Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngTham vọng kiểm soát châu Á của quân đội TQ

Tham vọng kiểm soát châu Á của quân đội TQ

Dưới sự chỉ đạo của ông Tập, quân đội Trung Quốc dường như đang được tạo mọi điều kiện để mở rộng ảnh hưởng ra khắp châu Á.

Ngày 21/4, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin về sự kiện Chủ tịch Tập Cận Bình đi thăm Bộ chỉ huy tác chiến liên quân trong bộ quân phục dã chiến và nhấn mạnh rằng từ nay Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) được đặt dưới sự lãnh đạo của “Tổng tư lệnh” Tập, theo la Liberation.

Theo bình luận viên Arnaud Vaulerin, chưa bao giờ một nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc lại nắm trong tay nhiều quyền lực đến vậy: chủ tịch nước, tổng bí thư, chủ tịch Quân ủy Trung ương và tổng tư lệnh quân đội. Với các chức vụ này, ông Tập hoàn toàn có thể tiếp tục siết chặt sự lãnh đạo tuyệt đối của mình đối với lực lượng vũ trang đông nhất thế giới.

Trước đó, ông Tập đã giải thể 4 tổng cục quân đội phụ trách hậu cần, vũ khí, tuyển quân và chính trị mà ông cho là quá độc lập và không thể kiểm soát. Sau đó, các đơn vị này được tổ chức lại thành 15 cơ quan đặt dưới sự giám sát trực tiếp của Quân ủy Trung ương – cơ quan lãnh đạo cao nhất của quân đội mà ông Tập làm chủ tịch. Quân ủy Trung ương Trung Quốc từ nay sẽ giám sát toàn bộ các vấn đề chiến lược, quản lý nhân sự, thiết bị và chống tham nhũng của quân đội.

Tăng cường sức mạnh

Nhà nghiên cứu Shinji Yamaguchi của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Tokyo, Nhật Bản, nhận định rằng nếu như việc giải thể các tổng cục là một động thái mà ông Tập muốn thắt chặt kiểm soát, thì việc cơ cấu lại các quân khu và thành lập các chiến lược khu mới là nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu cho quân đội. 

Quân đội Trung Quốc hiện được chia làm nhiều nhánh có vai trò tương đương. Bên cạnh lục quân, hải quân và không quân, còn có sự hiện diện của các đơn vị tác chiến mạng và đặc biệt là lực lượng tên lửa, lực lượng được ông Tập giao nhiệm vụ phải là trung tâm của hoạt động răn đe chiến lược, bảo đảm an ninh quốc gia.

Bất chấp việc Bắc Kinh tuyên bố giảm ngân sách quốc phòng xuống còn 7,6% so với 10% năm 2015, quân đội nước này tiếp tục được gia tăng sức mạnh. Trong khi lục quân bị cắt giảm quy mô, hải quân và không quân nước này lại được chú trọng đầu tư và phát triển. Không quân Trung Quốc đã được trang bị các loại tiêm kích hiện đại hơn, chẳng hạn như máy bay J-10 sản xuất trong nước, cùng các phi cơ ném bom tầm xa.

Hải quân cũng đang trên đà củng cố năng lực tác chiến với các cuộc diễn tập dày đặc của ba hạm đội chính trong năm 2015. Bắc Kinh vào tháng 12/2015 loan báo đóng thêm chiếc tàu sân bay thứ hai, và dự kiến đóng thêm một chiếc nữa trong thời gian tới.

Theo một nhà ngoại giao quân sự châu Á giấu tên, không chỉ trên phương diện chính trị, ông Tập còn muốn chứng tỏ mình biết cách và có khả năng biến quân đội Trung Quốc thành một lực lượng mạnh và phản ứng nhanh để phục vụ các tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh.

Đối với ông Tập, quân đội phải cơ động hơn, sức mạnh phải được phân bố đều trên ba lực lượng chứ không tập trung quá nhiều vào lục quân (khoảng 73%) như thời gian qua.

tham-vong-kiem-soat-chau-a-cua-quan-doi-trung-quoc-1

Các hành động cải tạo, xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại. Ảnh: CSIS

Tham vọng lục địa hóa Biển Đông

Bình luận viên Arnaud Vaulerin nhận định rằng từ trước đến nay quân đội Trung Quốc được bố trí chủ yếu hướng về phía Nga và Mông Cổ để bảo vệ biên giới trên bộ. Tuy nhiên thời kỳ đó đã qua, ông Tập hiện cần một quân đội mạnh về khả năng phối hợp hải, lục, không quân.

Quân đội đó đang đẩy mạnh các nước cờ chiến lược trên Biển Đông bằng cách tăng cường bồi đắp phi pháp các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hoạt động này được các chuyên gia quốc tế gọi là kế hoạch “lục địa hóa” Biển Đông.

Với các hải cảng, đường băng, giàn radar cao tần, cùng sự hiện diện của các loại máy bay quân sự, Bắc Kinh đang đẩy mạnh quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo phi pháp này, bất chấp sự phản đối kịch liệt của các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia và cộng đồng quốc tế.

Theo chuyên gia Shinji Yamaguchi, tham vọng của ông Tập không chỉ dừng lại ở Biển Đông mà còn bao trùm cả khu vực châu Á.

Mong muốn tạo nên bước đại nhảy vọt về quân sự, ông Tập đã đưa ra một quyết định chiến lược nhằm hiện thực hóa giấc mơ Trung Hoa trước năm 2020 bằng một quân đội hùng mạnh. Theo đó, quân đội phải chuẩn bị chiến đấu và chiến thắng trước mọi đối thủ.

Ngoài ra, hồi tháng ba, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp tục bày tỏ quan điểm rằng Trung Quốc phải chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột quân sự toàn diện.

1.200 tên lửa tầm ngắn của nước này đang hướng về Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh đang ngày đêm muốn sáp nhập. Và Trung Quốc còn muốn vươn ra ngoài biên giới khi xây dựng một căn cứ hậu cần hải quân tại Djibouti, nơi có sự hiện diện của các căn cứ hải quân Mỹ và Nhật Bản.

tham-vong-kiem-soat-chau-a-cua-quan-doi-trung-quoc-2

Các hải cảng tàu quân sự Trung Quốc có thể đến tiếp tế hiện nay. Đồ họa: Newsbharati

Theo chuyên gia về Trung Quốc Jean-Pierre Cabestan, căn cứ Djibouti không chỉ để bảo vệ các công dân và công ty Trung Quốc ở châu Phi như những gì Bắc Kinh loan báo, mà còn dự trù trường hợp phải di tản công dân nước này khỏi các khu vực chiến sự. Điều đó có nghĩa Trung Quốc đã tính toán rất kỹ những biến động có thể xảy ra tại khu vực và thế giới.

“Trong vòng 10 năm, sức mạnh hải quân Trung Quốc đã tăng đáng kể bằng các khu trục hạm, chiến hạm kiểu mới. Số lượng tàu ngầm của nước này đã tăng từ 10 chiếc lên 45 chiếc. Một điều chưa từng thấy, thể hiện tham vọng của Bắc Kinh đã vượt ra khỏi khu vực Biển Đông”, Yamaguchi nhận xét.

RELATED ARTICLES

Tin mới