Vậy là cái “lưỡi bò” liếm gần trọn Biển Đông lại dài thêm một chút. Không phải là 9 đoạn nữa mà nay nó được cộng thêm 1, tức là “Đường 10 đoạn”.
Câu chuyện hoang đường vừa xảy ra hôm 28/8 vừa rồi. Tác giả chuyện này là Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc. Bộ này ngang nhiên công bố cái gọi là “bản đồ tiêu chuẩn năm 2023”, trong đó bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, cũng như thể hiện yêu sách đường đứt đoạn (gồm 10 đoạn).
Nói là hoang đường là bởi vì, vào tháng 7/2016, Tòa Trọng tài quốc tế Liên hợp quốc tại Lahaye đã phán quyết: Đường 9 đoạn của Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông là vô lý, bất chấp lịch sử, luật pháp quốc tế. Bảy năm đã trôi qua, Bắc Kinh không những không chấp hành phán quyết mà còn tiếp tục có những hành động leo thang mới, gây căng thẳng trên Biển Đông.
Và cái “lưỡi bò” dài thêm ra lần này là một bảo chứng cho sự cù nhầy ấy của họ. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Malaysia thì, vùng đặc quyền kinh tế của nước này tại khu vực bang Sabah và Sarawak cũng nằm trong đường đứt đoạn, lần này không còn là 9 đoạn mà là 10 đoạn, vì nó bao gồm một đoạn có cả Đài Loan.
Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan Jeff Liu thì không nói trực tiếp về cái đoạn thứ 10 đó, mà nói một cách tổng thể: “Đài Loan hoàn toàn không phải là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Theo bản đồ lần này, Đường 10 đoạn của Trung Quốc chạy sâu xuống đến 1.500km, từ khu vực phía nam đảo Hải Nam của Trung Quốc ăn vào các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia. Như vậy ít nhất có 5 nước và một “bên” (Đài Loan) bị Bắc Kinh ngang nhiên lấn lướt, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế.
Còn đối với Ấn Độ, bản đồ vừa được Bắc Kinh công bố là hết sức trắng trợn, khiến New Deli giận dữ, bởi nó đưa ra các tuyên bố chủ quyền đối với những vùng đang xảy ra tranh chấp trên dãy Himalaya.
Sau ba ngày công bố về cái “lưỡi bò” được nối dài, đã có Ấn Độ, Philippines, Malaysia, Việt Nam, Đài Loan lên tiếng phản đối. Riêng Indonesia thường có phản ứng chậm chạp hơn.
Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố: “Nỗ lực mới nhất nhằm hợp pháp hóa các đòi hỏi của Trung Quốc về chủ quyền và quyền tài phán đối với các thực thể và các vùng biển của Philippines là không có căn cứ theo luật quốc tế”. Bộ Ngoại giao Malaysia: “Bản đồ mới của Trung Quốc không có giá trị ràng buộc gì với Malaysia”. Bộ Ngoại giao Việt Nam: “Yêu sách chủ quyền và yêu sách biển dựa trên đường đứt đoạn như thể hiện trong bản đồ nói trên là vô giá trị, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”.
Quý vị đều biết rõ rằng, Biển Đông là vùng biển có đường hàng hải quốc tế quan trọng, với lượng hàng hóa trị giá chừng 3 nghìn tỷ đô la được vận chuyển qua lại mỗi năm. Muốn chiếm ngôi đứng đầu thế giới, Trung Quốc dứt khoát phải chiếm được Biển Đông. Vì vậy trong phiên bản mới nhất có phần diện tích địa lý chung rộng lớn hơn, và “đường 10 đoạn” bao gồm cả phần diện tích địa lý do Đài Loan đang kiểm soát, tương tự với bản đồ 1948 của Trung Quốc.
Mặc cho các quốc gia láng giềng phản đối, Bắc Kinh vẫn tổ chức rùm beng cho cái gọi là “Tuần lễ nhận thức chung về bản đồ quốc gia”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng: “ Bắc Kinh chưa từng nhập nhằng về vấn đề lãnh thổ của mình” (!).
Trong một cuộc họp báo thường kỳ, ông Uông tuyên bố: “Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Biển Hoa Nam (Biển Đông) luôn rõ ràng. Hằng năm, giới chức có thẩm quyền của Trung Quốc thường xuyên cập nhật và công bố các kiểu bản đồ chuẩn khác nhau”.
Ô hay, đã “chuẩn” sao còn “khác nhau”? Thật đúng là cái lý… cùn! Tâm không sáng thì trí tối. Thế nhưng kẻ trí tối lại khuyên người trí sáng là: “Các quốc gia phản đối việc Trung Quốc xác định những gì thuộc về lãnh thổ của mình trong phiên bản mới nhất bản đồ quốc gia, cần phải nhìn nhận tình hình một cách khách quan, lý trí”.
Trung Quốc xưa nay là thế. Họ chỉ nói chứ không đưa ra được một bằng chứng nào, dù là lịch sử hay pháp lý.
Lúc này, theo chúng tôi, không chỉ có các quốc gia liên quan – đang hình thành “hợp tác 5 bên” – mà Tòa Trọng tài quốc tế, Liên hợp quốc cần lên án mạnh mẽ hành động vi phạm pháp luật trắng trợn này của Trung Quốc, nhất là vi phạm Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOC-1982).
Một khi các quốc gia có tranh chấp xung đột không thể đàm phán, không thể thương lượng, không thể hòa giải, thì nhất định phải tìm đến một giải pháp pháp lý. Bởi lẽ trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, thượng tôn pháp luật là bổn phận và trách nhiệm của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Đường 9 đoạn đã bị vứt vào sọt rác lịch sử thì đương nhiên đường 10 đoạn càng vô giá trị.
H.Đ