Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVị khách “đặc biệt” của BRF 3

Vị khách “đặc biệt” của BRF 3

Trong số 4.000 đại biểu bao gồm cả các nguyên thủ từ hơn 140 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế đến Bắc Kinh dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần 3 (BRF 3), ông Putin hẳn được coi là một trong những nhân vật quan trọng bậc nhất, nếu không nói là quan trọng nhất.

Ông Tập Cận Bình và ông Vladimir Putin (trái) tại cuộc gặp ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 18/10.

Tất nhiên, về mặt ngoại giao, cùng cái khôn, cái khéo của những cái đầu đang ve vãn và muốn tỏ ra hào hiệp, cởi mở, tôn trọng cả thế giới của Trung Nam Hải không hề tỏ ra “nhất bên trọng nhất bên khinh” với một ai. Nguyên thủ, khách Vip nào cũng được đón rước rất mực trang trọng trên thảm đỏ rực giữa hàng tiêu binh. Rồi cờ, rồi hoa; rồi cả đàn nhà báo rùng rùng chạy theo từng bước chân, tất cả đều quyết không để lọt bất cứ một khoảnh khắc quan trọng nào của các nhân vật quyền lực…

Vậy mà bằng cảm quan cùng sự soi mói từng chi tiết, nhiều người cho rằng: nhận định ông Putin là Vip nhất, là có cơ sở.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Bắc Kinh tham dự BRF 3 trong tư cách khách mời danh dự của nước chủ nhà, và hình như là vị khách danh dự độc nhất thì phải. Độc nhất thì là quá đặc biệt rồi. Nhưng giả như không phải thế đi, thì vẫn còn những việc khác, có thể coi là dấu hiệu của sự coi trọng đặc biệt của nước chủ nhà dành cho ông ta vậy.

Tỷ như cuộc hội đàm dài tới hơn 3 giờ đồng hồ ngày 18/10 giữa nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình với ông Putin chẳng hạn. Đang bấn việc, phải dàn thời gian nắm tay, gật đầu, vồn vã với hàng trăm vị khách, vậy mà ông Tập vẫn danh ngần ấy thời lượng để ngồi với ông Putin – chẳng lẽ là bình thường sao? Đương nhiên là không rồi. Vậy thì nếu không, nó hẳn phải là một cái gì “trên mức bình thường”!

Mà đâu phải ngồi lấy lệ, ngồi như một sự cưỡng bức của nghi thức, cuộc đàm đạo của hai nhà lãnh đạo của hai cường này được mô tả là cuộc ngồi của hai người “bạn thân” từng gặp nhau tới 42 lần trong 10 năm qua. Trong số 42 lần đó, có tới 3 lần gắn với người đàn ông quyền lực của nước Nga tới Bắc Kinh tham dự Diễn đàn BRF: ngoài BRF 3 này, trước đó là BRF1 và BRF 2.

Trong một thập kỷ, hai nguyên thủ quốc gia mà gặp nhau nhiều tới mức ấy chẳng biết đã là kỷ lục chưa, nhưng nếu không là tình thâm thì sao có thể?

Liên quan cái tình thâm của ông Putin và ông Tập Cận Bình, những lần trước thôi khỏi nhắc lại. Lần gặp tại Bắc Kinh này, cả chẳng biết có hẹn trước không, mà cùng dành cho nhau những lời mặn mà, tốt đẹp.

Ông Putin thì cô đọng đúc kết trong 18 chữ: “Tình hữu nghị láng giềng tốt đẹp, hợp tác bình đẳng, lâu dài, đôi bên cùng có lợi”. Bình về nó, có người đã tỷ mẩn đếm ra và ví như 18 chữ “vàng” thể hiện chủ trương, quan điểm của Kremlin về mối bang giao Nga – Trung. Nó khiến người ta không thể không liên hệ những điều ông Putin nói trên diễn đàn BRF 3, cũng ngày 18, nhưng trước đó chút ít thời gian, trong đó, ông đã khẳng định BRI là một “câu chuyện thành công” bất ngờ, có nhiều đóng góp trong thập kỷ qua; đồng thời, bày tỏ tin tưởng vào “thập kỷ vàng” tiếp theo của BRI…

Về phía chủ nhà, ông Tập Cận Bình thậm chí còn tỏ ra cởi mở và ít giữ ý hơn. Cụ thể, ông đã khẳng định “sự tin cậy lẫn nhau về mặt chính trị, sự phối hợp chiến lược chặt chẽ và hiệu quả” giữa hai nước Nga – Trung; khẳng định, mối quan hệ song phương đang “không ngừng trở nên sâu sắc hơn”….Trong câu chuyện dài dòng với vị chủ, có lẽ, điều khiến ông Putin cảm kích nhất là việc ông Tập Cận Bình cam kết: “Trung Quốc luôn ủng hộ Nga theo đuổi con đường chấn hưng đất nước một cách độc lập, bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích quốc gia”.

Tại sao lại là cảm kích nhất? Là bởi, như thế, ông Tập Cận Bình đã một lần nữa thể hiện quan điểm ủng hộ Nga trong cuộc chiến Ukraine; cho rằng những gì Nga làm tại Ukraine là hành động chính đáng.

Trong bối cảnh hiện nay, khi Nga đang chịu sức ép mạnh mẽ của dư luận về “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine; đang gần như đơn phương chống lại Mỹ và đồng minh phương Tây, những lời của ông Tập, đại diện cho một cường quốc hàng đầu, cho thấy: mục tiêu cô lập cùng các biện pháp cấm vận nước Nga do Mỹ đầu têu đã không đạt được kết quả. Kinh tế Nga sau thời gian khó khăn, vẫn tăng trưởng. Trong cộng đồng quốc tế, dù ít, nhưng vẫn có những tiếng nói bênh vực Nga, trong đó có tiếng nói “nặng đồng cân” của Trung Quốc. Dầu mỏ Nga vẫn có khách hàng, thậm chí còn bán được giá. Chiều ngược lại, nội bộ Mỹ và phương Tây đang có những triệu chứng phân tán quan điểm về việc có nên tiếp tục theo đuổi, dấn sâu hơn và một cuộc chiến ủy nhiệm tại Ukraine không bởi nó quá tốn kém, và Nga, sau gần 2 năm, tới nay dường như chưa hề có dấu hiệu lùi bước…

Dư luận còn biết, trước khi rời Bắc Kinh, ông Putin đã tiết lộ với báo giới là tại cuộc tiếp xúc trên, ông và ông Tập còn trao đổi về các “mối đe dọa chung”. Chẳng biết do nói kiểu nói lấp lửng là “bệnh nghề nghiệp” của người từng là sĩ quan cơ cơ quan mật vụ KGB (Liên Xô cũ) là ông Putin hay không, nhưng chỉ cần chừng đó, nhiều người cũng suy luận, nếu nội dung trao đổi đó là có thật, thì cái gọi là “mối đe dọa chung” ám chỉ ai.

Còn ai, ngoài Mỹ, thời điểm này đang đồng thời là đối thủ của cả Nga và Trung Quốc. Và chính những tiết lộ kiểu đó cũng góp phần chứng tỏ rằng: ông Putin là vị khách đặc biệt của ông Tập Cận Bình còn gì!

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới