Việc miễn nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc ngày 24/10 đã chấm dứt sự nghiệp lên như diều gặp gió của ông này trong lĩnh vực không gian, quân sự và trên chính trường, South China Morning Post đưa tin.
Việc miễn nhiệm đã đánh dấu sự kết thúc sự nghiệp kéo dài 4 thập kỷ của chuyên gia hàng không vũ trụ Lý Thượng Phúc, trong đó ông đóng vai trò quan trọng trong chương trình không gian đầy tham vọng của Trung Quốc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã công bố quyết định miễn nhiệm vào cuối cuộc họp kéo dài 5 ngày, sau khi ông Lý không xuất hiện trước công chúng hơn hai tháng. Cùng ngày, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ký sắc lệnh miễn nhiệm. Ông Phúc cũng bị cách chức Ủy viên Quốc vụ và Quân ủy Trung ương.
Từng phụ trách tác chiến điện tử, chiến tranh mạng, quản lý vệ tinh…
Ông Lý, 65 tuổi, là người ủng hộ chương trình hàng không vũ trụ của Trung Quốc trước khi được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng vào tháng 3. Ông thu hút sự chú ý toàn cầu với tư cách là bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của Trung Quốc nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.
Ông Lý có 31 năm công tác tại Trung tâm Phóng vệ tinh Tây Xương, gồm 10 năm làm giám đốc, và từng phục vụ trong quân chủng phụ trách tác chiến điện tử, chiến tranh mạng, quản lý vệ tinh… Vì vậy, khi được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng, ông được dự đoán có nhiều quyết sách phát triển công nghệ hàng không – vũ trụ và hiện đại hóa quân đội.
Năm 2022, ông Lý được bầu làm ủy viên Quân ủy Trung ương Trung Quốc, trở thành quân nhân đầu tiên trong Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược gia nhập Quân ủy Trung ương.
Sinh ra ở tỉnh Tứ Xuyên, ông Lý là người gốc tỉnh Giang Tây ở miền đông Trung Quốc. Cha của ông, Lý Thiệu Châu, là một cựu Hồng vệ binh và cựu sĩ quan cấp cao của Lực lượng Đường sắt của Quân đội Trung Quốc. Ông Lý Thiệu Châu nổi tiếng với việc góp phần xây dựng lại tuyến đường sắt hậu cần trong cuộc nội chiến và chiến tranh Triều Tiên.
Ông Lý Thượng Phúc gia nhập quân đội năm 1978 khi ông vào Đại học Công nghệ Quốc phòng. Ngay sau khi tốt nghiệp năm 1982, ông gia nhập Trung tâm Phóng vệ tinh Tây Xương với vai trò kỹ thuật viên.
Ông Lý trở thành giám đốc Trung tâm vào năm 2003, khi Trung tâm trở thành niềm tự hào của chương trình không gian của Trung Quốc. Năm 2007, ông phụ trách sứ mệnh Thường Nga 1 – phóng tàu vũ trụ không người lái đầu tiên của Trung Quốc bay quanh Mặt trăng.
Trong nhiệm kỳ 10 năm làm giám đốc Trung tâm, ông Lý đã giám sát nhiều vụ phóng tên lửa, bao gồm cả tàu thăm dò Mặt trăng Thường Nga 2 vào năm 2010.
Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước CCTV năm 2010, ông Lý nói rằng ước mơ của ông là tiếp tục làm công việc của mình thêm 8 năm nữa và thực hiện thêm 100 vụ phóng tên lửa trước khi nghỉ hưu.
Sau khi ông Lý Thượng Phúc vắng mặt trước công chúng với tin đồn bị đang bị điều tra tham nhũng, ông Trương Hựu Hiệp, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cũng không xuất hiện trước công chúng trong nhiều ngày. Lần xuất hiện gần đây nhất của ông Trương là hôm 8/9 khi ông tháp tùng ông Tập Cận Bình trong một đợt thị sát quân đội.
Trước khi ông Lý bị miễn nhiệm, Quân ủy Trung ương Trung Quốc khóa 20 (2022-2027) gồm có Chủ tịch Tập Cận Bình, hai Phó Chủ tịch Trương Hựu Hiệp và Hà Vệ Đông và bốn ủy viên Lý Thượng Phúc (Bộ trưởng Quốc phòng), Lưu Chấn Lập (Tổng tham mưu trưởng), Miêu Hoa (Đô đốc hải quân) và Trương Thăng Dân (Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương kiêm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân ủy Trung ương).
