Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế – Xã hội 2023, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành.
Sáng 19/9, trình bày tham luận “Khơi thông nguồn lực, phát huy năng lực nội sinh của doanh nghiệp và nền kinh tế” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế – Xã hội 2023, PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – cho biết, cùng trong bối cảnh phát triển chung, Việt Nam ở trong một tình thế phát triển có nhiều nét khác biệt, thậm chí khác thường.
Ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh điểm đầu tiên là sau 3 năm trải qua đại dịch COVID-19 và vượt qua khó khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng, phát triển tích cực. Các con số phản ánh thành tích tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài, đặt trong sự so sánh quốc tế là minh chứng cho nhận định này.
Chuyên gia cho rằng những thành tích đó đều chứng tỏ “năng lực trụ hạng”, khả năng “đối mặt các con gió ngược” rất ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam.
“Việt Nam thật sự xứng đáng với lời khen tặng “là ngôi sao sáng giữa bầu trời kinh tế thế giới ảm đạm năm 2020″ cũng như đánh giá tích cực của cộng đồng thế giới về sức hấp dẫn đầu tư và triển vọng sáng sủa”, PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định.
Tuy nhiên, nhìn xuyên suốt quá trình thực tiễn, ông Thiên cho rằng có hai vấn đề lớn đặt ra. Thứ nhất là xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Thứ hai là nghịch lý của quá trình phát triển kinh tế.
Làm rõ hơn về sự nghịch lý của quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, theo nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong đó có nghịch lý phát triển doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành”, ông Thiên đánh giá.
Lý giải nghịch lý này, ông Thiên cho rằng, lực lượng doanh nghiệp Việt Nam tuy gắn với quá trình chuyển đổi kinh tế chưa lâu nhưng có những đặc điểm phát triển khác thường. Nổi bật trong đó là doanh nghiệp có năng lực chống chịu và sinh tồn phi thường.
“Một trong những bằng chứng rõ ràng nhất, thuyết phục nhất của nhận định đó là hiếm có nơi nào trên thế giới mà các doanh nghiệp phải trả lãi suất cao như ở Việt Nam, thường là cao gấp 2-3 lần các nền kinh tế thị trường trên thế giới, chưa kể các khoản chi phí giao dịch khác cũng cao vượt trội”, ông Thiên nói và nhấn mạnh việc trả giá vốn không chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, đơn lẻ mà kéo dài trường kỳ.
Áp dụng vào logic cạnh tranh thị trường, với gánh nặng chi phí như vậy, doanh nghiệp Việt khó có thể tồn tại trong môi trường kinh tế mở, nhất là với trình độ thấp và thực lực yếu. Thế nhưng, một cách thực tế, các doanh nghiệp Việt vẫn tồn tại một cách bền bỉ và mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn vào thành tựu phát triển của đất nước.
“Câu hỏi đặt ra là tại sao với năng lực chống chịu và trụ hạng hiếm có như vậy mà đa số doanh nghiệp Việt mãi cứ là những thực thể nhỏ bé và yếu kém, cứ “chậm lớn”, “khó lớn”, “ngại lớn”, khi “li ti hóa” trở thành xu hướng xuyên suốt quá trình phát triển của doanh nghiệp Việt?”, ông Thiên đặt vấn đề.
Dẫn thống kê số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tương đương 70-75% số doanh nghiệp đăng ký thành lập, ông Thiên nhìn nhận đây là tỷ lệ “không bình thường”, thể hiện số doanh nghiệp Việt Nam “sống thọ” không nhiều.
Tiếp tục dẫn thống kê 8 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 124.700 so với số doanh nghiệp mới thành lập và gia nhập lại là 149.400 đạt xấp xỉ 84%, cao vượt trội mức 68,7% của năm 2022, ông Thiên cho rằng xu thế phát triển doanh nghiệp chậm lại và khó khăn hơn trong thời gian gần đây phản ánh một tình thế mới, chưa từng thấy trong gần 40 năm đổi mới của Việt Nam.
Nhắc đến TP.HCM, PGS.TS Trần Đình Thiên bày tỏ lo ngại với tình trạng “đầu tàu chạy chậm hơn toa tàu”.
“Để nền kinh tế phát triển, không được phép để các nguồn lực bất động. Việc đưa chúng vào vận động, biến chúng thành động lực phải luôn luôn là trách nhiệm ưu tiên của các hoạt động điều hành”, ông Thiên nói.
Để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin – cho”, “hành chính”. Cạnh đó, ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh). Các thị trường đầu vào càng đồng bộ, hiệu quả phát triển càng cao.
Cũng theo ông Thiên, cần bảo đảm “tam thông” trong quá trình vận hành hệ thống. Nghĩa là, thông suốt hạ tầng (thông hạ tầng kết nối, cả hạ tầng cứng lẫn hạ tầng mềm); thông thoáng cơ chế [thể chế thị trường, công khai – minh bạch, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh…) và thông minh vận hành (bộ máy điều hành đồng thuận, đồng hướng, đồng nhịp, năng động, sáng tạo…).
“Không có gì thừa khi khẳng định lại bảo đảm để các nguồn lực lưu thông thông suốt là yếu tố quyết định hiệu quả của nền kinh tế và của doanh nghiệp”, TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Trước quan điểm cho rằng “doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành” của PGS.TS Trần Đình Thiên, phát biểu tại diễn đàn, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Lê Hồng Thủy Tiên cho biết rất trăn trở với điều này.
Bà Tiên khẳng định không phải doanh nghiệp muốn chậm lớn: “Ngoài những doanh nghiệp rất liều đã dùng thuốc “tăng trọng” lớn nhanh để ngã bệnh, thậm chí “lăn đùng ra chết yểu” thì vẫn có rất nhiều doanh nghiệp chân chính chịu khó đầu tư, học hỏi muốn lớn và trưởng thành một cách bài bản nhưng bị vướng cơ chế cũng như thiếu các chính sách mang tính chiến lược và bền vững”.
Tôn vinh quyết tâm của doanh nghiệp Việt Nam dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng vẫn sáng tạo để phát triển, lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương bày tỏ mong muốn các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cùng các chuyên gia, các doanh nghiệp có sự hợp tác chặt chẽ để tạo hành lang pháp lý hợp lý, thông thoáng, tránh “đổ thừa” do cơ chế để doanh nghiệp có thể thực hiện được những gì luật cho phép, thúc đẩy phát triển, đổi mới.
T.P