Những dấu hiệu gần đây trên thị trường đặt ra câu hỏi liệu ô tô điện có thực sự triển vọng như những gì người ta từng kỳ vọng, thậm chí nhiều hãng ô tô điện ở Trung Quốc đang đứng trước cuộc thanh lọc sinh tồn?
Tuần qua, ông Akio Toyoda, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Toyota (Nhật Bản), gây chú ý dư luận khi tuyên bố: “Cuối cùng, mọi người cũng nhìn thấy thực tế”. Thực tế mà cựu Tổng giám đốc Toyota nói chính là việc ông từng cho rằng xu hướng phát triển của xe điện (EV) không như số đông kỳ vọng.
Dấu hiệu tiêu cực
Điều mà ông Toyoda đề cập không phải chủ quan, ngược lại còn dựa trên yếu tố khách quan từ diễn biến trên thị trường, theo tạp chí Fortune.
Mới đây, Tesla công bố kết quả kinh doanh quý 3 cho thấy số lượng EV mà hãng này giao trên toàn thế giới chỉ đạt 435.000 chiếc, thấp hơn so với con số 466.000 chiếc vào quý 2. Ngay cả khi Tesla tuyên bố vẫn không giảm chỉ tiêu giao 1,8 triệu chiếc trong cả năm 2023 – tăng đáng kể từ mức 1,3 triệu chiếc vào năm 2022, thì vẫn không đủ để trấn an nhà đầu tư. Bằng chứng là 2 ngày sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 3, giá cổ phiếu của Tesla đã giảm hơn 17% khiến vốn hóa thị trường của hãng xe này “bay” mất 138 tỉ USD. Kết quả, tài sản của tỉ phú Elon Musk, ông chủ Tesla, đã giảm 28 tỉ USD.
Không riêng Tesla, dấu hiệu tiêu cực cũng đang xảy đến với cả ngành EV. Theo tờ The Wall Street Journal, nửa đầu năm 2023, doanh số xe điện vẫn tăng trưởng 49% so với cùng kỳ năm trước. Con số không hề thấp, nhưng lại giảm đáng kể so với tốc độ tăng trưởng của năm 2022. Cụ thể, doanh số EV trong năm 2022 tăng đến 63% so với năm 2021.
Tương tự, theo Reuters, nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường EV đang chững lại. Đó được cho là nguyên nhân khiến Tập đoàn General Motor (Mỹ) và Tập đoàn Honda (Nhật Bản) mới đây đã công bố hủy bỏ chương trình hợp tác trị giá 5 tỉ USD để cùng phát triển xe hơi điện giá rẻ. Đây là chương trình được 2 bên đặt nhiều kỳ vọng kể từ khi thỏa thuận cách đây khoảng 1 năm. General Motor thừa nhận giờ đây họ chưa đặt ra quá nhiều mục tiêu dài hạn cho EV mà trước mắt tập trung vào các kế hoạch ngắn hạn để sản xuất xe điện.
Reuters dẫn lời ông Lee Chang-sil, Giám đốc tài chính của LG Energy Solution (Hàn Quốc) – một nhà sản xuất pin xe điện, ngày 25.10 dự báo: “Nhu cầu xe điện trong năm tới có thể thấp hơn mong đợi”.
Một số phân tích khác chỉ ra rằng việc sản xuất xe điện quá đắt đỏ và gặp nhiều hạn chế do nguồn nguyên liệu để sản xuất pin. Kèm theo đó là thách thức về việc xây dựng mạng lưới trạm sạc và những chi phí lâu dài để vận hành xe điện. Trong khi đó, xe động cơ xăng lai điện (hybrid) được cho là khả thi hơn để phát triển nhằm hướng đến bảo vệ môi trường theo xu thế kinh tế xanh.
Cuộc “thanh lọc” từ cạnh tranh về giá
Trong khi đó, cuộc cạnh tranh về giá đang khiến không ít nhà sản xuất EV ở Trung Quốc gặp khó. Thời gian qua, Trung Quốc được xem là nơi bùng nổ về số lượng nhà sản xuất EV và xe điện từ nước này đang xâm nhập nhiều thị trường trên thế giới. Thậm chí, năm 2022, hãng BYD của Trung Quốc còn dẫn đầu thế giới về doanh số EV nói chung với 1,8 triệu chiếc (bao gồm xe thuần điện là BEV và xe hybrid cắm sạc điện PHEV), đứng thứ 2 thế giới về xe thuần điện (BEV) – chỉ sau Tesla.
