Sunday, September 22, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnHội thảo Biển Đông nhằm ‘thu hẹp vùng biển xám, mở rộng...

Hội thảo Biển Đông nhằm ‘thu hẹp vùng biển xám, mở rộng vùng biển xanh’

Hôm nay 25.10, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 do Học viện Ngoại giao và các cơ quan đối tác phối hợp tổ chức đã khai mạc tại TP.HCM với chủ đề ‘Thu hẹp vùng biển xám, mở rộng vùng biển xanh’.

Phát biểu khai mạc Hội thảo Biển Đông, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Phạm Lan Dung giải thích lý do lựa chọn chủ đề của hội thảo năm nay. Theo đó, ban tổ chức mong muốn các chuyên gia sẽ cùng nhau phân tích về thực trạng Biển Đông và khu vực, làm rõ các quy tắc điều chỉnh chung, xác định các chính sách thúc đẩy lòng tin và hợp tác, làm sáng tỏ những hành vi có tác động tiêu cực tới trật tự dựa trên luật lệ quốc tế và khiến căng thẳng gia tăng.
Thế nào là vùng xanh và vùng xám?

Theo bà Phạm Lan Dung, “Thu hẹp vùng biển xám” hướng tới mục tiêu khiến không gian biển trở nên minh bạch và hòa bình hơn. “Mở rộng vùng biển xanh” nhằm xác định những tiềm năng của biển và tương lai, thông qua việc thúc đẩy những thực tiễn tốt trong những lĩnh vực quan trọng như chuyển đổi xanh, các công nghệ, nghiên cứu và đầu tư liên quan đến năng lượng điện gió, chuyển đổi năng lượng biển…

Hội thảo cũng tập trung trao đổi, thảo luận về cách thức các lực lượng trên biển và các cơ chế khu vực có thể đóng góp một cách xây dựng vì mục tiêu hướng tới một Biển Đông “xanh hơn”, “hòa bình hơn”.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đánh giá cao chuỗi Hội thảo Biển Đông tổ chức xuyên suốt 15 năm qua, cho phép tạo ra môi trường rộng mở, thẳng thắn, hữu nghị cho các chuyên gia khu vực và quốc tế hội tụ để tăng cường hiểu biết chung và thu hẹp khác biệt.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt kì vọng trong 15 năm tới, kênh đối thoại này sẽ tiếp tục trở thành một diễn đàn an ninh biển cấp độ khu vực quan trọng, rộng mở, bao trùm và sáng tạo; là nơi gặp gỡ và là điểm giao thoa giữa các lợi ích từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương và xa hơn nữa.

Nhận diện những thách thức mới

Ông Đỗ Hùng Việt cho rằng hiện nay trọng tâm toàn cầu đang tiếp tục chuyển dịch về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi trở thành “trung tâm” của tăng trưởng toàn cầu và là đầu tàu quan trọng cho phục hồi toàn cầu và thịnh vượng tương lai.

Tuy nhiên, tương lai đó không thể được đảm bảo nếu thiếu đi hòa bình, ổn định bền vững nói chung và trên không gian biển khu vực nói riêng.

Hiện nay, cạnh tranh chiến lược đang tạo ra những “chia rẽ lớn” và “rạn nứt lớn” theo như nhận định của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres. Xung đột đang diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới; trên không gian biển tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chắc chắn không tránh khỏi nguy cơ đối đầu và xung đột.
Tình hình đó buộc Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế phải liên tục nhận diện những mối đe dọa tiềm tàng trên biển, rà soát những cơ chế hợp tác hiện hành để giải quyết những thách thức mới nổi và cùng nhau hành động ngăn chặn những mối đe dọa đó.

So với 15 năm trước, Thứ trưởng cho rằng tình hình Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp hơn, nhiều “vùng xám” mới nảy sinh cần phải được làm sáng tỏ. Bên cạnh đó, Biển Đông vẫn là khu vực mang lại nhiều cơ hội hợp tác tiềm năng.

Trong bối cảnh đó, ông Đỗ Hùng Việt đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề của hội thảo; nhấn mạnh rằng chỉ thông qua hợp tác, chúng ta mới có thể giúp Biển Đông chuyển màu sắc từ “xám” sang “xanh”, hướng tới hòa bình và phát triển bền vững.

Để làm được điều đó, điều quan trọng là phải tôn trọng và tuân thủ luật biển quốc tế, được thể hiện trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Tiếng nói của các thế hệ kế thừa

Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 diễn ra trong hai ngày 25-26.10 với 8 phiên về các chủ đề đa dạng. Trong đó có những phiên thu hút sự chú ý như “Các nước lớn và Những trách nhiệm lớn: Hợp tác và cùng chung sống trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng?”, “Cách tiếp cận đa phương về Biển Đông: Một xu hướng mới?”; “Vai trò của Cảnh sát biển trong tăng cường hợp tác ở Biển Đông”.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong năm nay hội thảo dành riêng một phiên thảo luận giữa đại diện từ lực lượng cảnh sát biển của một số nước ven biển Biển Đông.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã nâng cấp một phiên riêng của các nhà lãnh đạo trẻ tại khu vực trở thành phiên toàn thể trong chương trình nghị sự. Trong các năm trước, chương trình lãnh đạo trẻ ở khu vực được thiết kế là phiên thảo luận bên lề Hội thảo Biển Đông.

Năm nay, việc nâng cấp phiên lãnh đạo trẻ vào chương trình nghị sự chính để hướng tới mục tiêu tạo nhận thức cho thế hệ kế cận về tầm quan trọng của hòa bình, hợp tác, thượng tôn pháp luật và tìm kiếm những góc nhìn mới mẻ về giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới