Đài Loan dự kiến trang bị thêm ít nhất 2 tàu ngầm mới trước năm 2027, trong đó chiếc đầu tiên dự kiến bàn giao trong năm tới.
Hãng Reuters ngày 25.9 đưa tin Đài Loan hy vọng trang bị thêm ít nhất 2 tàu ngầm tự sản xuất trước năm 2027, với khả năng trang bị tên lửa trên tàu ngầm nhằm bảo vệ những tuyến cung ứng trọng yếu và đối phó Trung Quốc đại lục.
Đài Loan coi chương trình tự phát triển tàu ngầm là một phần quan trọng trong dự án đầy tham vọng nhằm hiện đại hóa lực lượng phòng vệ của mình, khi Bắc Kinh thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận quân sự trong khu vực.
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn khởi xướng chương trình tàu ngầm khi nhậm chức vào năm 2016. Dự kiến bà sẽ hạ thủy một trong 8 tàu ngầm mới vào ngày 28.9 theo kế hoạch vốn thu hút nhiều chuyên môn và công nghệ từ một số nước.
Đô đốc Hoàng Thự Quang, cố vấn an ninh của bà Thái và là người phụ trách chương trình, cho hay một đội gồm 10 tàu ngầm của Đài Loan, trong đó có 2 tàu ngầm do Hà Lan sản xuất vào thập niên 1980, sẽ khiến Hải quân Trung Quốc khó triển khai sức mạnh ở Thái Bình Dương hơn. Theo trang Naval News, Đài Loan hiện có 4 tàu ngầm.
“Nếu xây dựng được năng lực tác chiến này, tôi không nghĩ chúng tôi sẽ thua một cuộc chiến”, ông Hoàng phát biểu.
Theo ông, tàu ngầm đầu tiên với giá 1,54 tỉ USD sẽ sử dụng hệ thống chiến đấu của hãng Lockheed Martin (Mỹ) và trang bị các ngư lôi hạng nặng MK-48 do Mỹ sản xuất. Tàu này sẽ chạy thử trên biển vào tháng tới, trước khi được bàn giao cho lực lượng phòng vệ trên biển vào năm 2024.
Với các mẫu tiếp theo, Đài Loan sẽ dành chỗ cho các tên lửa chống hạm phóng từ tàu ngầm, nhưng việc trang bị này lệ thuộc vào khả năng sản xuất của Mỹ, theo Đô đốc Hoàng.
Ông nói rằng các tàu ngầm là “sự răn đe chiến lược” đối với các tàu chiến Trung Quốc băng qua eo biển Miyako gần phía nam Nhật Bản, hoặc eo biển Ba Sĩ giữa Đài Loan và Philippines. Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa phản hồi đề nghị đưa ra bình luận.