Trong lúc Bắc Kinh vật lộn với suy thoái, một số chuyên gia đã dự đoán về một tương lai sáng sủa hơn.
Những ngày này thật cô đơn đối với những ai còn lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc. Hiện tại, có sự nhất trí rộng rãi giữa các nhà quan sát Trung Quốc – và đây là một nhóm lớn – rằng nước này đã bước vào thời kỳ khó khăn và tình hình chắc chắn sẽ sớm tệ hơn rất nhiều.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi nền kinh tế Trung Quốc là “quả bom hẹn giờ.” Paul Krugman của New York Times nhận định vài năm tới “có thể sẽ khá tồi tệ” đối với Trung Quốc. “Những đám mây đen đang bao trùm nền kinh tế Trung Quốc,” Fareed Zakaria của CNN nói. Cựu giám đốc điều hành PIMCO Mohamed El-Erian thì tuyên bố ông không chắc rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể vượt qua nền kinh tế Mỹ, dù quy mô nền kinh tế Trung Quốc gần bằng 3/4 nền kinh tế Mỹ và thậm chí còn tăng trưởng nhanh hơn Mỹ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn thấy một tương lai u ám cho Bắc Kinh. Vẫn có một quan điểm cần được cân nhắc, quan điểm cho rằng Trung Quốc sẽ một lần nữa thách thức mọi dự đoán và tiếp tục tăng trưởng lành mạnh, nếu không muốn nói là với tốc độ đáng kinh ngạc mà nước này từng đạt được. Việc chỉ có một quan điểm thống nhất về một hệ thống phức tạp và đầy bí ẩn như nền kinh tế Trung Quốc là việc làm nguy hiểm. Giả định của các nhà phân tích về giới lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cách họ diễn giải dữ liệu kinh tế Trung Quốc và có thể dẫn đến những kết luận sai lầm.
Chẳng hạn, suốt nhiều năm, các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng tốc độ tăng trưởng siêu nhanh của Bắc Kinh sẽ không bị gián đoạn. Sự lạc quan đó đã biến mất, nhưng giờ đây, người ta hoàn toàn có thể mắc sai lầm tương tự và đánh giá sai tốc độ suy thoái của Trung Quốc.
Tom Orlik, nhà kinh tế trưởng của Bloomberg Economics, nhận xét “Các lãnh đạo Trung Quốc rất giỏi che giấu thông tin về cách họ suy nghĩ và vận hành, đến mức mọi thứ trở nên giống như sự kết hợp giữa hộp đen và bài kiểm tra Rorschach. Khi chúng ta đọc các bài viết về giới lãnh đạo Trung Quốc, chúng ta chủ yếu đọc về quan điểm cơ bản của các nhà phân tích, hơn là những gì giới lãnh đạo Trung Quốc thực sự suy nghĩ.”
Orlik chắc chắn nằm trong nhóm những người lạc quan. Cuốn sách xuất bản năm 2020 của ông có tên China: The Bubble that Never Pops (Trung Quốc: Bong bóng không bao giờ vỡ), và ông nói rằng hiện tại mình vẫn chưa nghe thấy tiếng vỡ nào. Xin tiết lộ, tôi và Orlik đã làm việc cùng nhau vài năm tại văn phòng Bắc Kinh của Wall Street Journal.
Nhà Trắng nhìn chung có quan điểm tiêu cực về nền kinh tế Trung Quốc – như được phản ánh trong phát biểu hồi tháng 8 của Biden về quả bom hẹn giờ. Nhưng họ cũng đang tìm kiếm thông tin mới. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh G-20 ở New Delhi vào tháng 9, những người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia và Hội đồng Kinh tế Quốc gia đã nhóm họp với một số nhà kinh tế tư nhân để lắng nghe quan điểm của họ.
Quan điểm của những người lạc quan đến từ việc xem xét kỹ lưỡng dữ liệu kinh tế Trung Quốc, nhưng đồng thời phản ánh suy nghĩ rằng: dù Chủ tịch Tập Cận Bình và phần còn lại của giới lãnh đạo Trung Quốc là những người có đường lối cứng rắn về mặt chính trị, họ là những người thực dụng về kinh tế, muốn đi theo truyền thống của Đặng Tiểu Bình, người đã chủ trương Trung Quốc cần mở cửa với phương Tây. Đúng là Tập đã trấn áp các doanh nhân giàu có trong lĩnh vực công nghệ và bất động sản, cũng đúng là ông đã buộc đóng cửa các trường dạy thêm tư nhân, và chắc chắn là ông đã tập trung hóa hơn nữa khu vực nhà nước, nhưng ông vẫn có khả năng điều chỉnh hướng đi, như những người lạc quan lập luận.
Nhà kinh tế Nicholas Lardy của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson viết “Vào tháng 7/2023, các cơ quan quản lý đã đưa ra một dấu hiệu rõ ràng” cho khu vực tư nhân, rằng cuộc đàn áp đối với các công ty internet đã phần nào kết thúc. Ông ước tính đầu tư tư nhân vẫn chiếm hơn một nửa tổng đầu tư ở Trung Quốc, phản ánh sự thừa nhận của Bắc Kinh rằng họ cần khuyến khích khu vực tư nhân. Lardy, người được xem là nhà kinh tế học của các nhà kinh tế học Trung Quốc, không phải lúc nào cũng lạc quan. Cuối thập niên 1990, ông là một trong những nhà kinh tế đầu tiên trình bày chi tiết những vấn đề sâu xa của hệ thống ngân hàng Trung Quốc trước khi Bắc Kinh buộc phải công khai chúng.
Ngay cả trong số những người lạc quan, vẫn có sự nhất trí rộng rãi rằng kỷ nguyên tăng trưởng hai con số, hoặc chí ít là 7-9%, của Trung Quốc đã kết thúc. Và các cuộc thanh trừng chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục. Evergrande Group, nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang ôm món nợ khổng lồ, cho biết chủ tịch kiêm nhà sáng lập tập đoàn, Hứa Gia Ấn, đang phải chịu “các biện pháp bắt buộc” – một dạng quản thúc tại gia – trong khi bị điều tra về các cáo buộc phạm tội.
Lâm Nghị Phu, cựu nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, hiện là trưởng khoa tại Đại học Bắc Kinh, khẳng định rằng Trung Quốc vẫn có thể tăng trưởng ở mức 8% mỗi năm, nhưng ông cũng là một ngoại lệ ngay cả ở quê nhà. Cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” cho năm 2023, một mục tiêu thấp hơn nhiều người nghĩ, vì năm cơ sở, 2022, đã quá tệ hại. Orlik nói, “Tăng trưởng chậm sẽ được che đậy bởi số liệu thống kê.”
Câu hỏi đặt ra là liệu tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm tốc dần dần qua các năm, như quan điểm của nhóm lạc quan, về mức 2% hay 3%, giống với các nước giàu như Mỹ, hay sẽ giảm tốc đột ngột hoặc sâu rộng đến mức gây ra một cuộc khủng hoảng.
Những người bi quan – với sự đồng thuận ngày càng cao – đã đưa ra lập luận mạnh mẽ rằng mô hình Trung Quốc đã cạn kiệt nguồn lực vì sự kết hợp của các vấn đề mang tính cơ cấu. Chúng bao gồm dân số già; lực lượng lao động bị thu hẹp; nợ tăng cao; thị trường bất động sản sụp đổ; quan hệ lạnh nhạt với các khách hàng thương mại lớn nhất của Trung Quốc, là Mỹ và châu Âu; và việc người tiêu dùng không sẵn sàng chi tiêu do lo sợ cách giới lãnh đạo xử lý cuộc khủng hoảng COVID và các vấn đề khác.
Sau khi phong tỏa dân chúng liên tục trong gần ba năm, Bắc Kinh đột ngột dỡ bỏ các hạn chế vào tháng 12/2022 nhưng lại không tiêm chủng cho nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất. Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ước tính gần 2 triệu người có thể đã chết trong hai tháng đầu tiên sau khi dỡ lệnh phong tỏa. Chủ tịch Viện Peterson, Adam Posen, một thành viên của phe bi quan, cho biết Trung Quốc đang phải hứng chịu “đại dịch Covid kéo dài về kinh tế,” thể hiện qua việc chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh nhỏ giọt.
Những đòn bẩy thông thường mà Trung Quốc sử dụng khi gặp khó khăn đã không còn hiệu quả. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng mang lại lợi ích ngày càng nhỏ sau hàng chục năm xây dựng đường sắt cao tốc, cầu, tàu điện ngầm, và những công trình tương tự. Việc đẩy mạnh cho vay sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính. Theo Michael Pettis, nghiên cứu viên cấp cao tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, người cũng giảng dạy tài chính tại Đại học Bắc Kinh, “Lập luận rằng họ [chính phủ Trung Quốc] sẽ giải quyết được vấn đề là một lập luận vô lý.”
Về cơ bản, những người bi quan nói rằng Trung Quốc đã dùng hết bài của mình. Như Herb Stein, một nhà kinh tế học nổi tiếng với khiếu hài hước, từng nhận xét “Nếu điều gì đó không thể tiếp diễn mãi mãi, nó sẽ dừng lại.”
Tuy nhiên, Pettis thừa nhận ông đã đưa ra lập luận về tăng trưởng chậm ở Trung Quốc chí ít là từ năm 2012, trong khi nước này vẫn tiếp tục tiến lên phía trước. Và trong thời gian đó, Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ 6,4% hàng năm, so với mức 2,1% của Mỹ, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Nếu xét đến những câu chuyện ồn ào xoay quanh các vấn đề kinh tế của Trung Quốc, người ta sẽ rất dễ quên sự trỗi dậy kinh tế của nước này từng đáng chú ý như thế nào. Năm 1980, khi Trung Quốc lần đầu tiên thử nghiệm cải cách thị trường, quy mô nền kinh tế của họ chỉ bằng 11% quy mô của Mỹ. Hiện nay, con số này đã lên tới 71%, theo ước tính của IMF, bất chấp khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và 1998 cũng như khủng hoảng toàn cầu năm 2008 và 2009. Hàng trăm triệu người Trung Quốc đã thoát nghèo và nước này đã trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ.
Arvind Subramanian, cựu cố vấn kinh tế của chính phủ Ấn Độ, nhận định “Dù hiện tại họ đang gặp vấn đề, nhưng chúng ta không nên quên rằng những gì Trung Quốc đạt được là phép màu kinh tế vĩ đại nhất mà nhân loại từng chứng kiến.” Năm 2011, Subramanian xuất bản một cuốn sách dự đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua nền kinh tế Mỹ vào khoảng năm 2030. Ông cho biết mình vẫn giữ nguyên dự đoán đó bất chấp các vấn đề của Trung Quốc, vì ông vẫn kỳ vọng Trung Quốc sẽ tăng trưởng nhanh hơn Mỹ trong phần còn lại của thập niên này.
Andy Rothman, chuyên gia về Trung Quốc tại công ty đầu tư Matthews Asia, nói rằng điều quan trọng là phải ghi nhớ thành tích của Trung Quốc. Ông đến sống ở Trung Quốc vào năm 1980, khi nước này còn nghèo, và đã chứng kiến họ vượt qua nhiều vấn đề và dần phát triển thịnh vượng. Ông cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về hồi kết của nền kinh tế Trung Quốc.
Ông nói, “Một trong những yếu tố khiến Trung Quốc yếu đi là do người dân nước này chỉ mới thoát khỏi COVID vào tháng 1 năm nay. Chẳng ai ở Trung Quốc làm ra tiền [trong thời gian phong tỏa]. Chúng ta cần kiên nhẫn thêm chút nữa.”
Ông và những người lạc quan khác tin rằng dữ liệu kinh tế không thực sự nghiêm trọng như những gì đang được diễn giải. Ví dụ, phe bi quan chỉ ra những vấn đề lớn trong lĩnh vực bất động sản, chiếm tỷ trọng khoảng 20% trở lên trong hoạt động kinh tế Trung Quốc. Doanh số bán căn hộ và đất nền đang giảm sâu, trong khi một số nhà phát triển lớn đang chuẩn bị phá sản.
Theo Lardy, doanh số bán nhà đạt đỉnh vào năm 2021, ở mức 1,8 tỷ mét vuông, và giảm xuống còn 1,4 tỷ vào năm ngoái. Ông ước tính con số sẽ tiếp tục giảm xuống còn 1,2 tỷ vào năm 2023. Điều đáng ngạc nhiên là giá căn hộ không giảm nhiều như tưởng tượng, dù nguyên nhân có thể là do chính quyền địa phương đã nhúng tay vào việc ấn định giá cho căn hộ mới. Bloomberg báo cáo rằng dữ liệu giá chính thức có thể không phản ánh được mức độ sụt giá vì Trung Quốc thu thập dữ liệu một phần từ các cuộc khảo sát nhà ở, thay vì giao dịch thị trường.
Các vấn đề liên quan đến bất động sản có tác động sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế, ảnh hưởng đến ngành xây dựng, nội thất, thiết bị, gạch lát, và các mặt hàng có liên quan, cũng như mức độ sẵn sàng chi tiêu của người dân cho các hàng hóa và dịch vụ khác. Chính quyền địa phương, vốn đã mắc nợ nặng nề, cũng trông cậy vào việc bán bất động sản để có nguồn thu tài trợ cho các hoạt động của mình.
Nhưng sự sụp đổ của thị trường bất động sản sẽ trở nên nguy hiểm nhất khi người đi vay không trả được nợ thế chấp, như đã xảy ra ở Mỹ trong năm 2008 và 2009. Điều đó sẽ làm suy yếu các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác, đồng thời đóng băng hoạt động cho vay trong toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, những người vay thế chấp hiếm khi vỡ nợ, bởi vì họ phải đặt cọc lên tới 20% hoặc 30%, khiến tác động tài chính của việc từ bỏ khoản vay lớn hơn nhiều so với ở Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng tài chính, khi người đi vay gần như không phải đặt cọc gì cho khoản thế chấp.
Lardy cũng lưu ý rằng trong khi ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, báo cáo tổng các khoản nợ xấu là 1,38% vào cuối năm 2022, thì tỷ lệ vỡ nợ thế chấp nhà ở chỉ là 0,39%.
Theo tính toán của Orlik, nhà kinh tế học của Bloomberg, Trung Quốc đã xây quá 30% số nhà cần thiết ở thời điểm bong bóng bất động sản xuất hiện và mọi người mua bất động sản như một khoản đầu cơ. Hiện tại, phần cung dư thừa đã giảm xuống còn 18%, tính toán dựa trên số liệu khấu hao và di cư, có nghĩa là Trung Quốc đã đi được một nửa chặng đường để giải quyết vấn đề về cung của mình.
Tuy nhiên, cầu cũng đã giảm xuống dưới mức mà Orlik gọi là “mức bền vững” – nghĩa là số lượng căn hộ cần thiết để thay thế các tòa nhà đổ nát, trở thành nơi ở cho các gia đình mới và người di cư chuyển đến thành phố. Dù điều đó có nghĩa là sẽ rất khó để cân bằng cung và cầu, làm sâu sắc thêm tình trạng suy thoái, Orlik cho rằng nó vẫn mang lại cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc cơ hội khuyến khích mua bất động sản một lần nữa, nhưng lần này không gây ra bong bóng.
Quả thực, kể từ tháng 8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và các cơ quan quản lý khác đã tìm cách thúc đẩy thị trường khi cắt giảm lãi suất, giảm yêu cầu thanh toán trước, và nới lỏng việc thực thi các quy định chống đầu cơ.
Tương tự, những người lạc quan có cũng có cách diễn giải khác về mức tiết kiệm hộ gia đình, vốn đã tăng lên 36% từ mức 32% trước COVID, theo Bloomberg. Gia tăng tiết kiệm thường được hiểu là một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với nền kinh tế Trung Quốc, phản ánh những lo lắng của người tiêu dùng về giá bất động sản, nợ và các chính sách COVID thiếu sót của chính phủ. Tại sao lại tiêu tiền hôm nay nếu bạn lo rằng mình sẽ cần tiền để tồn tại vào ngày mai?
