Trang Wealth DFM – nền tảng trực tuyến về tài chính hàng đầu của Pháp vừa có bài viết phân tích những lí do khiến Việt Nam trỗi dậy mạnh mẽ và mệnh danh là “Con hổ gầm” thế hệ mới bất chấp thế giới gặp khủng hoảng.
Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; tăng trưởng toàn cầu thấp, một số quốc gia, đối tác lớn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất, gia tăng hàng rào bảo hộ; xuất hiện rủi ro, thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu; nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn hán kéo dài, bão lũ, thiên tai đã làm ảnh hưởng nặng nề đến nhiều quốc gia. Mặc dù vậy, tình hình kinh tế của Việt Nam vẫn tiếp tục diễn biến theo xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái, cơ bản đạt được các mục tiêu tổng quát đề ra, tạo đà cho quý III và cả năm 2023.
Đến nay, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. 7 tháng đầu 2023, CPI bình quân tăng 3,12%; đầu tư nước ngoài tăng 4,5%; khách quốc tế đến Việt Nam tăng 6,9 lần; cán cân thương mại ước tính xuất siêu 15,23 tỷ USD… Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu gạo 7 tháng đạt 4,84 triệu tấn với kim ngạch 2,6 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo với trữ lượng và giá trị cao nhất thế giới.
Đáng chú ý, các hạn chế nghiêm ngặt về Covid-19 của Trung Quốc cùng với sự cạnh tranh công nghệ ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu trong vài năm trở lại đây. Việt Nam, với vị trí chiến lược đặc biệt tại Đông Nam Á, đã và đang trở nên ngày càng hấp dẫn đối với các tập đoàn quốc tế đang tìm cách di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
Điều này được thể hiện rõ trong số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cụ thể, tính đến 20/8/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đã đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,7 điểm phần trăm so với 7 tháng đầu năm nay. Đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm, hàng loạt các tập đoàn lớn như Apple, Samsung, Foxconn hay DELL đều đã di dời một phần hoặc chuyển toàn bộ chuỗi dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để hạn chế tối đa những rủi ro về mặt địa chính trị.
Theo các chuyên gia, một trong những thế mạnh chính của Việt Nam là lực lượng lao động trẻ có tay nghề và khả năng tiếp cận kỹ thuật số tương đối nhanh. Cùng với đó, nỗ lực chống tham nhũng mà Việt Nam thực hiện trong vài năm qua đã tạo dựng được niềm tin của nhà đầu tư. Việt Nam đã gặt hái thành quả nhờ môi trường kinh doanh tốt hơn và khả năng kết nối thị trường nhanh hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác ở Đông Nam Á.
Ngoài ra, việc điều hành linh hoạt các biến số quan trọng của chính sách kinh tế vĩ mô như lạm phát, GDP, cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối để chống lại các xu hướng bất lợi phát sinh từ sau đại dịch Covid 19 cũng đã góp phần quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Từ những kết quả tích cực trên, vào tháng 4/2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo trong năm 2023, Việt Nam sẽ vượt Singapore và Malaysia để vươn lên vị trí thứ 3 trong ASEAN. Tuy nhiên, với tốc độ tăng GDP như hiện nay, Việt Nam sẽ chẳng mấy chốc mà đứng ở vị trí đầu bảng về kinh tế thương mại tại Đông Nam Á trong những năm tới.
Còn theo WGSN (Công ty toàn cầu về dự báo xu hướng), Việt Nam sẽ sớm trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tin tưởng vào các nhãn hiệu và sản phẩm nội địa với 76% số người thích hàng hóa mang thương hiệu nội địa và “Made in Vietnam” hơn các thương hiệu nước ngoài.
Tương tự, với nhan đề “Triển vọng kinh tế Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ năm 2023: Phục hồi du lịch sau đại dịch”, báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 8,0% vào năm 2022, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân trên toàn cầu, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh ở mức 6,4% trong năm nay, nhờ động lực chính là đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, đặc biệt là ngành điện tử, máy móc và giày dép. Với tốc độ này, OECD nhận định Việt Nam tiếp tục dẫn đầu tốp 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, cũng như đứng đầu trong nhóm các nền kinh tế mới nổi châu Á (gồm các quốc gia ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ) trong năm 2023.
T.P