Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnGiấc mơ “phi đô la hóa” của TQ liệu có thành

Giấc mơ “phi đô la hóa” của TQ liệu có thành

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có rất ít hoặc không có cơ hội soán ngôi đồng đô la Mỹ, ngay cả khi quá trình phi đô la hóa trên toàn cầu diễn ra với tốc độ chậm và ổn định.

Đó là nhận định của chuyên gia Skylar Montgomery đến từ công ty dịch vụ tài chính GlobalData TS Lombard có trụ sở tại London, Anh.

Bà Montgomery đã nêu ra lý do tại sao Trung Quốc muốn đồng nhân dân tệ của mình, hoặc ít nhất là một đồng tiền chung nào khác, phá vỡ sự thống trị của đồng đô la Mỹ.

Sức mạnh của đồng đô la Mỹ
“Tư cách là đồng tiền dự trữ của đồng đô la là một đặc quyền mang lại cho Mỹ ảnh hưởng đáng kể về chính trị, kinh tế và thị trường”, Montgomery nói và cho biết thêm rằng, lợi ích của Mỹ đến từ tư cách đồng tiền dự trữ của đồng đô la cũng gây ra “nỗi đau” cho các nền kinh tế khác.

Bà lưu ý rằng, sức mạnh của đồng đô la Mỹ đặc biệt gây thiệt hại cho các thị trường mới nổi. Vì hầu hết giao dịch tại các thị trường mới nổi đều được thực hiện bằng đồng đô la nên bất kỳ sự tăng giá nào của đồng bạc xanh cũng có nghĩa là các quốc gia khác phải trả giá nhập khẩu cao hơn.

Ngoài ra, đồng đô la Mỹ mạnh sẽ khuếch đại cú sốc về giá năng lượng và tạo đòn bẩy cho Chính phủ Mỹ trong việc sử dụng đồng đô la này như một vũ khí chính trị, bao gồm cả khi phương Tây đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Montgomery nói: “Việc vũ khí hóa đồng đô la là một phần lý do tại sao Nga, Trung Quốc và các quốc gia BRICS khác đã tranh giành một giải pháp thay thế cho đồng đô la Mỹ”.

Quá trình phi đô la hóa rất chậm
Chuyên gia Skylar Montgomery nhấn mạnh rằng, dấu hiệu rõ ràng nhất của quá trình phi đô la hóa được thấy ở tỉ trọng đồng đô la Mỹ trong dự trữ tiền tệ toàn cầu, đã giảm từ 72% vào năm 2000 xuống còn 59% như hiện nay.

Bà nhận xét: “Mức giảm dưới 1% một năm là diễn biến cực kỳ chậm và đồng đô la Mỹ vẫn chiếm phần lớn trong dự trữ tiền tệ. Hơn nữa, mức giảm 13% đã mang lại lợi ích khá đồng đều cho đồng euro, bảng Anh, đô la Canada, nhân dân tệ Trung Quốc và đô la Úc.”

Nhưng theo bà Montgomery, một trong những lý do hàng đầu khiến đồng đô la Mỹ tiếp tục thống trị và không bị đồng nhân dân tệ soán ngôi, đó là không có giải pháp thay thế.

Không một loại tiền tệ nào nổi lên như một sự thay thế tiềm năng rõ ràng cho đồng đô la Mỹ, đặc biệt là dựa trên dữ liệu dự trữ tiền tệ toàn cầu. Đồng euro chiếm 19,7% trong dự trữ tiền tệ toàn cầu, trong khi đồng nhân dân tệ chỉ chiếm 2,6%. Và đừng hy vọng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ chiếm được tỷ trọng cao trong dự trữ tiền tệ toàn cầu, theo bà Montgomery.

“Là một tài khoản vốn đóng, việc không muốn hoặc không có khả năng thâm hụt tài khoản vãng lai, sự can thiệp không thể đoán trước của chính phủ và đồng tiền được quản lý đã đồng nghĩa với việc hạn chế sử dụng đồng nhân dân tệ trên phạm vi quốc tế”, Montgomery nói.

Theo bà Montgomery, đồng tiền chung của các nước BRICS cũng phải đối mặt với rất nhiều trở ngại trong việc lấy đi ảnh hưởng từ đồng đô la Mỹ.

Ví dụ, tăng trưởng của các quốc gia BRICS đang giảm mạnh, lợi ích chiến lược của các thành viên xung đột lẫn nhau và khối này sẽ gặp khó khăn trong việc biện minh cho mục đích kinh tế của mình. Và đó chính là lúc lợi ích từ tư cách là đồng tiền dự trữ của đồng đô la Mỹ tỏa sáng, bà Montgomery cho biết.

“Một quốc gia dự trữ phải sẵn sàng chấp nhận thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và dai dẳng để đáp ứng nhu cầu tiền tệ cho phần còn lại của thế giới. Hơn nữa, Mỹ có được những hiệu ứng mạng lưới mạnh mẽ, bao gồm thị trường vốn sâu rộng, các cơ chế cho vay cuối cùng quan trọng và cung cấp dịch vụ tài chính cho phần còn lại của thế giới. Hiện chỉ có Mỹ mới có thể đóng vai trò này”, chuyên gia của TS Lombard cho biết.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới