Saturday, November 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBức tường Berlin – Biểu tượng tiêu biểu của thời Chiến Tranh...

Bức tường Berlin – Biểu tượng tiêu biểu của thời Chiến Tranh Lạnh

Vào ngày 13/8/1961, một bức tường đã được xây dựng với mục đích ngăn cách Đông Berlin với Tây Berlin, cùng khu vực xung quanh Đông Đức. Sự chia cắt giữa làn Châu Âu này được gọi là “bức tường Berlin” – biểu tượng của sự chia rẽ ý thức hệ trong chiến tranh lạnh cũng là biểu tượng của bức màn sắt chia cắt Tây và Đông Âu. Theo câu nói nổi tiếng của cựu thủ tướng Anh Wintons Churchill: “Từ Stettin ở Baltic đến Trieste ở Driatic, một bức màn sắt đã buông xuống trên khắp lục địa”. Bức tường Berlin chia cắt Châu Âu tồn tại đến ngày 9/11/1989, trong cuộc cách mạng Ôn Hòa.

Một công nhân Đông Đức đặt một số khối đá đầu tiên của Bức tường Berlin, ngay sau khi biên giới giữa Đông và Tây Berlin bị chia cách, năm 1961.

Trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II xảy ra giữa phe đồng minh gồm có; Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô đối đầu với phe trục bao gồm các nước phát xít: Đức, Ý và Nhật Bản.

Cuộc chiến tranh kết thúc với sự chiến thắng của phe đồng minh vào năm 1945, Hoa Kỳ và Liên Xô ở phe chiến thắng đã nhanh chóng nổi lên như hai siêu cường đối lập nhau, mỗi bên đều muốn phát huy ảnh hưởng của mình ở Châu Âu. Điều này khiến liên minh của họ kết thúc, đánh dấu sự bắt đầu của một thời đại chiến tranh mới được gọi là “chiến tranh lạnh”, kéo dài trong 44 năm sau khi Thế chiến II kết thúc.

Châu Âu sau cuộc chiến đã bị tàn phá nặng nề, nước Đức trở thành tâm điểm chính trị của chiến tranh lạnh sau hội nghị Yalta và hội nghị Potsdam. Theo đó, nước Đức được chia thành 4 khu vực chiếm đóng của quân đồng minh, Đông Đức dưới sự kiểm soát của Liên Xô, trong khi phần phía Tây bị chia cắt giữa Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Pháp. Đồng thời, Berlin cũng được chia thành 4 khu vực tương tự, hoàn toàn nằm trong khu vực Đông Đức do Liên Xô kiểm soát, Tây Berlin đã trở thành một hòn đảo trong khu vực cộng sản Đông Đức như lời nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev nói: “Nó như khúc xương trong cổ họng của Liên Xô”.

Năm 1948, sau nhiều nỗ lực đánh đuổi Mỹ, Anh và Pháp ra khỏi Berlin. Liên Xô đã tiến hành thiết lập một cuộc phong toả Berlin ngăn chặn các nguồn tiếp tế thực phẩm, nhu yếu phẩm và nguyên vật liệu từ khu vực Tây Đức do phương tây cung cấp đến người dân Berlin. Để đáp lại hành động phong toả này, Hoa Kỳ và các nước đồng minh đã chống lại bằng cách cung cấp những thứ cho các khu vực của họ tại Berlin bằng máy bay trong hơn một năm, cái mà ngày nay gọi là “cầu không vận Berlin”.

Năm 1949, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp đã thống nhất các khu vực chiếm đóng của mình tại Tây Đức, thành lập Cộng hoà Liên Bang Đức là đồng minh với các nền dân chủ phương Tây, trong khi khu vực Đông Đức do Liên Xô chiếm đóng thành Cộng hoà dân chủ Đức là đồng minh với Liên Xô.

Cộng hoà dân chủ Đức theo định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa Marx-Lenin, Đông Đức được quản lí theo kiểu Xô Viết dưới chế độ cai trị của đảng Xã hội thống nhất Đức, tương tự chế độ Đảng Cộng sản Liên Xô thời đó. Trong khi đó, Tây Đức Cộng hoà Liên Bang Đức đang phát triển thành một nước tư bản phương Tây, lịch sử chứng kiến một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ và mức sống vật chất của người dân ngày càng cao hơn. Sự tương phản giữa sự bùng nổ phát triển của Tây Đức, với tình hình ngày càng khó khăn của Đông Đức đã khiến nhiều người Đông Đức chạy sang Tây Đức thông qua biên giới bên trong đất nước này.

Năm 1952, biên giới bên trong nước Đức giữa Đông và Tây Đức đã được thiết lập bằng hàng rào và có lực lượng canh phòng. Tuy nhiên, ranh giới khu vực chiếm đóng giữa Đông và Tây Berlin vẫn còn bỏ ngỏ, nó đã trở thành một lỗ hổng không thể kiểm soát người đân từ Đông Berlin sang Tây Berlin rồi chạy thẳng sang Tây Đức. Đến năm 1961, số người di cư từ Đông sang Tây lên đến 3,5 triệu người, tương đương 20% dân số Đông Đức. Đặc biệt, đây là những thành phần người dân lao động trẻ có tay nghề và người có trình độ, điều này dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám ở Đông Đức. Để ngăn chặn sự mất mát thêm nữa Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev đã cho phép lãnh đạo Đông Đức đóng cửa biên giới Berlin vĩnh viễn, vì khu vực của Tây Berlin nằm trọn trong Đông Đức nên đây chính là nơi bức tường Berlin được dựng nên.

Rạng sáng ngày 13/8/1961, việc xây dựng bức tường trên toàn thành phố Berlin được bắt đầu, chỉ trong hai tuần một hàng rào thép gai tạm thời đã được hoàn thành kéo dài hơn 43km băng qua Berlin và 112km hàng rào Đông Đức bao quanh Tây Berlin phân chia hai bên của thành phố. Không dừng lại ở đó, việc xây dựng biên giới vật lí vẫn được tiếp tục xây dựng sau hơn một thập kỉ, từ hàng rào thép gai ban đầu nó nhanh chóng trở thành một bức tường bê tông kiên cố, bức tường ngày càng trở nên phức tạp hơn, được củng cố với 106km rào chắn bằng bê tông cao 3,6m trên cùng là một đường ống nhẵn kéo dài cùng các dải gai nhọn, chó canh giữ được huấn luyện, bố trí bãi mìn, 302 tháp canh cùng 20 boongke. Song song với bức tường là một hàng rào thép gai đặt ra một hành lang khai thác rộng 100m được gọi là giải tử thần. Hàng rào bê tông được bảo vệ chặt chẽ bởi hàng trăm lính canh Đông Đức có vũ trang, những người được lệnh sẽ hạ bất kỳ ai cố gắng vượt qua nó. Điều này, khiến việc đi lại từ Đông sang Tây Berlin là một điều gần như không thể. Ngoại trừ một số trạm kiểm soát khách du lịch – nơi binh lính Đông Đức thực hiện nhiều bước xác minh để có thể ra vào. Trong khi người ở Tây Berlin và người Tây Đức có thể xin thị thực để vào Đông Berlin hoặc Đông Đức nếu họ muốn nhưng người Đông Berlin và người Đông Đức không được phép vượt qua biên giới giữa hai bên. Từ năm 1962 đến mùa thu năm 1989, mặc dù bức tường đã được xây dựng nhưng vẫn có thêm hơn 5.000 người Đông Đức đã trốn thoát thành công sang phía Tây trong khi có ít nhất 117 người đã thiệt mạng trong quá trình vượt qua bên kia bức tường. Bức tường đã ngăn chặn dòng người di cư từ Đông sang Tây, nó cũng khiến nhiều người bỏ ý định ấy, điều này giúp kinh tế Đông Đức dần đi vào ổn định. Mặc dù Đông Đức cuối cùng cũng cho phép những người thân từ Tây sang Đông đến thăm, nhưng những điều này lại bị Đông Đức lợi dụng thực hiện bằng một quy trình quan chặt chẽ.

Cuộc biểu tình chống đối bức tường đã diễn ra dưới sự lãnh đạo của Willy Brandt – Thị trưởng Tây Đức khi đó. Ngày 26/6/1963, Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy đã đến thăm Tây Berlin, nơi ông đã phát biểu trước toàn thể người dân tại đây: “Tất cả những người dân tự do dù là họ sống ở đâu đều là công dân của Berlin, do đó với tư cách là người tự do tôi tự hào về câu “Ich Bin Ein Berliner”(Tôi là người Berlin). Với bài diễn văn của mình trước đám đông hơn 450.000 người, đây như một cách thể hiện sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với người dân Tây Berlin nói riêng và Tây Đức nói chung.

Ngày 12/6/1987, Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đã đến thăm Tây Berlin nhân dịp 750 năm thành lập Berlin, trong bài phát biểu nổi tiếng của mình trước cổng Brandenburg, ông đã thách thức người đồng cấp Mikhail Gorbachev, lãnh đạo Liên Xô khi đó: “Mr.Gorbachev – Tear down this wall” (ông Gorbachev – Hãy phá bỏ bức tường này).

Ngày 9/11/1989, người phát ngôn của Đông Đức Gunter Schabowski thông báo rằng: “Công dân của Đông Đức tự do đi qua biên giới của đất nước”. Bắt đầu từ hôm đó, cả người dân Đông và Tây Berlin xuống đường xô đổ bức tường cùng nhau ăn mừng bằng rượu, bia và âm nhạc. Một số công dân đã phá bỏ bức tường chỉ bằng búa và cuốc, bức tường Berlin phá huỷ chính thức bắt đầu vào ngày 13/6/1990, thực hiện bước đầu tiên thống nhất nước Đức.

Ngày 3/10/1990, 11 tháng sau khi bức tường bị sụp đổ, nước Đức chính thức được thống nhất, Liên Xô cũng sụp đổ không lâu sau đó. Bức tường Berlin đánh dấu một cách tượng trưng cho cuộc chiến tranh lạnh mà nó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới