Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTrung Quốc chuẩn bị đưa tàu lặn Giao Long ra Biển Đông...

Trung Quốc chuẩn bị đưa tàu lặn Giao Long ra Biển Đông ?

BienDong.Net: Mạng tin của Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc dẫn lời Lưu Phong, Chủ nhiệm Trung tâm quản lí căn cứ biển sâu quốc gia, cơ quan có nhiệm vụ triển khai các ứng dụng của tàu Giao Long cho biết trong tháng 6 năm 2013, tàu Giao Long sẽ tiến hành chuyến khảo sát biển tổng hợp lần thứ 31, tập trung vào việc thực hiện chương trình khoa học biển sâu.

Được biết đây là một phần trong kế hoạch “chuẩn bị khai thác tài nguyên đáy Biển Đông” nơi các nhà khoa học Trung Quốc ước tính có trữ lượng dầu thô lên đến 213 tỷ thùng, tương đương với 80% trữ lượng dầu thô của Arab Saudi.


Tàu lặn Giao Long ( ảnh Internet )

Sau đó, vào tháng 7, tàu Giao Long sẽ tiến hành nghiên cứu toàn diện về thủy văn, địa chất, môi trường, sinh vật cũng như các kết hạch đa kim loại tại vùng biển Đông bắc Thái Bình dương theo chương trình khảo sát đáy biển quốc tế kí kết với Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế (ISA), tổ chức liên Chính phủ quản lý khai thác tại các vùng biển quốc tế.

Trong giai đoạn cuối của hành trình kéo dài hơn 100 ngày, tàu Giao Long sẽ nghiên cứu một khu vực đáy biển giàu quặng côban cũng ở Thái Bình Dương.

Cũng theo ông Lưu Phong, tháng 5.2013, Trung Quốc sẽ xúc tiến xây dựng căn cứ biển sâu quốc gia. Một số nguồn tin cho biết căn cứ này, dự kiến hoàn thành vào 2014 tại Thanh Đảo, sẽ có cảng biển, xưởng bảo dưỡng, duy tu thiết bị nghiên cứu biển sâu, hố thử nghiệm qui mô lớn cũng như tòa nhà nghiên cứu khoa học, cơ sở huấn luyện thợ lặn biển sâu.

Giao Long được đặt tên theo một con rồng thần thoại, hồi tháng 6/2012, đã đạt kỷ lục lặn xuống độ sâu 7.020 mét tại Rãnh Mariana, Thái Bình dương trong cuộc thử nghiệm kéo dài 44 ngày. Báo chí Trung Quốc đánh giá điều này cho thấy Trung Quốc đủ năng lực khảo sát được 99% đáy biển trên thế giới, trong khi các chuyên gia thì cho rằng với thành tích này, Trung Quốc đã đứng vào vị trí hàng đầu trong một câu lạc bộ các quốc gia sở hữu siêu tàu lặn, thậm chí đứng trước cả Nhật, Nga, Pháp và Mỹ.

Ngoài việc bành trướng trên mặt biển, Trung Quốc tích cực triển khai hoạt động nghiên cứu đáy biển sâu, hy vọng sử dụng ưu thế trong công nghệ lặn sâu để gia tăng ảnh hưởng của mình và thúc đẩy quyền kiểm soát tài nguyên ở các khu vực tranh chấp với một số quốc gia Đông Nam Á cũng như Nhật Bản tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Minh họa cho mục tiêu này là việc Giao Long dùng cánh tay robot cắm cờ Trung Quốc dưới đáy biển Đông tại một trong 17 lần lặn vào tháng 5, tháng 6.2010.

Theo tin tức được báo chí Trung Quốc tiết lộ, trong chuyến thám hiểm đáy biển Đông sắp tới, tàu Giao Long sẽ tham gia dự án Biển Sâu Hoa Nam (SCSD), một dự án do Quốc vụ viện (Chính phủ Trung Quốc) tổ chức và do Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc tài trợ. Dự án này sử dụng các tàu nghiên cứu được trang bị những công nghệ khảo sát đáy biển, và sẽ kết thúc vào năm 2020.

Trong chuyến đi này, Giao Long dự kiến sẽ lặn xuống vùng lòng chảo có độ sâu hơn 4km. Vị trí chính xác chưa được tiết lộ, nhưng các chuyên gia khoa học của tàu Giao Long dự kiến họ sẽ đưa con tàu này tới vùng biển cách phía Tây Manila 200km và nằm về phía Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Giáo sư Trương Minh Lượng, một chuyên gia về Biển Đông thuộc Đại học Ký Nam Quảng Châu, cho rằng sự xuất hiện của tàu Giao Long ở quá gần một quốc gia khiến quốc gia đó lo ngại về sự xâm phạm lãnh hải của các tàu Trung Quốc và sẽ dẫn đến phản ứng từ các nước láng giềng hoặc các quốc gia khác.

Chuyên gia này nhấn mạnh: “Nếu như Philippines tin rằng khu vực tàu Giao Long khảo sát thuộc về họ, ít nhất họ sẽ tìm cách giám sát, theo dõi hoặc quấy nhiễu việc khảo sát”.

Theo các nhà phân tích, nếu Bắc Kinh hiện thực hóa kế hoạch này, tình hình căng thẳng trên Biển Đông hiện nay sẽ còn leo thang hơn nữa, bởi hành động này sẽ khiêu khích các nước láng giềng có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc tại vùng biển này./.

Bạch Đằng ( Tổng hợp theo VietNam+ và VietNam Net )

RELATED ARTICLES

Tin mới