệm thực tế đầu tiên cho công nghệ UAV điều khiển bằng AI.
Margarita Konayev, Phó giám đốc CSET, cho biết: “Quân đội Mỹ đã học được rất nhiều điều từ cuộc xung đột ở Ukraine về giá trị của những công nghệ quân sự trên chiến trường”.
Ông Konayev cho biết thêm, các công cụ AI dành cho tình báo, giám sát và trinh sát chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong các hợp đồng mua sắm quân sự của Mỹ và Trung Quốc, trong đó bao gồm công nghệ phân tích hình ảnh vệ tinh bằng kỹ thuật AI cho các mục tiêu ẩn náu. Nghiên cứu ước tính rằng Mỹ và Trung Quốc mỗi nước đang chi hàng tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển AI quân sự.
Hiện, nhiều loại vũ khí tự hành vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Nghiên cứu về xe tự lái đã có từ nhiều thập kỷ trước và dù được kỳ vọng rất cao nhưng vẫn có rất nhiều dự án không thành công.
“Đó là một con đường dài và phức tạp từ đổi mới đến áp dụng và sử dụng hàng loạt”, Phó giám đốc CSET nhận định.
Tuy nhiên, những đột phá gần đây về AI đã làm sống lại kỳ vọng về các ứng dụng quân sự. Dù vậy, viễn cảnh về vũ khí điều khiển bằng AI cũng làm dấy lên lo ngại về sự leo thang bất ngờ trong căng thẳng quân sự.
Vào tháng 2, Hà Lan đã tổ chức một hội nghị gồm 50 quốc gia để thảo luận về việc sử dụng có trách nhiệm các công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quân đội. Những bên tham gia đã kết thúc cuộc họp với một bộ nguyên tắc không ràng buộc, bao gồm “tầm quan trọng của việc đảm bảo các biện pháp bảo vệ thích hợp và sự giám sát của con người đối với việc sử dụng hệ thống AI”.