Ngỡ mọi chuyện rồi sẽ dần lắng xuống theo thời gian cùng việc với sự trợ giúp của Mỹ, tiểu đội binh sĩ Philippines đồn trú trên con tàu cũ tại khu vực bãi Cỏ Mây đã nhận được đồ tiếp tế để không bị “bỏ đói”.
Vậy mà không. Vụ tàu hải cảnh Trung Quốc, ngày 5/8 đã “xịt vòi rồng” chặn đường tàu Philippines đến Bãi Cỏ Mây tiếp tế cho toán lính Philippines trên chiếc tàu cũ Sierra Madre, tới nay hóa ra vẫn còn là chuyện nóng bỏng.
Đấu khẩu là những gì Manila thường làm nhằm phản ứng lại những hành động ngang ngược của Bắc Kinh trên Biển Đông, như đâm húc tàu cá ngư dân; cho tàu dân quân biển trá hình tàu cá “trú bão” hàng tháng trời, giữa những ngày “gió mát trăng thanh” một cách đáng ngờ trong vùng biển Manila đang kiểm soát (như đá Ba Đầu); tự tiện ban hành lệnh cấm đánh bắt hải sản trong khu vực “đường 9 đoạn”…
Lần này cũng vậy, trước phát ngôn xóc óc từ phía Trung Quốc rằng, Trung Quốc có quyền làm như vậy (chặn đường tiếp tế); và: Philippines đã “thỏa thuận” với Trung Quốc về việc dọn sạch “đống sắt rỉ” trong khu vực bãi cạn Cỏ Mây, để trả lại cho Trung Quốc quyền quản lý khu vực này…, cùng với triệu đại sứ Trung Quốc tới trao công hàm phản đối, Manila còn đáp trả bằng khẩu chiến, nhưng với mức độ quyết liệt hơn nhiều. Đích thân tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã “gầm” lên: “Tôi không biết về bất kỳ sắp xếp hoặc thỏa thuận nào mà Philippines sẽ đưa tàu của họ ra khỏi lãnh thổ của mình, trong trường hợp này là tàu BRP Sierra Madre khỏi Bãi cạn Cỏ Mây… Nếu có tồn tại một thỏa thuận như vậy, tôi hủy bỏ thỏa thuận đó ngay bây giờ”…
Tới nước đó, rõ là căng thẳng lắm rồi.
Mà không thế sao được?
Nhắc lại chuyện cũ để thấy vì sao ông Marcos Jr nổi nóng. Cũng là để thấu hiểu mà chia sẻ với ông ta.
Tiếp tế nhu yếu phẩm cho mỗi nhúm lính đồn trú thực ra là chuyện nhỏ. Vậy mà năm nàoTrung Quốc cũng gây sự. Thậm chí, để tiểu đội lính đồn trú không bị bỏ đói, năm 2014, do đường biển bị Trung Quốc ngăn chặn, Philippines đã phải dùng đến đường hàng không để thả dù lương thực.
Những năm sau đó, gây hấn của Trung Quốc gia tăng với biện pháp “xịt vòi rồng” để ngăn cản, uy hiếp. Tới năm năm nay, chiêu “xịt vòi rồng” lại được áp dụng. Bằng cách làm này, mục tiêu của Trung Quốc là khiến Philippines mệt mỏi, nản lòng, đi đến từ bỏ việc đồn trú trên con tàu cũ.
Nhưng Manila vẫn còn rất thuộc bài học cay đắng mất quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough về tay Trung Quốc. Tới năm 2016, họ lại được tiếp thêm sức mạnh từ thắng lợi của vụ kiện đình đám Trung Quốc về Biển Đông tại Tòa trọng tài (PCA) thành lập theo Phụ lục VII Công ước LHQ về Luật biển. Thế nên, cho dù trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của tổng thống Duterte, Philippines có phần yếm thế với Trung Quốc, nhưng riêng việc bảo vệ quyền kiểm soát bãi Cỏ Mây, thì Philippines tỏ ra tỉnh táo và đối lại với Trung Quốc một cách …lỳ lợm, cứng rắng chẳng kém gì đối thủ. Bởi họ hiểu rằng, chỉ cần có chút biểu hiện buông xuôi, Trung Quốc cho quân nhảy vào chiếm quyền kiểm soát Cỏ Mây là cái chắc. Chính điều đó dẫn đến tình thế hai bên dền dứ, gờm nhau hết ngày này qua ngày khác, tháng năm này qua tháng năm khác…
Tàu chở dầu đổ bộ BRP Sierra Madre dài 100 m, được đóng năm 1944 để hải quân Mỹ sử dụng trong Thế Chiến II. Năm 1976, Philippines mua lại của Mỹ theo giá sắt vụn, sau đó cố ý đánh chìm tại bãi Cỏ Mây năm 1999, biến nó thành căn cứ đồn trú.
Xét về giá trị, đây đích thị là “đống sắt rỉ” không hơn không kém. Nhưng trong thực tế, “đống sắt rỉ” này được Philippines sử dụng đắc địa với ý nghĩa cực kỳ quan trọng: là “cột mốc” khẳng định chủ quyền của Philippines đối với bãi cạn Cỏ Mây trong bối cảnh nó đang là đối tượng nhòm ngó thèm thuồng của Trung Quốc.
Biết ý đồ của của “người bạn lớn”, Philippines thực hiện phương châm “một tấc không đi, một ly không rời”. Và, để cột mốc này có thể tồn tại lâu dài, từ năm 2015, Manila đã sử dụng các tàu đánh cá vỏ gỗ cùng những phương tiện nhỏ khác vượt qua lực lượng tuần duyên Trung Quốc để đưa xi măng, thép, dây cáp và các thiết bị hàn đến tàu BRP Sierra Madre để hàn, xì, gia cố; đồng thời, cải thiện điều kiện sống bên trong của căn cứ đồn trú lợi hại.
Sau gần 10 năm kể từ lần gia cố trên, lần này, Philippines, qua một cuộc họp báo chung với tư lệnh Quân Đội Romeo Brawner, phó đô đốc Alberto Carlos, chỉ huy Bộ Tư lệnh Miền Tây Philippines, đã khẳng định: “Tất cả các hành động nhằm kéo dài thời gian lưu trú của chúng tôi ở đó (tức là trên con tàu) đang được xem xét… một trong số đó là nâng cấp”.
Nâng cấp hiển nhiên là kéo dài tuổi thọ của con tàu cũ. Điều đó đồng nghĩa với việc Manila thách thức ý đồ của Trung Quốc. Hay nói cách khác, còn lâu mới có chuyện Philippines chịu “nhả” bãi cạn Cỏ Mây.
Cả hai cùng găng nhau tới mức quyết liệt. Kết cục sẽ là thế nào, chỉ tới lúc hạ hồi mới biết được.
T.V