Tuesday, January 7, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiXung đột Israel-Hamas, Nga hưởng lợi

Xung đột Israel-Hamas, Nga hưởng lợi

Khi Israel và Hamas dần bước vào một cuộc chiến tổng lực, Nga trông giống như kẻ đứng bên lề hơn là vai chính. Không có bằng chứng nào cho thấy Moscow trực tiếp hỗ trợ hoặc tiếp tay cho cuộc tấn công khủng bố của Hamas chống lại Israel vào ngày 7/10, bất chấp một số gợi ý ban đầu. Tương tự, về mặt ngoại giao, Điện Kremlin có tầm quan trọng không đáng kể, không thể xoa dịu căng thẳng đang lan rộng.

Tuần trước, trạng thái bên lề của Nga đã được làm sáng tỏ. Trong lúc Tổng thống Biden tới Israel như một phần của hoạt động ngoại giao con thoi chuyên sâu của Mỹ trên khắp Trung Đông, thì Tổng thống Vladimir Putin – người đã đợi gần 10 ngày mới trò chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel – thay vào đó lại tới Bắc Kinh. Tại Liên Hiệp Quốc, các quan chức Nga bày tỏ sự thương tiếc đối với thương vong dân sự trong chiến tranh và thúc giục ngừng bắn nhân đạo. Nhưng đó chỉ là hành động bề ngoài. Thiếu đòn bẩy đối với các bên xung đột, Moscow không thể làm trung gian để Hamas thả con tin hoặc đảm bảo các hành lang nhân đạo, chứ đừng nói đến việc ngăn chặn giao tranh.

Tuy nhiên, bất chấp ảnh hưởng hạn chế của mình, Nga đang nổi lên như một nước hưởng lợi lớn từ cuộc chiến Hamas-Israel. Chỉ với nỗ lực tối thiểu, Moscow đang thu được lợi ích lớn từ tình hình hỗn loạn ở Trung Đông, vốn đang đe dọa đẩy người Israel và Palestine vào cảnh hoang tàn. Trong ba lĩnh vực chính – chiến dịch quân sự chống lại Ukraine, các kế hoạch của Nga ở Trung Đông, và cuộc chiến toàn cầu với các nước phương Tây – Nga sẽ được hưởng lợi từ một cuộc xung đột kéo dài. Chẳng cần làm gì nhiều, Putin đang đạt được điều mình muốn.

Đầu tiên và quan trọng nhất, các sự kiện ở Gaza đang khiến các nhà hoạch định chính sách và công chúng phương Tây mất tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine. Phải tiến hành một cuộc phản công khốc liệt trong khi chịu đựng những đợt bắn phá không ngừng của Nga, Ukraine giờ đây còn phải chia sẻ sóng phát thanh với Israel và Palestine. Nỗi lo các xã hội phương Tây đang bắt đầu “mệt mỏi vì Ukraine,” vốn đã xuất hiện từ trước ngày 7/10, sẽ tiếp tục gia tăng. Đối với Nga, điều đó có thể mang lại một quãng nghỉ sau khi họ thường xuyên bị giám sát chặt chẽ về tội ác chống lại Ukraine. Tuần trước, trong lúc mọi sự chú ý đều đổ dồn vào Gaza, người ta đã quên mất một cuộc tấn công tên lửa chết người của Nga nhắm vào thành phố Zaporizhzhia của Ukraine.

Việc thiếu hụt sự chú ý của giới truyền thông sẽ dẫn đến thiếu hụt đạn dược. Biden đã cam kết rằng Mỹ đủ khả năng hỗ trợ các nhu cầu an ninh của cả Israel và Ukraine, đồng thời đang yêu cầu Quốc hội cấp 105 tỷ USD tài trợ khẩn cấp để trang trải cho những nhu cầu này. Nhưng Israel cuối cùng có thể cần đến những loại vũ khí mà hiện Ukraine đang thiếu, bao gồm cả máy bay không người lái có vũ trang và đạn pháo. Bị mắc kẹt trong một cuộc chiến tiêu hao do chính mình tạo ra, Nga hẳn đang thích thú khi một cuộc xung đột mới xuất hiện và gây khó khăn cho người Mỹ, làm cạn kiệt sức mạnh đối thủ của họ.

Hơn nữa, cuộc chiến ở Gaza có nguy cơ trì hoãn – nếu không muốn nói là làm chệch hướng – những nỗ lực của chính quyền Biden nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Saudi. Từ trước tháng 10, Washington đã phải đảm nhận trọng trách dung hòa những yêu cầu khác biệt của các bên liên quan đối với sự bảo đảm an ninh của Mỹ, chương trình hạt nhân dân sự của Saudi, và số phận của người Palestine. Chu kỳ bạo lực mới hiện đang đe dọa huỷ hoại sáng kiến này.

