Gần trọn thế kỷ xx thế giới chia làm hai phe. Phe xã hội chủ nghĩa do Liên xô đứng đầu, phe tư bản chủ nghĩa do Mỹ đứng đầu. Các cuộc chiến tranh đều có sự tham gia của hai phe.
Cuộc chiến tranh Triều Tiên, lực lượng phía Nam Triều được Mỹ và đồng minh hỗ trợ, lực lượng Bắc Triều được Trung Quố, Liên Xô hỗ trợ. Sự hỗ trợ của các bên không chỉ là vũ khí, trang bị, tiền bạc mà cả đưa lực lượng trực tiếp tham chiến. Thực tế sự tham chiến của quân đội Mỹ và quân đội Trung Quốc mang tính quyết định. Kết quả là Triều Tiên bị chia làm hai miền Nam – Bắc bằng một hiệp định đình chiến chứ không phải hiệp định hòa bình. Vì vậy cho đến nay Bắc – Nam Triều Tiên vẫn luôn ở trong tình trạng đối kháng, chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Hòa bình hay chiến tranh giữa Nam – Bắc Triều Tiên cho đến nay vẫn không thể tự họ quyết định mà còn phụ thuộc vào các nước lớn và đồng minh của họ.
Cuộc chiến tranh giành độc lập thống nhất ở Việt Nam cũng được hai phe hậu thuận, ủng hộ với tính chất và mức độ khác nhau.
Việt Nam dân chủ cộng hòa (miền Bắc) được Liên Xô, Trung Quốc và phe xã hội ủng hộ về vũ khí, trang bị, nhưng vẫn nguyên tắc độc lập về đường lối và phương thức tiến hành chiến tranh, không chấp nhận sự tham chiến trực tiếp của quân đội các nước. Những nhà lãnh đạo Việt Nam dân chủ cộng hòa (VNDCCH) luôn thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ‘không có gì quý hơn độc lập tự do’. Hơn nữa cuộc kháng chiến của VNDCCH là cuộc chiến tranh chính nghĩa được tất cả các nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý ủng hộ.
Còn chính quyền Việt Nam cộng hòa (VNCH – miền Nam) lại phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ và đồng minh. Toàn bộ vũ khí, trang bị, kinh tế đều phụ thuộc vào Mỹ và đồng minh. Thậm chí lương của sĩ quan, binh sĩ và toàn bộ bộ máy nhà nước đều do viện trợ của Mỹ chi trả. Mỹ và một số nước đồng minh (thời ấy vẫn gọi là các nước chư hầu) đã trực tiếp đưa quân vào tham chiến. Thời điểm ấy viện trợ của Mỹ cho VNCH là lớn nhất, quan số tham chiến nhiều nhất, tới nửa triệu quân. Nhiều nước chư hầu của Mỹ cũng đưa lực lượng quân đội thiện chiến nhất tham dự chiến tranh. Từ huấn luyện đến tác chiến của quân đội VNCH đều răm rắp tuân theo sự chỉ đạo của các cố vấn Mỹ.
Khi Mỹ nhận thấy không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh này đã buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với VNDCCH với cam kết rút quân đội Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam. Tiếp đó, Mỹ giảm dần viện trợ cho VNCH. Cuối năm 1974, Quốc hội Mỹ từ chối đề nghị tiếp tục viện trợ của VNCH thì VNCH lâm vào tình thế bi đát và cuối cùng phải chịu thất bại. Đó là kết quả của sự phụ thuộc toàn diện.
Cuộc chiến ở Ukraine hiện nay, một bên là nước Nga hoàn toàn độc lập và tự chủ về mọi mặt, một bên là Ukraine ngày càng phụ thuộc vào sự viện trợ, hậu thuẫn của Mỹ và đồng minh, chủ yếu là EU, NATO cũng đang lâm vào khó khăn bế tắc. Quân đội VNCH trước đây hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ của Mỹ và quân Mỹ cùng đồng minh trực tiếp tham chiến nhưng cuối cùng đã phải chịu thất bại.
Ukraine hiện nay tuy không có sự tham chiến trực tiếp của quân đội Mỹ và đồng minh, nhưng sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào sự viện trợ của Mỹ và NATO thì cũng đang dần lâm vào sự bi đát, một khi Mỹ và NATO giảm dần sự viện trợ. Hơn thế nữa, hàng chục triệu người Ukraine di tản ra nước ngoài không tham gia cuộc chiến, thanh niên ở lại toàn tìm cách trốn không tham gia quân đội càng làm cho Ukraine lâm vào thế khó.
Bài học của Việt Nam cộng hòa cách đây nửa thế kỷ, thiết nghĩ cũng đang còn là bài học cho Ukraine.
H.L