Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnViệt Nam đẩy mạnh FTA Trung Quốc - ASEAN

Việt Nam đẩy mạnh FTA Trung Quốc – ASEAN

Chuyến công tác Trung Quốc hai ngày của Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến nhiều hoạt động vừa là biểu tượng cho hợp tác ASEAN – Trung Quốc, vừa báo hiệu sự phát triển hơn nữa trong quan hệ hai bên và Việt Nam – Trung Quốc.

Trưa 17-9, sau hai ngày tại Nam Ninh với hàng loạt hoạt động, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết thúc thành công chuyến công tác dự Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh thương mại – đầu tư Trung Quốc – ASEAN (CABIS).

Đẩy nhanh đàm phán CAFTA
Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc CAEXPO và CABIS vào ngày 17-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai sự kiện này đã trở thành biểu tượng và ngọn cờ dẫn dắt của hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Trung Quốc và ASEAN.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ sự hợp tác giúp đỡ trên tinh thần cởi mở, chân thành, tin cậy, bình đẳng, kết nối “Vành đai và con đường” vì thịnh vượng chung của các dân tộc trong khu vực và trên thế giới.

Nhắc lại việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường bày tỏ tinh thần “hợp tác để cùng thắng, cùng có lợi”, Thủ tướng đề nghị Chính phủ Trung Quốc, chính phủ các nước ASEAN và chính quyền Quảng Tây thúc đẩy mạnh mẽ thương mại song phương phát triển cân bằng, bền vững.

‘Bó đũa’ ASEAN
ASEAN trách nhiệm, tự cường vì người dân
Liên Hiệp Quốc hoan nghênh vai trò cầu nối của ASEAN
Với kim ngạch Trung Quốc – ASEAN đã đạt 975,6 tỉ USD năm 2022, Thủ tướng đề xuất các bên phấn đấu đưa ASEAN trở thành đối tác thương mại đầu tiên của Trung Quốc vượt mức 1.000 tỉ USD.

Để làm được điều đó, Thủ tướng đề nghị ASEAN và Trung Quốc cần khẩn trương hoàn tất đàm phán nâng cấp phiên bản 3.0 Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (CAFTA), cũng như mở rộng thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh để đáp ứng nhu cầu giao thương giữa hai phía.

ASEAN và Trung Quốc cần tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, phối hợp các hình thức giao thông vận tải và xây dựng chuỗi liên kết từ vùng nguyên liệu đến trung tâm sản xuất và hệ thống tiêu thụ sản phẩm.

“Chúng ta có cùng mục tiêu và có lợi ích chung lớn hơn khi cùng nhau hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp ASEAN, Trung Quốc tăng cường hợp tác đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, tạo nền tảng cho hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển thịnh vượng, lâu dài tại khu vực và trên thế giới”, Thủ tướng khẳng định.

Phát triển hạ tầng cứng, hạ tầng mềm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Vũ Quý Sơn (Viện Nghiên cứu Trung Quốc) đánh giá tích cực về chuyến công tác lần này của Thủ tướng. Ông đặc biệt chú ý đến cuộc hội đàm ngày 16-9 giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.

“Cuộc hội đàm cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy tiếp xúc cấp cao giữa Việt Nam – Trung Quốc nhằm nắm bắt các vấn đề trong hợp tác song phương”, ông Sơn nhận xét.

Theo ông Sơn, chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam không có thay đổi về mục tiêu nhưng sẽ tăng cường triển khai biện pháp hợp tác thực chất hơn thông qua các sáng kiến hợp tác quốc tế của Trung Quốc nhằm tranh thủ hơn nữa sự ủng hộ của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Trung Quốc đang có xu thế phân cấp vai trò cho mục tiêu này, trong đó tập trung vào các hợp tác thực chất của các bộ ngành và địa phương Trung Quốc gần với Việt Nam.

Trong thời gian tới, Trung Quốc có thể tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như kinh tế – thương mại nhằm giải quyết các hệ quả của đại dịch COVID-19. Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy kết nối giữa Trung Quốc và Việt Nam, Trung Quốc và ASEAN thông qua nâng cấp cơ sở hạ tầng và giao thông biên giới Việt – Trung.

Việc phát triển cơ sở hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, đồng thời kết nối hạ tầng giữa ASEAN – Trung Quốc, theo ông Sơn, là cơ sở để hai bên thúc đẩy hơn nữa tiến trình đàm phán CAFTA 3.0.

Nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng cứng và hạ tầng mềm của các quốc gia ASEAN với tư cách là quốc gia đang phát triển là tương đối lớn. “Trong khi đó, kết nối cơ sở hạ tầng cứng và hạ tầng mềm được coi là một trong năm kết nối “5 thông” trong chính sách ngoại giao láng giềng với ASEAN, đồng thời được Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp cụ thể liên quan như thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á”, ông Sơn giải thích.

Với việc kết nối hạ tầng cứng và hạ tầng mềm giữa ASEAN và Trung Quốc đã đạt được nhiều kết quả khả quan hiện hữu, ông Sơn tin rằng điều này có thể tạo cơ sở và tăng cường lòng tin giữa các bên để thúc đẩy tiến trình đàm phán CAFTA 3.0 – vốn đã đặt mục tiêu hoàn tất vào năm tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới