Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng cần có con đường cho nhà nước Palestine, trong khi nhiều bên tìm giải pháp xuống thang xung đột Hamas – Israel.
Đài CBS ngày 16.10 dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ lòng tin rằng lực lượng Hamas sẽ bị loại trừ, nhưng cần có con đường cho nhà nước Palestine.
Con đường này là “giải pháp 2 nhà nước” và là chính sách của Washington trong nhiều thập niên, nhằm tạo một quốc gia độc lập cạnh Israel cho 5 triệu người Palestine sống tại Dải Gaza và Bờ Tây sông Jordan.
“Tôi tin, nhưng cần có một chính quyền Palestine, cần một con đường cho nhà nước Palestine”, Tổng thống Biden trả lời câu hỏi trên CBS về việc liệu ông có tin rằng Hamas sẽ bị xóa sổ không.
Trong cuộc phỏng vấn, ông chủ Nhà Trắng cho hay việc Mỹ điều động binh sĩ đến Israel là không cần thiết vì Israel có “một trong những lực lượng chiến đấu tinh nhuệ nhất”. Ông tin rằng Israel sẽ hành động theo “các quy tắc chiến tranh”.
Ông cảnh báo Iran không đưa quân qua biên giới và làm leo thang xung đột Hamas – Israel. Ngoài ra, ông cho hay mối đe dọa khủng bố tại Mỹ gia tăng do bất ổn tại Trung Đông.
Hamas “không đại diện” Palestine
Trong diễn biến liên quan Hamas, hãng tin AFP dẫn lời Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói rằng các chính sách và hành động của Hamas “không đại diện cho người Palestine”.
Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là đại diện hợp pháp duy nhất của người dân Palestine, ông nói thêm khi điện đàm với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Theo thông cáo của Bộ ngoại giao Venezuela, 2 nhà lãnh đạo thảo luận “tình hình khủng khiếp” ở Dải Gaza sau “những cuộc tấn công không phân biệt” của Israel. Ông Maduro tái khẳng định sự ủng hộ vô điều kiện của Venezuela vì chính nghĩa và chính quyền Palestine.
Hai nhà lãnh đạo đồng ý “yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và thiết lập hành lang viện trợ nhân đạo”. Tổng thống Maduro đề nghị gửi 30 tấn hàng viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine trong vài ngày tới.
EU ra thông cáo mới
Tờ Politico ngày 16.10 đưa tin Liên minh châu Âu (EU) ra thông cáo mới trước cuộc họp ngày 17.10 của các nhà lãnh đạo liên minh về xung đột ở Trung Đông.
Lãnh đạo 27 thành viên EU lên án “một cách mạnh mẽ nhất đối với Hamas và việc lực lượng này tấn công khủng bố một cách thô bạo và không phân biệt khắp Israel”.
Bên cạnh đó, thông cáo còn đề cập tình hình tại Dải Gaza, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp” và sự cần thiết phải giúp đỡ những công dân đang gặp khó khăn nhất ở đó.
Một số công dân EU đã bị bắt làm con tin trong cuộc xung đột, trong khi có những công dân EU khác đang ở Dải Gaza. Liên minh châu Âu đã gặp khó khăn trong việc xây dựng quan điểm chính sách thống nhất kể từ cuộc tấn công của Hamas vào tuần trước.
Về phía Nga, hãng TASS đưa tin Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã thảo luận với người đồng cấp Brazil Mauro Vieira về việc xuống thang xung đột Hamas – Israel, nhấn mạnh rằng việc dàn xếp ở Trung Đông chỉ khả thi dựa trên tiến trình luật lệ quốc tế.
Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo bảo vệ dân thường và ngăn chặn cuộc khủng hoảng lan sang các nước khác trong khu vực.
Nguy cơ xung đột leo thang
Trong khi đó, Reuters dẫn lời giới chức Mỹ cảnh báo rằng cuộc xung đột Hamas – Israel có nguy cơ leo thang, sau khi khiến ít nhất 1.300 người Israel và 2.670 người Palestine thiệt mạng.
“Có nguy cơ cuộc xung đột này leo thang, mở ra mặt trận thứ 2 ở phía bắc”, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan cảnh báo và cho rằng có khả năng Iran tham gia.
Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian ngày 15.10 cảnh báo rằng nước này có thể hành động, đồng thời nhờ Đài Al Jazeera chuyển thông điệp đến giới chức Israel rằng nếu họ không dừng hành động ở Dải Gaza “Iran không thể đơn giản chỉ là một bên quan sát”.
T.P