Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiỦy ban khoa học công nghệ mới thành lập của TQ sẽ...

Ủy ban khoa học công nghệ mới thành lập của TQ sẽ làm gì?

Sau khi Hoa Kỳ đưa ra một loạt chính sách kiểm soát chất bán dẫn và cấm đầu tư vào Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc đã bí mật thành lập một cơ quan kỹ thuật trọng yếu để chuẩn bị cho kế hoạch tiếp quản các ngành và chính sách nhạy cảm, đồng thời giữ im lặng về các tổ chức và chiến lược khoa học có liên quan.

Ảnh minh họa.

Hôm 4/9, tờ South China Morning Post đưa tin, Ủy ban Khoa học và Công nghệ Trung ương đã lặng lẽ ra đời trong quá trình cải cách thể chế năm nay.

Ít người biết về sự ra đời của ủy ban này cho đến khi cơ quan này tổ chức cuộc họp đầu tiên và được nói đến trong bản tin ngắn đăng trên trang web của Bộ Khoa học và Công nghệ hồi tháng 7.

Ủy ban này ra đời trong kế hoạch cải tổ sâu rộng một số cơ quan chính phủ và Đảng từ tháng 3, với trọng tâm là mở rộng quyền kiểm soát trực tiếp của Đảng đối với các chính sách ưu tiên.

Theo thông lệ của ĐCSTQ, trước đây bất cứ khi nào một tổ chức mới được ra mắt, các phương tiện truyền thông chính thống sẽ đưa tin rộng rãi. Tuy nhiên, cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Khoa học và Công nghệ trung ương không được đăng tải. Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết họ đã tổ chức một buổi nghiên cứu hôm 10/7 để thể hiện “tinh thần” của cuộc họp ủy ban.

Vẫn chưa biết ai là người đứng đầu uỷ ban và những ai tham dự cuộc họp. Thông tin về thời gian, địa điểm và nội dung cuộc họp cũng không được công bố.

Theo các nhà quan sát, thông tin xung quanh uỷ ban này được giữ bí mật cho thấy Bắc Kinh sẽ giữ im lặng về các chiến lược khoa học và công nghệ trong tương lai, trong bối cảnh căng thẳng địa – chính trị và công nghệ với Mỹ ngày càng gay gắt.

Các nhà quan sát chỉ ra rằng Bắc Kinh giữ bí mật này vì nhiều lý do, bao gồm lo ngại về áp lực chính sách từ Washington, hoạt động gián điệp và lo ngại về mối quan hệ tiềm ẩn giữa cơ quan này và quân đội Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Tạ Mậu Tùng (Xie Maosong) tại Viện Chiến lược đổi mới và phát triển Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh muốn tránh sự chú ý từ phương Tây trong nỗ lực thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, để giảm bớt sự can thiệp và trở ngại.

Theo các nhà phân tích, kế hoạch “Made in China 2025” được công bố năm 2015 nhằm mục đích đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về khả năng tự lực trong các lĩnh vực đổi mới chiến lược, đã gây nên sự kinh ngạc trên toàn thế giới, và đánh dấu sự khởi đầu của cuộc chiến công nghệ giữa Bắc Kinh và Washington.

Bắc Kinh sau đó đã rút lại những mục tiêu đã nêu ra để bảo đảm tuân thủ chuẩn mực quốc tế về chính sách công nghiệp, dù rất ít người tin rằng chính sách này không còn tồn tại.

Một người biết về việc phát triển chính sách khoa học cho biết ủy ban mới có thể giám sát cơ quan khoa học và công nghệ của quân đội Trung Quốc hoặc Ủy ban Khoa học và Công nghệ trực thuộc Quân ủy Trung ương.

Nhà khoa học chính trị Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin) tin rằng phong cách lãnh đạo tập trung cao độ này tương tự như những gì đã xảy ra ở Bắc Kinh vào những năm 1950, khi các nhà khoa học, đứng đầu là ông Nhiếp Vinh Trân (Nie Rongzhen/聂荣臻), lúc đó là giám đốc Ủy ban Khoa học và Công nghệ Nhà nước đang phát triển tên lửa, bom hạt nhân và vệ tinh nhân tạo.

Ông Trần Đạo Ngân nói: “Tình hình bây giờ cũng tương tự. Vì vậy, tổ chức này dự kiến ​​sẽ hoạt động với mức độ bí mật cao do cân nhắc đến an ninh quốc gia và sự an toàn cá nhân của các nhà khoa học”.

Ông Michael Frank – thành viên tại Trung tâm Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ tiên tiến thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức nghiên cứu ở Washington, cho biết Trung Quốc có thể khó đạt được mức độ bí mật cao.

Theo ông Frank, việc giữ bí mật biên bản các cuộc họp của ủy ban thì dễ, nhưng việc giữ bí mật hoạt động của các nhà nghiên cứu quốc gia, các phòng thí nghiệm, các trường đại học, các công ty và nhà đầu tư thì khó hơn nhiều.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc, ông Neil Thomas, cho biết: “Việc hoạch định chính sách thiếu minh bạch hơn của Bắc Kinh sẽ làm tăng thêm sự nghi ngờ của Hoa Kỳ về mục đích nghiên cứu do Trung Quốc tài trợ, và dẫn đến môi trường chính trị cho sự hợp tác khoa học vốn đang tồi tệ sẽ ngày càng tồi tệ hơn”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới