Chuyến thăm chính thức của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến vùng Viễn Đông (Nga) từ ngày 12-9 đã khiến dư luận bất ngờ với hai khác biệt dường như ‘chệch hướng’ so với những nhận định ban đầu của giới quan sát phương Tây.
Thứ nhất là sự khác biệt về lộ trình khi hướng đến sân bay vũ trụ Vostochny nằm cách địa điểm được dự đoán ban đầu là thành phố cảng Vladivostok đến 1.500km. Thứ hai là khác biệt về chương trình nghị sự khi cuộc gặp lần này vẫn tập trung vào kinh tế – thương mại nhiều hơn là các nội dung hợp tác quân sự mà dư luận phương Tây quan ngại.
Những khác biệt trên cho thấy dường như cả Nga và Triều Tiên đều đang hướng đến một cách tiếp cận toàn diện hơn nhằm đáp ứng những mục tiêu chiến lược có tính bền vững chứ không phải chỉ là vấn đề chiến sự ở Ukraine.
3 mục tiêu của Triều Tiên
Trước hết, Triều Tiên hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực kinh tế. Do nghị quyết năm 2017 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã cấm các nước thành viên sử dụng lao động nhập cư Triều Tiên, nên cho tới năm 2020, hầu như toàn bộ 40.000 lao động Triều Tiên đang làm việc tại Nga đã phải về nước.
Đến cuối năm 2022, Triều Tiên từng có kế hoạch gửi lao động sang các vùng lãnh thổ thuộc Cộng hòa nhân dân Donetsk do Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine ngay sau khi Triều Tiên quyết định mở cửa biên giới.
Dòng kiều hối của người Triều Tiên làm việc ở nước ngoài rất quan trọng khi nhiều năm nay quốc gia này đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong hơn hai thập niên. Động thái mở cửa biên giới của Triều Tiên được ghi nhận vào ngày 3-9 vừa qua càng cho thấy khả năng cao phía Nga sẽ đáp ứng nhu cầu tiếp nhận trở lại với lao động Triều Tiên sau kỳ thượng đỉnh lần này.
Mục tiêu thứ hai của Triều Tiên là tham gia mạng lưới hạ tầng kết nối Á – Âu của Nga. Mục tiêu này thực tế mang tính xuyên suốt thông qua chuỗi hoạt động “ngoại giao đường sắt” mà ông Kim Jong Un đã thực hiện trong các năm 2018 – 2019 đến Trung Quốc, Việt Nam và Nga.
Việc di chuyển bằng tàu hỏa không chỉ giúp đảm bảo an ninh mà còn cho thấy sự tương đồng về các tiêu chuẩn đường sắt giữa Triều Tiên với các nước láng giềng. Không chỉ vậy, tuyến đường ông Kim chọn lần này đi đến hai điểm dừng đều có tính kết nối rất lớn là ga Khasan (ngày 12-9) có sẵn kết nối đường sắt với cảng chiến lược Rason của Triều Tiên và sân bay vũ trụ Vostochny (ngày 13-9) nằm gần ga Ledyanaya thuộc tuyến đường sắt Xuyên Siberia của Nga kết nối từ Matxcơva đến Vladivostok dài khoảng 10.000km.
Việc phát triển các tuyến đường sắt kết nối Á – Âu được xem là trọng tâm chính của Nga tại Diễn đàn kinh tế phương Đông vừa bế mạc. Do đó các chỉ dấu “ngoại giao đường sắt” lần này của ông Kim cho thấy rõ khả năng tham gia của Triều Tiên vào định hướng mở rộng các hành lang vận tải đường sắt của Nga trên khắp lục địa Á – Âu.
Thứ nữa, không thể không nhắc tới mục tiêu khắc phục điểm yếu về công nghệ viễn thám của Triều Tiên. Đây là điều đã được ông Putin khẳng định chính thức khi cùng ông Kim tham quan tổ hợp phóng tên lửa vũ trụ Soyuz-2 tại sân bay vũ trụ Vostochny – cơ sở phóng vệ tinh nội địa quan trọng nhất của Nga.
Điều này đặc biệt cấp thiết khi Triều Tiên liên tục gặp vấn đề kỹ thuật trong việc đưa vệ tinh do thám quân sự đầu tiên vào quỹ đạo những tháng gần đây. Ngoài ra, ông Kim còn có kế hoạch đến thăm cơ sở sản xuất máy bay phản lực Komsomolsk-on-Amur của Nga.
Củng cố đại dự án kết nối Á – Âu
Cùng với việc mở rộng Hành lang vận tải quốc tế Bắc – Nam (INSTC) tới 13 quốc gia kết nối từ Ấn Độ Dương qua Tây Á đến Nga và Trung Á, có thể thấy rõ định hướng “kinh tế hóa” mà phía Nga đang kiện toàn nhằm dung hòa với đại kế hoạch kết nối Ấn Độ – Trung Đông – châu Âu vừa công bố tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 vừa qua.
Nga từng cho phép Trung Quốc đưa Vladivostok thành cảng biển trung chuyển thương mại nội địa của nước này (vào đầu tháng 6-2023). Thực tế điều này cũng nhằm gia tăng kết nối vận tải với các nền kinh tế còn lại thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) qua việc xây dựng tuyến đường vận chuyển giữa Khu vực trình diễn hợp tác thương mại và kinh tế địa phương Trung Quốc – SCO (SCODA) ở Thanh Đảo (Sơn Đông) từ năm 2019 và kết nối với Vladivostok từ 2022.
Sự tham gia của Triều Tiên vào mạng lưới đường sắt Xuyên Siberia như đã nói càng khiến các tuyến hành lang kết nối Á – Âu của Nga được mở rộng và lan tỏa.
T.P