Mỹ sẽ hành động quyết liệt và sẽ có những phép thử ngược lại với Trung Quốc trước hành động tàu cá nước này mang vũ khí ra biển.
Trung Quốc nói không đi đôi với làm
Sau khi đăng bài viết “Tàu cá Trung Quốc mang vũ khí: Việt Nam thận trọng” phản ánh quan điểm của Hội nghề cá xung quanh việc Trung Quốc đang huấn luyện các ngư dân tại đảo Hải Nam để trở thành “dân quân”, trang bị vũ khí hạng nhẹ, gắn hệ thống định vị toàn cầu rồi xua xuống biển Đông, mang danh tàu đánh cá, Đất Việt tiếp tục nhận thêm được ý kiến của ĐBQH Nguyễn Anh Sơn và Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Uỷ viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội.
Đánh giá những hành động trên của phía Trung Quốc, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng khẳng định việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng luật Biển và các công ước quốc tế đã ký kết giữa các nước, thể hiện âm mưu bành trướng của Bắc Kinh trên các vùng biển tranh chấp.
“Trung Quốc đã bất chấp dư luận quốc tế, bất chấp những phản ứng của Việt Nam để mà thực hiện đến cùng mưu đồ của mình. Những hành động trên chứng tỏ Trung Quốc nói một cách, làm một cách, nói không đi đôi với làm.
Đây là một hành vi rất nguy hiểm với những tàu, thuyền bè khác. Bởi lẽ khi trang bị cho các tàu cá vũ khí hạng nhẹ, hệ thống định vị thì khả năng xảy ra xung đột khi có va chạm xảy ra trên biển là rất lớn.
Trước đó, Trung Quốc đã đưa tàu đổ bộ 20.000 tấn đến Trường Sa rồi tổ chức biểu diễn văn nghệ ở khu vực đảo Chữ Thập phục vụ binh lính và công nhân đồn trú phi pháp tại đó. Việc làm lần này của họ cũng nằm trong tính toán đó, tức là Trung Quốc muốn khẳng định lại chủ quyền trên biển Đông. Tôi rất phản đối việc này”, ông Hùng khẳng định.
Cùng đưa ra quan điểm, ông Nguyễn Anh Sơn, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, mục đích chính của việc Trung Quốc huấn luyện ngư dân trở thành dân quân, trang bị vũ khí hạng nhẹ cho họ là để cụ thể hóa tham vọng tại biển Đông đồng thời làm cho ngư dân các nước sợ hãi khi ra ngoài khơi đánh bắt cá.
“Trung Quốc làm như vậy để kích động, gây thêm căng thẳng trên biển Đông. Nếu Việt Nam và các nước khác không được trang bị kiến thức để bình tĩnh xử lý trên biển mà sử dụng vũ lực trước thì sẽ mắc bẫy Trung Quốc.
Việc này tôi tin trong lâu dài, Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để Việt Nam và các nước trong khu vực mắc bẫy.
Khi đó chúng ta sẽ phải trả giá vì họ sẽ dùng cái cớ đấy để có những hành động gây thiệt hại cho Việt Nam mà chưa thể lường trước được hậu quả”, ông Sơn nêu quan điểm.
Mỹ sẽ hành động quyết liệt
Đánh giá về phản ứng tiếp theo của Mỹ, ông Sơn cho rằng chắc chắn Washington sẽ hành động quyết liệt, mạnh mẽ để đáp trả Trung Quốc, bảo vệ vùng tự do hàng hải quốc tế.
“Mỹ đã từng có những phản ứng gay gắt với Trung Quốc. Tôi cho rằng lần này họ cũng sẽ tiếp tục phản đối hành động của Bắc Kinh. Washington sẽ có những phép thử để xem Trung Quốc sẽ ứng xử thế nào.
Chẳng hạn như họ tăng cường sự hiện diện ở khu vực tranh chấp, tích cực tuần tra trên vùng biển quốc tế mà phía Trung Quốc đang đòi hỏi chủ quyền. Tôi tin Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ làm như vậy”, ông Sơn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội còn lưu ý, Việt Nam trong quá trình đấu tranh với Trung Quốc cần phải hết sức linh hoạt, chủ động phòng tránh trước âm mưu gây hấn của nước bạn.
“Chúng ta cần tăng cường các lực lượng chấp pháp như cảnh sát biển, kiểm ngư trên biển để sẵn sàng hỗ trợ ngư dân của mình trong các trường hợp bị các tàu cá của Trung Quốc uy hiếp, thậm chí đe dọa bằng vũ khí. Việc này cần phải hết sức bình tĩnh, cảnh giác trên cơ sở tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế. Nếu chúng ta nóng vội, mà chống trả lại phía Trung Quốc thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ”, ông Sơn cho biết thêm.
Thừa nhận những hành động của Trung Quốc là gây nguy hiểm cho các tàu thuyền của Việt Nam cũng như các nước đang đánh bắt cá trên biển, tuy nhiên Đại tá Nguyễn Hữu Hùng nhấn mạnh vấn đề trang bị vũ khí cho các tàu cá cần phải hết sức thận trọng.
Theo ông Hùng, dư luận quốc tế đã lên án rất nhiều về việc này. Đặc biệt, trong luật dân quân tự vệ cũng khẳng định, chỉ khi được giao nhiệm vụ thì chúng ta mới làm chứ tuyệt nhiên không mang những vũ khí ra biển.
Vì vậy, theo Đại tá Hùng, ngoài việc tăng cường các lực lượng chấp pháp trên biển, việc cần thiết hiện nay là phải hỗ trợ về vốn, tài chính, phương tiện để ngư dân sở hữu những tàu cỡ lớn, đạt tiêu chuẩn chất lượng khi ra biển.
“Hiện nay ngư dân của chúng ta đều sở hữu những thuyền nhỏ, tàu nhỏ. Khi đi ra biển thì độ an toàn và khả năng đánh bắt xa bờ chưa cao. Cho nên để giúp cho ngư dân vừa đánh bắt xa bờ, vừa hiện diện trên biển để khẳng định chủ quyền của đất nước thì nhà nước cần phải hỗ trợ về kinh phí nhất định để họ đóng tàu lớn hơn, thực hiện việc vươn khơi bám biển.
Khi sở hữu những tàu như vậy, ngư dân sẽ an tâm hơn khi ra biển, cũng như sẽ chủ động hơn trong việc phòng, tránh khi gặp phải các tàu Trung Quốc có ý định gây rối”, ông Hùng kiến nghị.