Binh nghiệp và ngoại giao quân sự
Tuy đam mê hàng không vũ trụ, ông Lý lại được giới chức hàng đầu của quân đội Trung Quốc để mắt vào năm 2013 và được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Tổng cục Vũ khí (GAD). GAD khi đó là cơ quan hàng đầu của quân đội Trung Quốc chịu trách nhiệm hoạch định chính sách và giám sát việc thiết kế, phát triển, sản xuất và mua sắm hệ thống vũ khí.
Ba năm sau, là một phần trong kế hoạch cải tổ bộ chỉ huy cấp cao của Quân đội mà Chủ tịch nước Tập Cận Bình vạch ra, GAD được tổ chức lại thành Cục Phát triển trang bị (EDD) của Quân ủy Trung ương.
Tuy nhiên, ông Lý đã được giao một công việc còn quan trọng hơn. Thay vì gia nhập EDD, ông được thăng chức làm Phó tư lệnh Lực lượng Hỗ trợ chiến lược mới thành lập – một cơ quan tinh nhuệ được ông Tập Cận Bình giao nhiệm vụ dẫn đầu nỗ lực hiện đại hóa quân đội.
Một năm sau, ông Lý được bổ nhiệm làm người đứng đầu bộ phận thiết bị của Quân ủy Trung Quốc; ông giữ vai trò này từ năm 2017 đến năm 2022. Ông bị Mỹ trừng phạt vào năm 2018 với cáo buộc mua vũ khí từ Nga.
Khi còn nắm quyền lãnh đạo quân đội, ông Lý vẫn tham gia chương trình không gian của Trung Quốc, bao gồm việc phát triển tàu thám hiểm Thường Nga 4 hạ cánh xuống vùng tối của Mặt trăng, một vùng Mặt trăng chưa được khám phá trước đây, vào tháng 1/2019.
Ông cũng là chỉ huy trưởng của sứ mệnh không gian có người lái Thần Châu – 12 của Trung Quốc, đưa ba phi hành gia tới trạm vũ trụ Thiên Cung vào tháng 6/2021.
Là gương mặt đại diện của quân đội Trung Quốc, ông Lý đã tích cực hoạt động ngoại giao quân sự kể từ khi được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng vào tháng 3/2023.
Ông đến thăm Ấn Độ vào tháng 4 và tham dự cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải – chuyến thăm đầu tiên tới nước này của một bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc kể từ khi xảy ra đụng độ ở Thung lũng Galwan khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng vào tháng 6/2020.
Ông Lý cũng đã xây dựng mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Nga, với hai chuyến thăm tới Mátxcơva và ba cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu trong sáu tháng. Hai bộ trưởng cam kết tăng cường hợp tác quân sự bất chấp áp lực ngày càng tăng từ phương Tây do Mỹ dẫn đầu về việc Nga thực hiện chiến dịch đặc biệt ở Ukraine. Ông Lý đến thăm Belarus vào tháng 8.
Vào tháng 6, ông Lý dẫn đầu một phái đoàn Trung Quốc tới Đối thoại Shangri-La ở Singapore, nơi ông gặp người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen và các quan chức quốc phòng hàng đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức. Nhưng ông không chính thức gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và từ chối cuộc gặp bên lề với ông chủ Lầu Năm Góc tại hội nghị.
Lần cuối cùng người ta nhìn thấy ông Lý trước công chúng là vào cuối tháng 8 khi ông tham dự Diễn đàn An ninh Trung Quốc – châu Phi ở Bắc Kinh.
Trước khi ông Lý Thượng Phúc và ông Tần Cương bị miễn nhiệm, Trung Quốc có 5 Ủy viên Quốc vụ (vị trí cao hơn bộ trưởng, thấp hơn phó thủ tướng), gồm Lý Thượng Phúc (kiêm nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng), Vương Tiểu Hồng (kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an), Ngô Chính Long (kiêm nhiệm Tổng thư ký Chính phủ), Thầm Di Cầm và Tần Cương (kiêm nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao).
T.P