Tuy nhiên, việc tỉ phú Elon Musk quyết định đưa Tesla trở thành hãng xe điện tiên phong về cạnh tranh giá đã khiến cho các đối thủ Trung Quốc gặp khó. Tỉ phú Musk thậm chí còn dùng chiến lược này ngay tại thị trường Trung Quốc đại lục.
Từ tháng 1.2023, Tesla đã giảm giá các dòng xe Model 3 và Model Y từ 6 – 13,5% tại thị trường Trung Quốc. Thậm chí, giá bán của nhiều dòng xe của Tesla ở Trung Quốc rẻ hơn rất nhiều tại thị trường Mỹ. Ví dụ, theo tờ Financial Post, giá bán của Tesla Model Y sau khi giảm 10% còn 259.900 tệ, tương đương 37.875 USD thì rẻ hơn đến 43% so với giá bán của Tesla Model Y tại Mỹ là 65.990 USD.
Chiến lược của Tesla đã khiến các hãng khác cũng phải hạ giá để cạnh tranh. Cụ thể, khoảng 40 hãng xe Trung Quốc đã giảm giá bán cả xe điện lẫn xe động cơ đốt trong. BYD cũng giảm giá xe khoảng 10%. Theo tờ The New York Times, chỉ trong tháng 3, giá xe điện ID.3 do Volkswagen liên doanh với một đối tác Trung Quốc đã phải giảm giá đến 18%.
Thêm vào đó, như tình trạng chung của thị trường toàn cầu, doanh số EV ở Trung Quốc tuy vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ không như năm 2021 và 2022. Thời điểm cao trào, thị trường EV của Trung Quốc hằng tháng thường xuyên tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm trước, nhưng những tháng gần đây thấp hơn nhiều, thậm chí có lúc chỉ còn tăng khoảng 10%.
Những yếu tố vừa nêu khiến nhiều hãng xe điện của nước này gặp khó và đang đứng trước nguy cơ bị thâu tóm hoặc phải sáp nhập do không hiệu quả sau khi đã chi ra những khoản đầu tư khủng lồ. Hiện nay, Trung Quốc có khoảng 50 nhà sản xuất EV. Nhưng tờ Financial Times mới đây dẫn lời nhà phân tích Paul Gong, thuộc Tập đoàn tài chính UBS (Thụy Sĩ), dự báo đến năm 2030 sẽ chỉ còn từ 10 – 12 nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc hoạt động trên quy mô lớn trong lĩnh vực này. Thậm chí, hồi tháng 4 vừa qua, ông Hà Hiểu Phong, Giám đốc điều hành Hãng xe điện Xpeng, dự báo đến năm 2027 có thể chỉ còn khoảng 8 nhà sản xuất EV ở Trung Quốc vì những công ty nhỏ hơn sẽ không thể trụ lại trước sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành công nghiệp này.
Những khó khăn đang diễn ra trở thành một đợt thanh lọc đối với nhiều hãng xe điện mà không chỉ riêng tại Trung Quốc.
Không phải là chọn lựa duy nhất ?
Ông Akio Toyoda (ảnh) từ lâu không cho rằng EV là cách duy nhất để ngành công nghiệp ô tô đạt được mức trung hòa carbon – phát thải ròng bằng 0 là tiêu chí mà nhiều nước đang phấn đấu theo hướng bảo vệ môi trường.
Theo ông, có nhiều cách để đạt được mục tiêu này mà trong đó bao gồm cả việc phát triển xe xăng lai điện (hybrid). Ông Toyoda từ lâu khuyên ngành ô tô nên phòng ngừa rủi ro việc đặt cược “tất tay” vào xe điện bằng cách đầu tư vào xe hybrid, xe chạy bằng nhiên liệu hydro và các phương tiện thay thế thân thiện với môi trường khác.
Cũng vì quan điểm đó, trước sức ép từ cuộc chạy đua phát triển EV từ nhiều hãng đối thủ, ông Toyoda đã từ chức vào tháng 4 vừa qua.
T.P