Điều đó sẽ làm hài lòng các quan chức ở Moscow, những người luôn coi Hiệp định Abraham, loạt thỏa thuận giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập được ký vào năm 2020, vốn mở đường cho quá trình bình thường hóa quan hệ với Ả Rập Saudi, là một dự án của Mỹ nhằm gạt Nga sang một bên. Thất bại của hiệp định này sẽ mang lại cho Nga nhiều thứ hơn là niềm vui thuần túy khi chứng kiến Mỹ chật vật. Moscow có kế hoạch của riêng mình về hợp tác hạt nhân với Ả Rập Saudi, và cũng hy vọng sẽ cản trở sự phát triển quan hệ đối tác quốc phòng Ả Rập-Israel chống lại Iran, một đối tác ngày càng thân thiết của Nga.

Nhưng lợi ích lớn nhất của Nga có lẽ đến từ dư luận toàn cầu. Điện Kremlin đã từ chối gọi cuộc tấn công ngày 7/10 là “khủng bố” và đổ lỗi rằng sự leo thang là do những sai lầm trong chính sách của phương Tây. Thông điệp này của Moscow khiến quan điểm của Nga phù hợp với tâm lý của công chúng trên khắp Trung Đông. Ẩn sau những quan điểm như vậy, những lời kêu gọi bảo vệ mọi thường dân, và sự thừa nhận quyền tự vệ của Israel là những dấu hiệu cho thấy quan điểm ủng hộ Palestine. Trên các phương tiện truyền thông Nga, hình ảnh đau khổ của người Palestine ở Gaza đã chiếm vị trí trung tâm, và các quan chức Nga đã nêu bật những lo ngại về nhân đạo trong khi tránh bất kỳ sự chỉ trích trực tiếp nào đối với Hamas. Sự ủng hộ của Moscow với sự nghiệp của người Palestine không phải là mới, nhưng Điện Kremlin đang khiến điều đó trở nên rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, tham vọng của Nga đã vượt ra ngoài Trung Đông. Tự phong mình là David đối đầu với Goliath phương Tây, Nga đã coi cuộc chiến chống Ukraine là một cuộc chiến “chống thực dân” nhằm chấm dứt sự thống trị toàn cầu của phương Tây – khai thác những bất bình mạnh mẽ ở các nước đang phát triển đối với sự kiêu ngạo và đạo đức giả của phương Tây. Phản ứng của Điện Kremlin đối với cuộc chiến ở Gaza, tạo khoảng cách giữa nước này với lập trường ủng hộ Israel rõ ràng của Washington, được thiết kế để khai thác những cảm xúc đó hơn nữa. Đối với Nga, việc kích động sự vỡ mộng với phương Tây và thậm chí thu hút thêm những nhân tố mới ủng hộ nước này thách thức trật tự toàn cầu hiện tại sẽ là những bước tiến quan trọng, đáng để chấp nhận nguy cơ khiến Israel khó chịu. Và việc quan điểm này gây ra căng thẳng ở châu Âu cũng là một kết quả phụ đáng mong muốn.

Nga đã thể hiện thái độ hoài nghi một cách rõ ràng. Tại Liên Hiệp Quốc, Moscow kêu gọi một phiên họp khẩn cấp liên quan đến vụ tấn công một bệnh viện ở Gaza – mà ngó lơ sự thật rằng họ đã dành 20 tháng để ném bom các tòa nhà dân cư và cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, tại các quốc gia đang phẫn nộ và đau khổ vì các hành động quân sự của Israel ở Gaza, những lời chỉ trích của Nga đã đánh trúng vào những định kiến về Israel và những người ủng hộ phương Tây của họ. Trong bối cảnh đau đớn, rạn nứt giữa thế giới đang phát triển và phương Tây sẽ ngày càng mở rộng. Nga sẽ không lãng phí cơ hội để làm sâu sắc thêm rạn nứt đó.

Đã ủng hộ Ukraine trong 600 ngày qua, và hiện đang sát cánh cùng Israel sau thời khắc đen tối nhất của nước này, các quan chức phương Tây đã cố gắng thuyết phục phần còn lại của thế giới rằng trật tự toàn cầu và các giá trị dân chủ đang bị đe dọa. Nhưng khi Israel và Hamas rơi vào vòng xoáy bạo lực, phương Tây còn lâu mới giành được chiến thắng trên mặt trận quan điểm. Cuộc chiến ở Ukraine đã lùi dần về phía sau. Nền ngoại giao do Mỹ dẫn đầu ở Trung Đông đang rơi vào hỗn loạn. Còn phương Tây và phần còn lại của thế giới đối mặt ở vực thẳm của sự thiếu hiểu biết lẫn nhau.

Trong bối cảnh đó, Nga sẽ cố gắng hết sức để thu được lợi ích.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới