Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiQuan hệ Nga-Triều đã có thay đổi về sự tương hỗ

Quan hệ Nga-Triều đã có thay đổi về sự tương hỗ

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Triều Tiên thoát khỏi sự thống trị của phát xít Nhật nhưng đất nước bị chia làm hai miền Bắc – Nam. Những người cộng sản Triều Tiên dưới sự giúp đỡ của Liên Xô đã xây dựng nước Cộng hoà dân chủ nhân dân ở phía Bắc. Còn ở phía Nam chịu ảnh hưởng và sự giúp đỡ của Mỹ xây dựng quốc gia với tên gọi Hàn Quốc.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp Bộ trưởng Tài nguyên và Sinh thái Nga Alexander Kozlov khi đến Khasan ngày 12/9

Năm 1950 cuộc chiến nhằm thống nhất Nam-Bắc bùng nổ, Mỹ trực tiếp đưa quân và vũ khí can thiệp giúp Hàn Quốc, còn Liên Xô và Trung Quốc giúp Bắc Triều Tiên và hiệp định đình chiến được ký kết và có hiệu lực cho đến nay, nhưng cả hai đều trong trạng thái luôn chuẩn bị cho chiến tranh.

Triều Tiên xây dựng đất nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa dưới sự giúp đỡ mọi mặt của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Từ đào tạo nguồn nhân lực cho đến việc phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp quốc phòng đều do Liên Xô hỗ trợ. Cũng chính vì vậy mà toàn bộ nền công nghiệp quốc phòng của Triều Tiên đều chịu ảnh hưởng tương đồng với công nghiệp quốc phòng của Liên Xô trong đó có việc phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa. Có thể nói dù chất lượng chưa bằng Liên Xô nhưng vũ khí của Triều Tiên là tương thích với vũ khí của Liên Xô trước đây và của Nga hiện nay.

Sự phát triển vũ khí nhất là vũ khí hạt nhân của Triều Tiên luôn làm Mỹ lo ngại và tìm cách cản trở. Mỹ đã cấm vận Triều Tiên kéo dài nhiều thập kỷ nhưng dưới sự trợ giúp của Liên Xô và Trung Quốc, Triều Tiên vẫn liên tục phát triển vũ khí hạt nhân.

Liên Xô tan rã, nước Nga vì không muốn Mỹ và phương Tây gây khó khăn cho việc khôi phục kinh tế nên đồng thuận không để Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân uy hiếp trực tiếp đến Mỹ và đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản. Bản thân nước Nga cũng không muốn nước láng giềng có thế mạnh về vũ khí hạt nhân.

Vì Nga vẫn còn ảnh hưởng rất lớn đối với Triều Tiên nên Mỹ đã đề nghị Nga làm trung gian cho việc đối thoại hạt nhân Mỹ – Triều. Còn Triều Tiên cũng muốn tìm kiếm sự hỗ trợ của Nga trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, ngoại giao đến quân sự.

Năm 2019 hai nhà lãnh đạo, Putin và Kim Jong-un gặp nhau tại Vladivostok. Tại cuộc gặp này, Putin với tâm thế là người có ảnh hưởng nhằm thuyết phục Kim Jong-un tái khởi động các cuộc đàm phán với Mỹ về phi hạt nhân hoá, nhưng sau đó vẫn đề này vẫn dậm chân tại chỗ. Cũng vì thế quan hệ Nga – Triều không mấy mặn mà. Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.

Cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ và kéo dài đã làm cho quan hệ Nga – Triều có sự thay đổi. Nga tìm thấy ở Triều Tiên là đồng minh chống Mỹ và Triều Tiên có nguồn vũ khí, đạn dược tương đồng với vũ khí Nga và đang còn số lượng lớn.

Triều Tiên vẫn bị Mỹ cấm vận, gây nhiều khó khăn cho kinh tế cũng tìm thấy ở Nga một đồng mình chống Mỹ và mong muốn Nga trợ giúp về lương thực, khí đốt và công nghiệp quốc phòng. Hơn nữa, quan hệ Nga – Triều thắt chặt cũng sẽ tác động trực tiếp đến quan hệ Trung – Triều vốn có những vấn đề không mặn nồng trong thời gian gần đây và cũng làm cho Mỹ lo ngại.

Hai cuộc gặp của hai người đứng đầu Nga – Triều chỉ cách nhau 4 năm, nhưng tâm thế của hai bên đã có sự thay đổi.

H.L

RELATED ARTICLES

Tin mới