Đến nay, đã 35 năm kể từ khi Trung Quốc đem quân thảm sát những người lính công binh không có vũ khí và cướp đảo Gạc Ma của Việt Nam. Sau 35 năm, bây giờ đảo Gạc Ma ra sao?
Đảo Gạc Ma, là một bãi san hô ngầm trông như một quả bơ khổng lồ. Người Việt Nam gọi là bãi Gạc Ma, còn người nước ngoài gọi tiếng Anh là Johnson Reef, còn người Trung Quốc thì gọi là Mabini Reef. Đây là rạn san hô ngầm, khi thủy triều lên thì chìm trong nước, khi thủy triều xuống thì có một hòn đá nổi lên mặt, rạn san hô này rộng 2,6 km và dài 4,4 km.
Đến nay Trung Quốc đã xây dựng một thành phố nổi cực kỳ hiện đại tại nơi đây, ở chính cái khu vực màu hồng như cái hạt quả bơ này.
Năm 2013, Trung Quốc đã quyết chơi một ván bài lớn. Họ bắt đầu dùng các xà lan hút cát và bồi đắp đất đá để tạo ra một hòn đảo nhân tạo, diện tích 109.000 m2, (11 hecta).
Trên đảo, nổi bật nhất là khu nhà chỉ huy rộng chẳng kém gì trụ sở UBND tỉnh ở Việt Nam. Phải nói rằng tốc độ xây của họ thật đáng kinh ngạc. Đến năm 2016, thì mọi thứ đã gần như hoàn tất.
Mặc dù trụ sở chỉ huy của quân đội Trung Quốc ở đảo Gạc Ma, đã xây rất hiện đại, nhưng Trung Quốc mới chỉ đưa quân đội đến đóng quân, còn các hoạt động bình thường thì chưa nhiều.
Các trụ sở chỉ huy có 8 tầng, trên tầng 8 còn có một cái tháp quan sát cao 3 tầng nữa. Ở tầng 2 của nhà này có đường cho xe cơ giới lên thẳng. Trung Quốc rất cẩn thận, tại 4 góc của tòa nhà đều bố trí các lỗ châu mai, lỗ bắn phòng thủ để bảo vệ tòa nhà nếu nó bị tấn công từ bốn phía. Trên tầng thượng của tòa nhà, Trung Quốc bố trí bốn bệ pháo gồm hai pháo 76 mm, loại pháo này được cho là có sức mạnh tương đương pháo chống hạm trên tàu chiến của Việt Nam, đủ bắn xa đến các đảo Linh Côn và Cô Len của Việt Nam các từ 8 đến 13 km, hai khẩu pháo khác là pháo phòng không 30 mm. Từ bao nhiêu năm nay các khẩu pháo này luôn có người trực 24/24h, binh sĩ của Trung Quốc chỉ chui ra chui vào khi bàn giao ca, có thể thấy Trung Quốc luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, không lơ là một phút.
Tiếp đến, là tổ hợp các radar và điều hướng cho máy bay. Ngọn hải đăng lớn nhất cũng được xây ở đảo Gạc Ma. Nó cao tới 50 m, tương đương tòa nhà 16 tầng. Người đi biển có thể nhìn thấy nó từ khoảng cách 10 km và đèn của nó có thể chiếu xa tới 40 km để hướng dẫn, hỗ trợ các tàu qua lại trong khu vực.
Có hai “quả bóng” màu xanh. Đó là radar chống hải, đối ngầm mà Trung Quốc xây sau đó, giấu trong một cái nhà bạt màu xanh. Cột thu phát sóng viễn thông không chỉ để phục vụ cho đảo Gạc Ma mà còn phục vụ cho những đảo hay các căn cứ mà Trung Quốc chiếm trái phép của Việt Nam. Ở đây lính trên các đảo của Trung Quốc có thể lướt Tik Tok thoải mái.
Ở đây còn có hai cái “cối xay gió”, một trong những nguồn phát điện để duy trì hoạt động trên cả hòn đảo. Ngoài năng lượng gió thì Trung Quốc cũng xây hẳn một cái cánh đồng năng lượng mặt trời trên hòn đảo nhân tạo này.
Bây giờ hãy cùng nhìn lại tổng thể cái gọi là đảo nổi nhân tạo mà Gạc Ma. Sau khi xây xong, họ đã trồng rất nhiều cây to mang từ đất liền ra. Mỗi cây với cái bầu đất từ 3 đến 5 m, họ lại chăm chút cực kỳ kỹ lưỡng nên chỉ sau một thời gian, nó đã cao đến 10 m và che hết những cấu trúc được xây trên đảo.
Ngoài việc xây dựng trái phép các công trình, hệ thống vũ khí hiện đại và hiệu quả, Trung Quốc còn liên tục cử các hạm đội tàu chiến túc trực bảo vệ hòn đảo này. Một trong số đó là tàu đổ bộ 998, tàu này từng tham gia vụ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, năm 2014. Tàu có trọng tải tới 20.000 tấn, chở được một tiểu đoàn 270 lính với trang bị đầy đủ vũ khí, lại có thêm 4 xuồng đổ bộ, 3 xe tăng lội nước, 6 xe thiết giáp. Nó còn có 8 ống phóng pháo, tên lửa HQ-7, một khẩu pháo chống hạm 76mm, 4 khẩu pháo phòng không. Bên cạnh đó còn có tàu khu trục 168 cũng chở 280 lính, 16 tên lửa đối hải, pháo 100mm và cả máy bay trực thăng. Chỉ cần ai tiếp cận các tàu này sẽ lập tức ra xua đuổi, hoặc tấn công nếu đối phương không chấp hành.
Gạc Ma, từ một mỏm đá nổi, sau 35 năm. Trung Quốc đã biến nó thành một thành phố, một pháo đài chuẩn bị cho chiến tranh.
T.P