Nhưng Lardy có một lời giải thích đơn giản hơn cho việc tiết kiệm tăng lên. Các hộ gia đình Trung Quốc đã bị nhốt trong nhà gần ba năm qua và chẳng có cách nào để tiêu tiền, nên tiền tiết kiệm của họ mới tăng lên. Ông tin rằng điều này tạo ra một kho tiền mặt sẽ sớm được khai thác. Ông cho biết thu nhập khả dụng của các hộ gia đình tại các thành phố của Trung Quốc đã tăng nhanh chóng trong nửa đầu năm 2023, trong khi tốc độ tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng nhanh gấp khoảng 10 lần so với năm trước.
“Mọi người đã không thể ra khỏi nhà của mình,” ông nhận xét. Tỷ lệ tiết kiệm “không phải là một chỉ báo tốt về tính bất định hoặc về nỗi lo bị chiếm đoạt tài sản.”
Đằng sau sự khác biệt trong cách giải thích dữ liệu là sự khác biệt trong quan điểm về các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Pettis, từ Carnegie, nhận định giới lãnh đạo vẫn mắc kẹt trong suy nghĩ rằng Trung Quốc chỉ có thể phát triển thông qua đầu tư – ngay cả khi việc thúc đẩy đầu tư không còn mang lại kết quả như trước. Tập Cận Bình và các cấp dưới của ông quá cứng nhắc và không sẵn sàng trả giá chính trị để chuyển nền kinh tế sang phụ thuộc nhiều hơn vào chi tiêu của người tiêu dùng, vốn là hướng đi mà Pettis và nhiều nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc phải hướng tới.
Ông nói “Cần một sự thay đổi lớn trong các thể chế trong nước” để hệ thống kinh tế không ưu ái các nhà xuất khẩu, nhà sản xuất, và doanh nghiệp nhà nước hơn người tiêu dùng. “Vấn đề không nằm ở chủ nghĩa cộng sản. Brazil đã trải qua tình trạng tương tự vào những năm 1960 và 1970 dưới chế độ độc tài quân sự. Nhật Bản cũng từng trải qua điều đó.”
Matt Turpin, giám đốc về Trung Quốc của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Trump, đã tóm tắt quan điểm bi quan về Tập và các đồng minh của ông một cách ngắn gọn, “Những ông cụ 70 tuổi trong nhiệm kỳ thứ ba hiếm khi thực hiện những thay đổi mạnh mẽ về phương hướng.”
Tuy nhiên, những người lạc quan cho biết họ đã nhận ra một số tín hiệu cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc đã sẵn sàng thực hiện một số thay đổi – chí ít là bằng cách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân mở rộng và khuyến khích người nước ngoài đầu tư. Bắc Kinh thường gửi tín hiệu thông qua các bài phát biểu, chiến dịch, và quy định về định hướng mà giới lãnh đạo muốn nền kinh tế đi theo. Sau đó, các địa phương sẽ tự tìm ra cách thực hiện những mong muốn đó.
Các lãnh đạo địa phương, những người mà khả năng thăng tiến phụ thuộc vào việc triển khai các ưu tiên của đảng, sẽ cạnh tranh với nhau để bắt đầu các dự án, ngay cả khi điều đó dẫn đến sản xuất dư thừa và kém hiệu quả. Không có gì ngạc nhiên khi nền kinh tế Trung Quốc tràn ngập các sản phẩm từ thép, xe điện, đến pin mặt trời, khiến giá giảm liên tục cho đến khi nhiều nhà sản xuất hoạt động thua lỗ.
“Họ mắc rất nhiều sai lầm,” Rothman nhận xét. “Nhưng chúng tôi đã thấy những dấu hiệu mới kể từ tháng 7, cho thấy họ đang thừa nhận sai lầm và đang chuyển sang chủ nghĩa thực dụng.”
Ông nói những dấu hiệu đó bao gồm các bài phát biểu của Tập và Thủ tướng Lý Cường đề cao vai trò của khu vực tư nhân. Cuộc họp của Bộ Chính trị vào tháng 7 do Tập chủ trì “đã kêu gọi các chính sách và biện pháp thúc đẩy đầu tư tư nhân và cung cấp cho các doanh nghiệp tư nhân một môi trường thuận lợi,” theo Thời báo Hoàn cầu, một trang tin tức thuộc sở hữu nhà nước, đặt tên cho các chính sách mới là “Xiconomics.” Một tháng sau, 8 bộ của Trung Quốc đã ban hành 28 biện pháp hỗ trợ khu vực tư nhân.
Rothman giải thích đề xuất nới lỏng các quy tắc an ninh mạng mà các công ty nước ngoài từng phàn nàn là một dấu hiệu khác của chủ nghĩa thực dụng. Nhưng có rất nhiều dấu hiệu trái ngược nhau cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục đi theo con đường cũ. Một ấn bản ngày 30/9 của Wall Street Journal đã đăng tải những câu chuyện về việc các nhà chức trách Trung Quốc tìm cách ngăn chặn Apple cung cấp các ứng dụng truyền thông xã hội của phương Tây trên iPhone ở Trung Quốc và cấm một nhân viên của công ty tư vấn rủi ro Kroll rời khỏi đất nước. Sự việc đó xảy ra sau một cuộc đột kích vào các văn phòng của công ty thẩm định Mintz Group, cùng với những động thái hà khắc khác.
Christopher Johnson, cựu chuyên gia phân tích Trung Quốc của CIA, cũng chỉ ra rằng giới lãnh đạo đã chậm trễ trong việc ấn định ngày tổ chức hai hội nghị kinh tế quan trọng vốn thường được tổ chức 5 năm một lần. Một là Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Ban chấp hành Trung ương Đảng; hai là Hội nghị Công tác Tài chính Quốc gia.
Các lãnh đạo Trung Quốc có thể sử dụng những hội nghị đó để đưa ra những thông báo kinh tế quan trọng. Hội nghị trung ương ba năm 2013 tuyên bố rằng thị trường sẽ đóng “vai trò quyết định” trong nền kinh tế, dù điều đó đã không xảy ra. Sau cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán vào năm 2015 và 2016, Tập đã có những động thái dứt khoát hơn nhiều trong việc củng cố khu vực nhà nước. Johnson, người hiện đứng đầu công ty tư vấn rủi ro chính trị China Strategies Group, cho biết “Họ đang cố gắng tạo ra một định hướng mới”.
Eswar Prasad của Đại học Cornell chỉ ra sự thiếu liên kết giữa các thông điệp đến từ Bắc Kinh và trung tâm tài chính ở Thượng Hải. Ông cho biết, trong chuyến đi tới Trung Quốc vào tháng 7, các quan chức chính phủ ở Bắc Kinh đã đảm bảo với ông rằng họ đang thực hiện các bước quan trọng để củng cố niềm tin vào nền kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân.
Nhưng ở Thượng Hải, quê hương truyền thống của các doanh nhân Trung Quốc, ông lại nghe được một câu chuyện rất khác. Ông kể lại “Có quan điểm cho rằng một điều gì đó cơ bản đã thay đổi trong quan điểm của Bắc Kinh về doanh nghiệp tư nhân. Họ xem Bắc Kinh là có phần thù địch và cần phải hết sức thận trọng.”
Prasad nói rằng ông nghĩ Trung Quốc sẽ tìm cách thoát khỏi tình trạng khó khăn và phát triển lành mạnh hơn, nhưng đó sẽ là cú hồi sinh từ cửa tử. Ông nhận xét “Mỗi khi nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, người ta thường có xu hướng nói rằng cuối cùng thì hồi kết cũng đã gần kề. Quan điểm của những người lạc quan có thể quá lạc quan, nhưng nó cung cấp cơ sở để chúng ta không quá phấn khích mỗi khi nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn.”
T.P