Gần đây phong cách ngoại giao của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có những thay đổi mạnh mẽ. Sự không có mặt của Chủ tịch Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp diễn ra phải chăng là biểu hiện cụ thể của sự thay đổi ấy?
Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 9 và 10/9 tại Ấn Độ. Và ông Tập tuyên bố trước ngày Hội nghị diễn ra không lâu. Ông cử Thủ tướng Lý Cường đi thay.
Chúng tôi xin nhắc lại, G20 hay Nhóm 20 (Group of Twenty) là Diễn đàn quốc tế chính thức dành cho các nguyên thủ và thống đốc ngân hàng trung ương đến từ 19 nền kinh tế hàng đầu thế giới, cùng Liên minh châu Âu (EU). G20 được thành lập vào năm 1999, với mục đích nhằm thảo luận về những vấn đề kinh tế quan trọng, thúc đẩy các chính sách liên quan đến việc ổn định tình hình tài chính quốc tế cũng như định hướng phát triển cho nền kinh tế toàn cầu.
Vì vậy, với cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước, chỉ có Tập Cận Bình mới “đúng vai” tham dự Hội nghị này, giống như các lần trước ông đã có mặt. Bởi từ khi nhậm chức vào năm 2012, ông Tập Cận Bình chưa khi nào không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20.
Biết tin người đồng cấp Trung Quốc vắng mặt, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ sự không bằng lòng, cho rằng ông Tập né tránh. Hôm 3/9, nói với phóng viên tại Rehoboth Beach, bang Delaware, ông Biden khẳng định: “Tôi rất thất vọng, song sẽ tìm cách gặp ông ấy”.
Vì sao các hãng tin phương Tây cho rằng, việc cử ông Lý Cường tham dự họi nghị thượng đỉnh G20 chỉ là “bù nhìn”? Trang New York Times của Mỹ phân tích, bấy lâu ông Tập kiểm soát quyền lực rất chặt chẽ. Do đó nhất cử nhất động Thủ tướng Lý Cường phải nghe theo Thiên triều, không có quyền đưa ra các quyết định thực chất tại hội nghị.
Khi lãnh đạo bên ngoài cũng như lãnh đạo nội bộ phụ thuộc quá nhiều vào một người, thì dù người đó có quyền lực đến đâu thì cũng sẽ tạo ra một tình thế khá mong manh. Điều đó rất đúng với trường hợp Lý Cường.
Thế nhưng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh vẫn nói trơn tuột: “ Khi tham dự hội nghị này, Thủ tướng Lý Cường sẽ truyền đạt suy nghĩ và quan điểm của Trung Quốc về hợp tác G20, thúc đẩy G20 đoàn kết và hợp tác, đồng thời cùng nhau giải quyết các thách thức kinh tế và phát triển toàn cầu”.
Quý vị cùng nhớ lại, Trước khi Đại hội Đảng lần thứ 20 Đảng CS Trung Quốc khai mạc (10/2022) , ông Phó Hoa – người đứng đầu Hãng tin Tân Hoa xã – đã đưa ra cái gọi là lý thuyết “ba 1 phút”. Đó là “không chệch khỏi hàng ngũ Đảng dù chỉ 1 phút, không được chệch khỏi những chỉ đạo của Tổng bí thư Tập Cận Bình dù chỉ 1 phút, và không được biến mất khỏi tầm nhìn của Tổng bí thư Tập Cận Bình và Ban Chấp hành Trung ương Đảng dù chỉ 1 phút”.
Vậy thì Lý Cường làm sao có thể chệch, nhất là ở một Hội nghị quốc tế lớn vào hàng bậc nhất thế giới.
Được mệnh danh là nhà lý luận xuất sắc trong thời đại mới, Tập Cận Bình chỉ thích chỉ đường mà không thích dò đường, không thích dẫm lên dấu chân kẻ khác. Nhất là vào thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20, nền kinh tế Trung Quốc đang bước vào thời kỳ vô cùng khó khăn. Cuộc khủng hoảng bất động sản leo thang và tình trạng nợ xấu nghiêm trọng của các địa phương là một trong những thách thức lớn nhất đối với sự cai trị của ông Tập. Sự vắng mặt của ông có thể cho thấy, ông cần tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế cấp bách ở Bắc Kinh.
Sự né tránh của ông Tập cho thấy sự thiếu minh bạch trong hệ thống lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cách đây hai tháng, ông Tần Cương, Bộ trưởng ngoại giao đã bất ngờ bị miễn nhiệm mà không một lời giải thích.
Sự thiếu minh bạch ấy đã xâm lấn sang cả lĩnh vực ngoại giao. Việc Chủ tịch Tập Cận Bình không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 lần này cũng có thể chỉ là do tranh chấp ngoại giao với Ấn Độ. Cũng không ngoại trừ khả năng ông Tập muốn ủng hộ diễn đàn BRICS mới được mở rộng. Ông Tập cũng khó ăn nói khi gần đây Bắc Kinh lộ rõ tham vọng quân sự hòng độc chiếm Biển Đông, eo biển Đài Loan và lập trường của nước này về cuộc chiến Nga – Ukraina.
Theo một số nhà nghiên cứu nước ngoài, phong cách lãnh đạo của Tập Cận Bình ngày càng giống Mao Trạch Đông, thích “chỉ đường” hơn là “dò đá qua sông”, thích bàn các vấn đề vĩ mô hơn là tham gia vào chính trị đời thường. Càng đi sâu vào con đường này thì việc hoạch định chính sách sẽ càng gặp phải rủi ro, với những thách thức ngày càng tăng.
Vắng mặt ở Hội nghị thượng đỉnh G20 Ấn Độ lần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ xuất hiện trong một sự kiện quan trọng vào tháng 11 tới. Đó là Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC tại San Francisco. Thế nhưng, Nhà Trắng đã cấm Trưởng Đặc khu Hồng Công Lý Gia Siêu tham dự sự kiện này, dù còn hơn hai tháng nữa mới diễn ra sự kiện.
Không rõ Nhà Trắng có dùng “bài” này với Trung Quốc Đại lục?
Đấy là một câu hỏi mang tính giả định. Thực ra trong thời kỳ “kinh tế nóng, chính trị lạnh”, Nhà Trắng cũng như ông Biden chắc sẽ chẳng muốn làm điều gì thêm căng thẳng. Giữ cân bằng với các nước lớn như Trung Quốc, Nga là điều Mỹ thấy rõ hơn ai hết. Ông Joe Biden thường dùng cụm từ “tái khởi động nỗ lực cải thiện quan hệ” với các nước.
H.Đ