Vừa mới “hữu hảo” với lãnh đạo Trung Quốc trong cuộc gặp bên lề Hội nghị G20 tại New Delhi, Ấn Độ, tới Việt Nam, ông Joe Biden đã có lời “nói xấu” Bắc Kinh.
Đại diện Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh G20 là thủ tướngLý Cường, nhân vật số hai của Trung Nam Hải, sau ông Tập Cận Bình. Chưa ai khảo, ông Biden đã nói như có ý thanh minh với dư luận rằng: ông và ông Lý Cường thực sự thiện chí chứ chẳng hề có ý đối đầu. Hai bên chỉ thảo luận với nhau về sự ổn định và tình hình của các quốc gia “Nam bán cầu”…
Một khi chỉ đề cập những chuyện đó, có gì mà phải căng nhau?
Tuy nhiên, ngoại giao là thế. Nhiều khi trong bụng tức sôi, vậy mà ngoài mặt, cứ tươi cười, bình tĩnh như không. Như Mỹ và Trung Quốc chẳng hạn, hằm hè, hậm hực nhau nhất là vấn đề Đài Loan, nhưng trong cuộc gặp, ông Biden và ông Lý Cường lại cùng cố tránh. Mà tránh là phải, bởi câu chuyện Đài Loan quá nhạy cảm. Chỉ một bên thiếu kiềm chế, cuộc gặp thể hiện thiện chí của hai cường quốc hàng đầu, đồng thời là hai đối thủ, có thể thành biến thành khẩu chiến. Khẩu chiến lúc này, hóa thành trò cười cho các nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đứng đầy xung quanh à?
Nhưng cái ấm ức mà không được san sẻ thì khó chịu. Thế nên, ngày 10/9, khi tất tả tới Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam theo lời mời của nhà lãnh đạo Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, ông Biden đã có những lời ví như “nói xấu” Trung Quốc, rằng: quốc gia đông dân nhất thế giới này đang trong khủng hoảng, phải đối mặt với nhiều vấn đề trong lĩnh vực bất động sản; giới trẻ thiếu việc làm nghiêm trọng.
Nếu chỉ có thế, Bắc Kinh có lẽ cũng chẳng cần phản ứng. Cái chết, ông chủ Nhà Trắng còn ném cho Bắc Kinh những lời không thể xóc óc hơn: Khó khăn về kinh tế có thể khiến Trung Quốc không “xâm lược” Đài Loan.
Lãnh đạo một quốc gia như Mỹ mà ăn nói kiểu đó, dùng từ “xâm lược” Đài Loan để chỉ Trung Quốc, Bắc Kinh không tức sao được. Đài Loan từ đâu “nứt” ra mà bảo Trung Quốc “xâm lược”? Các nhà lãnh đạo Mỹ, ông này, bà kia chẳng đã luôn mồm khẳng định quan điểm “một Trung Quốc” đó sao?
Cái tức càng tăng khi ông Biden “chê” Trung Quốc, thời điểm này, không đủ khả năng để tấn công Đài Loan – hòn đảo, trong con mắt Bắc Kinh, là bướng bỉnh chỉ muốn ly khai chứ không chịu trở về với “đất mẹ”. Nói cách khác, Washington cho rằng, Bắc Kinh chỉ giỏi dọa thế thôi, chứ còn lâu mới dám làm điều mà họ vẫn tuyên bố lâu nay, là “giải quyết vấn đề Đài Loan” và “thống nhất hoàn toàn tổ quốc là nhiệm vụ lịch sử của Trung Quốc”. Để làm việc đó, không loại trừ sử dụng vũ lực.
Đó là chưa kể trong suy nghĩ của Bắc Kinh, nhận định này của ông Biden vang lên tại Hà Nội không chỉ khiến Đài Bắc, mà còn khiến cả Hà Nội được nước, cho dù Hà Nội thường khôn khéo, chẳng khi nào lộ ra cái ý “thân Mỹ để đối Tàu”.
Có lẽ vì đó một phần, Trung Quốc đã thực hiện hai động thái gần như đồng thời.
Thứ nhất, ngày 12/09/2023, Bắc Kinh công bố kế hoạch gồm 20 ý kiến” nhằm thúc đẩy việc hội nhập Đài Loan vào tỉnh Phúc Kiến – một tỉnh sát biển của Trung Quốc.
Theo truyền thông quốc tế, kế hoạch trên bao gồm việc tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người Đài Loan làm việc, học tập và kinh doanh tại Phúc Kiến; khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh thuê nhân viên Đài Loan; kêu gọi thành phố Hạ Môn ở ven biển tăng tốc hội nhập với Kim Môn và Mã Tổ (Đài Loan quản lý) cách bờ biển Đại lục vài cây số…
Nhìn ngoài, vẻ như kế hoạch chỉ thuần túy chuyện làm ăn giữa người dân và doanh nghiệp hai bên bờ eo biển. Nhưng trong sâu xa, nhiều người bình luận Bắc Kinh đang sử dụng giải pháp kinh tế này để làm cái gọi là “mưu phạt tâm công” (đánh vào lòng người) nhằm chuyển hóa tư tưởng (thay đổi suy nghĩ, định kiến về Đại lục), trước tiên ở một bộ phận người dân kinh doanh bên kia bờ eo biển, sau đó, lan tỏa rộng hơn tới người dân Đài Loan.
Thứ hai, ngày 13/9, Trung Quốc điều 35 máy bay bay quanh Đài Loan trong vài tiếng đồng hồ. Một số trong số đó hướng đến tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc để tham gia “cuộc tập huấn hỗn hợp trên biển và trên không” ở Tây Thái Bình Dương. Nghiêm trọng nhất với Đài Loan, là đã có khoảng 28 chiếc đã vượt qua đường trung tuyến giữa eo biển Đài Loan.
Tới ngày 14/9, sự việc nghiêm trọng hơn khi Đài Loan tố cáo Trung Quốc đã điều 68 máy bay chiến đấu và triển khai hàng chục tàu hải quân vào các khu vực xung quanh hòn đảo chỉ trong 24 giờ, từ sáng 13/9 đến sáng 14/9.
Sự tăng vọt số lượng máy bay, lại thêm nhiều tàu chiến nữa, quanh Đài Loan, cho thấy, ngoài việc dằn mặt Đài Loan, Bắc Kinh như đang có ý định buộc ông Biden, thay vì coi thường ý chí, sức mạnh quân sự của Trung Quốc, phải thừa nhận một điều rằng: để giải quyết vấn đề Đài Loan, với Trung Quốc, mọi biện pháp, cách thức đều có thể…
T.V